Đề tài này đã hình thành cơ sở lý luận và một số nghiên cứu thực tiễn để xây dựng luật với những nội dung chính đáng chú ý như sau: thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc thực hiện pháp luật với chế độ chính sách nhà giáo, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo bằng pháp luật, khung chính sách đối với nhà giáo (bao gồm các nội dung về: Vị trí, vai trò, vị thế đội ngũ nhà giáo; Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ nhà giáo; Vấn đề tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; Vấn đề lương và các điều kiện làm việc của nhà giáo; Vấn đề tôn vinh, khen thưởng nhà giáo; Vấn đề hội nhập quốc tế đối với công tác phát triển đội ngũ; Vấn đề quản lý nhà nước về nhà giáo.
Có thể nói Đề tài trên đã bao trùm hầu hết các chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, bước đầu làm cơ sở để xây dựng luật. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần được đặt ra khi bắt tay vào xây dựng Luật Nhà giáo.
Trước hết, đâu là sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo? Phải chăng chúng ta đang thiếu các chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo? Phải chăng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời nhưng chưa vào được cuộc sống? Vẫn còn rất nhiều những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương. Vẫn còn đâu đó mối quan hệ thiếu lành mạnh giữa giáo viên với nhau và với cán bộ quản ý nhà trường (đặc biệt là hiện tượng mất dân chủ trong nhà trường), giữa giáo viên với học sinh và với cộng đồng xã hội. Rồi những hiện tượng giáo viên bỏ việc hoặc tìm đủ mọi cách để có việc làm trong ngành giáo dục diễn ra đồng thời... Vì thế các nhà làm luật rất cần tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề nổi cộm hiện nay một cách toàn diện để một khi luật được xây dựng và thông qua sẽ giảm bớt được những vấn đề lưu cữu từ nhiều năm chưa được giải quyết. Rất cần phải xác định trúng vấn đề, nguyên nhân để tìm ra giải pháp chính sách rồi thể chế hóa chính sách thành luật, khi đó tính khả thi sẽ cao hơn.
Tiếp đó, rất cần có đánh giá những tác động chính sách và tác động của luật pháp đã ban hành đến chất lượng, hiệu quả và sự công bằng giáo dục. Nói cách khác, cần đánh giá kết quả và những tác động của các chính sách của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo và các chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo như Chỉ thị 40/2004/CT-TW của Ban Bí thư bên cạnh các luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp, Việc làm, Thi đua khen thưởng và rất nhiều nghị định của Chính phủ liên quan. Có thể nói đây là công việc rất đồ sộ cần nghiên cứu đánh giá khoa học để có số liệu thuyết phục các đại biểu Quốc hội nghe và thấu hiểu, có sự đồng thuận về sự cần thiết và cách làm bài bản của cơ quan được giao xây dựng luật.
Luật cần thể hiện sự phân cấp trong quản lý nguồn nhân lực cho địa phương và cho cơ sở giáo dục để cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, sa thải.
Ngành giáo dục rất cần thay đổi mô hình quản lý dựa vào cộng đồng, đẩy mạnh dân chủ cơ sở, cắt bỏ các cơ quan quản lý trung gian để giao trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu cơ sở giáo dục. Vấn đề không chỉ là lương bổng và thu nhập của đội ngũ nhà giáo mà để cho nhà giáo yên tâm làm việc thì môi trường làm việc phải thật sự dân chủ... thể hiện ở mối quan hệ giữa cơ quan quản lý giáo dục địa phương, trung ương, giữa giáo viên và lãnh đạo nhà trường, với học sinh và cộng đồng nói chung. Chỉ có dân chủ thực chất trong trường học thì giáo viên và học sinh mới cảm thấy được tôn trọng để có động lực sáng tạo, cống hiến hết lòng cho sự nghiệp.
Luật Nhà giáo nếu được xây dựng và ban hành cần bao trùm lên cả hệ thống giáo dục và đào tạo bao gồm nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, và giáo dục đại học mà không chỉ giới hạn ở nhà giáo trong giáo dục phổ thông. Nói như thế để bảo đảm tính nhất quán của hệ thống chính sách, luật pháp liên quan. Đó không chỉ là đội ngũ nhà giáo thuần túy mà còn phải điều chỉnh cả đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - vì những người này cũng là nhà giáo. Ngoài ra, những giáo viên người nước ngoài theo các chương trình hợp tác cũng cần được quy định trong luật.
Để luật không bị lỗi thời lại không quá chi tiết cứng nhắc khó xoay xở khi tình hình có những thay đổi, cơ quan soạn thảo Dự thảo luật rất cần cân nhắc xem điều luật nào quy định cứng (nghĩa là thực tế chứng minh ít thay đổi), điều luật nào quy định khung và sẽ được hướng dẫn bằng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện cuộc sống có thay đổi mà chưa lường hết được. Cần tham khảo thực tiễn của các quốc gia trên thế giới ứng xử như thế nào với những vấn đề tương tự mà ngành giáo dục Việt Nam đang vướng mắc để có một cách tiếp cận sáng tạo, hợp quy luật thực tiễn và hiện đại.