Lưu nhớ ký ức cộng đồng

Thời gian càng lùi xa từ những cuộc chiến tranh, các giá trị của độc lập, tự do, của lòng yêu nước và ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh bảo vệ Tổ quốc… lại tiếp tục được tôn vinh ở những góc nhìn mới.
0:00 / 0:00
0:00

Các nguồn tư liệu, hiện vật, hình ảnh… liên quan đến lịch sử chiến tranh cách mạng tiếp tục được bảo tồn để cất lên những câu chuyện xúc cảm, thiêng liêng.

Cũng theo thời gian, bên cạnh các nguồn tư liệu, hiện vật vốn đã rất đa dạng được người dân cả nước biết đến, được lưu giữ ở các bảo tàng, di tích, không gian lịch sử, công chúng còn được tiếp cận nhiều hơn đến các tư liệu, hiện vật “mới”. Nói “mới” là bởi qua nhiều năm tháng được gìn giữ trong các nguồn tư liệu gia đình, trong các bộ sưu tập cá nhân hay các không gian, địa điểm còn chưa được phát hiện, tìm thấy. Nay từ sự giải mật, công bố của các cơ quan chức năng; sự chia sẻ của các cựu chiến binh và thân nhân; từ quá trình nghiên cứu, xác minh của các chuyên gia; từ cả việc khai quật của các đoàn đi tìm mộ liệt sĩ, các di sản từ chiến tranh qua đó dần hé lộ, trở lại với cuộc sống đương đại.

Đó là những lá thư của những người lính gửi về gia đình, người thân; những cuốn nhật ký chiến trường, những đồ vật sử dụng trong quân ngũ; cả những di vật của liệt sĩ được tìm thấy từ lòng đất hay được chính một số cựu chiến binh ở bên kia chiến tuyến cất giữ, nay tìm sang Việt Nam để trả lại. Đó còn là những hồi ức chiến trường xưa được nhiều cựu chiến binh kể lại hay trực tiếp cầm bút thuật lại trong các tự truyện, truyện ký, ghi chép công bố trên sách báo. Và còn nhiều các tài liệu, hiện vật khác, tất cả trở lại và cất lên những câu chuyện giúp công chúng hôm nay có được những cái nhìn đầy đủ, phong phú hơn từ những cuộc chiến; được sống nhiều hơn cùng lịch sử qua những câu chuyện riêng và chung giàu xúc cảm; được có thêm những suy tư nhân văn, nhân bản về cuộc đời, số phận, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, cộng đồng.

Những di sản “mới” đó, đã và đang từ những góc riêng trở nên tài sản, ký ức chung của cả cộng đồng. Chúng cần được trân trọng giữ gìn, lan tỏa trong đời sống, trong các dịp kỷ niệm, những ngày lễ lớn của đất nước và các địa phương. Điều kiện lưu giữ, bảo quản hôm nay đã tốt hơn để bảo tồn những di sản đó. Tư duy và phương pháp mới trong việc tôn vinh, tuyên truyền về lịch sử, trong đó có sự phát triển của khoa học, công nghệ, không gian mạng sẽ giúp lan tỏa giá trị các di sản đó sâu rộng hơn. Đây là những gợi ý hay cho ngành văn hóa, lịch sử, các địa phương, các bảo tàng, nhà trưng bày, nhà truyền thống… trong việc lưu nhớ những ký ức cộng đồng đó một cách khoa học, hiện đại và hiệu quả. Để từ những “ký ức được bổ sung”, nguồn di sản lịch sử của đất nước, địa phương thêm giàu có, tiếp tục thắp sáng những giá trị trường tồn của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.