Thi hào Nguyễn Du từng thốt lên "Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng/ Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long" (Núi Tản, sông Lô bao năm vẫn thế/ Bạc đầu còn được thấy Thăng Long).
Cao Bá Quát viết thật hào sảng "Ngó Bắc, núi cao liền châu thổ/ Nhìn Nam, trời lớn cuốn ngàn mây/ Rốn Rồng, thành quách vươn uy tráng/ Sóng tựa hoa đào vạn sắc bay".
Hoàng Diệu quyết tử giữ thành Hà Nội, trước khi tuẫn tiết cắn ngón tay viết di biểu bằng máu "…Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng".
Lại cũng nghe câu thơ than khóc của thi sĩ Phan Vũ: "Ta còn em những giấc mơ lộng lẫy xiêm y/ Nhã nhạc nhịp nhàng/ Vóc dáng cung phi/ Những hào kiệt, những anh hùng/ Vương triều nào cũng có/ Và kẻ cuồng si gọi tên thi sĩ!/ Thắp nén hương nhớ người tri kỷ...". Những câu thơ vàng son hay bi thương, lời văn cao thượng hay tao nhã đều mờ tỏ hình dung về người Hà Nội.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho rằng cái "long mạch", "tuệ mạch", "thi mạch"… Thăng Long chẳng bao giờ ngừng! Chính nó làm nên cốt cách Thăng Long. Ông viết về Thăng Long với 13 khổ thơ đầy không gian đồng hiện "tương phản hai mặt tưởng như không thể giao thoa hòa quyện, một kiêu hùng uy dũng, một diễm lệ mộng mơ", thí dụ một khổ: "Có một Thăng Long Nguyễn Huệ/ Ngựa phi trong sắc hoa đào/ Có một Thăng Long e lệ/ Mắt nào góc phố tìm nhau"...
Về logic mà nói thì hiền sĩ phải có gốc ở "thi mạch" này thì mới phát tiết ra những áng thơ thượng thừa như vậy. Vậy lý giải ra sao khi Nguyễn Du gốc Hà Tĩnh, Hoàng Diệu gốc Quảng Nam, Cao Bá Quát quê Bắc Ninh, Phan Vũ gốc Hải Phòng…
Người Hà Nội là gì? Là những thực thể hữu hình hay chỉ có thể cảm nhận trong suy tưởng? Có thể định lượng hay chỉ có thể định tính? Nhiều chục năm nay, đã có nhiều người nỗ lực tìm ra thước đo tiêu chí người Hà Nội thực thụ có đặc quyền "rốn rồng" một cách có vẻ khoa học nhất như có hộ khẩu, sinh tại thủ đô, bao nhiêu đời cư ngụ? Nếu tiêu chuẩn này đủ cơ sở thì có thể nạp dữ liệu để chế tạo máy "Hà Nội kế". Chỉ ngắm qua "Hà Nội kế" là biết ngay anh, chị ấy là có phải người Hà Nội không?
Về "nhạc mạch", hãy xem tác giả của những ca khúc kinh điển bậc nhất về Hà Nội có sinh ra ở Hà Nội không? Người viết Nhớ về Hà Nội là nhạc sĩ Hoàng Hiệp và tác giả Hà Nội niềm tin và hy vọng là nhạc sĩ Phan Nhân cùng quê An Giang. Nhạc sĩ Phú Quang với Em ơi Hà Nội phố quê ở Thạch Thất (Hà Tây trước đây). Nhớ mùa thu Hà Nội là sáng tác của nhạc sĩ gốc Huế Trịnh Công Sơn. Tác giả Có phải em mùa thu Hà Nội là nhạc sĩ Trần Quang Lộc quê Quảng Trị. Tác giả Tiến về Hà Nội là nhạc sĩ Văn Cao quê Hải Phòng. Tác giả của bài Người Hà Nội kinh điển hào hoa là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi thì gốc làng Vũ Thạch, tọa độ đúng phố Bà Triệu bây giờ nhưng ông lại được sinh ra ở Luang Prabang (Lào) và gắn bó tuổi thơ với đất cảng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên viết Hà Nội Điện Biên phủ trên không quê tại Hải Dương. Nhạc sĩ Vũ Thanh với tuyệt tác Bài ca Hà Nội quê gần Hồ Gươm nhất là Từ Liêm… Thí dụ như vậy có đến hàng trăm, kể không hết. Tất nhiên, vẫn có thiểu số vô cùng hiếm như nhạc sĩ Hoàng Vân, viết nhiều bài hay về Hà Nội, sinh ra và trưởng thành ngay bên Hồ Gươm.
"Nghệ mạch" Hà Nội thì sao? 36 phố hàng thì hầu hết đều là do thợ khéo làng nghề từ các tỉnh Bắc Bộ tụ về. Hàng Bạc do thợ Châu Khê (Hải Dương). Hàng Khay đồ khảm xà cừ có tổ nghề Thanh Hóa. Hàng Quạt do thợ quạt Hưng Yên lập phường. Hàng Đào do cư dân thợ nhuộm Hải Dương… Nhưng chỉ với đất Hà Nội thì hàng thủ công của 36 phố hàng mới thật sự trở nên "vua biết mặt chúa biết tên".
Các đấng quân vương và hoàng thân đều là anh kiệt từ mọi miền. Nhà Nguyễn, Hậu Lê phát tích từ Thanh Hóa; nhà Trần phát tích từ Nam Định. Đức sáng tổ Thăng Long Lý Thái Tổ phát tích từ Bắc Ninh. Bá quan văn võ trong triều, hiền tài của những áng văn thiên cổ như Nguyễn Trãi hay nhà khoa học như Lê Quý Đôn cũng đều là tinh hoa thôn dã. Cư dân cơ bản khi dời đô xưa hẳn phần nhiều người Hoa Lư. Cư dân thập tam trại (13 làng cổ nhất) như Thủ Lệ, Thụy Khuê, Kim Mã, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Giảng Võ… đều gốc Lệ Mật (Bắc Ninh xưa).
Nếu xác định người Hà Nội theo giới hạn địa giới nào thì chuẩn? Theo bốn quận nội thành cũ thì quá nhỏ mà cả tỉnh Hà Nội thì quá to? Năm 1831, Vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội gồm bốn phủ Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân. Diện tích bao phủ cả Hà Tây cũ tới hết tỉnh Hà Nam bây giờ. Vậy những thước đo về tọa độ nhân khẩu trở nên bất khả thi. Văn hóa không thay đổi nhanh như chuyển đổi số.
Mấy ai xa lạ với câu "đây lắng hồn núi sông ngàn năm". Chữ "lắng" ở đây chính là các trầm tích tinh thần văn vật riêng có từ ngàn đời không thể cân đong. Nhìn vào lịch sử thì thấy rõ, cốt cách Hà Nội được tạo nên nhờ kết tinh hội tụ khí thiêng mọi miền chứ không tự nhiên mà có. Không phải hễ sinh sống ở thủ đô thì mặc nhiên được trở thành người Hà Nội thực thụ, chỉ những người có duyên hòa trong mạch sống Thăng Long mới thành người Hà Nội đúng nghĩa.
Trong "Chiếu dời đô", đức vua Lý Thái Tổ chỉ rõ: "…thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…". Kinh đô này muôn đời vững chãi không dựa vào gỗ bền đá cứng mà bằng sự hội tụ nguyên khí bốn phương. "Tuệ mạch" Hà Nội như con sông lớn của nghìn con suối nhỏ. Mỗi nhân tài về đây lại bồi thêm cho Hà Nội một chiều cao mới. Người miền ngược, miền xuôi đều có thể trở thành là người Hà Nội và rất Hà Nội. Mạch nguồn nơi đây có một năng lượng chạm gỗ đá hóa thi ca, biến thường nhân thành hiền sĩ. Những con người thụ khí thiêng đó sau này đi ngang về dọc trên địa cầu cũng không thể thay đổi chất nữa. Hà Nội đã trở thành một tính từ.