Lời ước nguyện từ Thành cổ

Khiến cả thế giới biết đến như một biểu tượng của những chiến công hiển hách, sự hy sinh anh dũng để giành lấy nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị hôm nay đang bước những bước đầu tiên trên hành trình xác lập một vị thế lịch sử mới: Trở thành điểm đến vì hòa bình của nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima-Việt Nam tặng hạc giấy, biểu tượng ước nguyện hòa bình cho Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima-Việt Nam tặng hạc giấy, biểu tượng ước nguyện hòa bình cho Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Hoa nở trên "đất máu"

50 năm sau sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 ấy, giữa mùa hạ của năm 2022, hoa phượng khoe sắc đỏ thắm trên Trường Bồ đề Quảng Trị nham nhở vết đạn-Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, nơi ghi dấu 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, như lời nhắc nhớ về cái giá nghiệt ngã của chiến tranh và gửi gắm sâu trong đó là ước muốn, là nguyện ước vĩ đại hướng đến một thế giới hòa bình, nhân ái.

Sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 ấy đã góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến trường, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền nam Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, cổ vũ mạnh mẽ quân, dân cả nước tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Trong 81 ngày đêm đó, hàng nghìn chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, chấp nhận hy sinh, xương máu của các anh đã quyện vào đất thiêng Thành cổ, thân thể các anh đã hòa vào lòng sông Thạch Hãn. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9/8/1972 đã viết: "Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thật sự là một mét vuông máu". Các báo phương Tây bình luận, sức công phá của lượng bom đạn mà Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm tương đương bảy quả bom nguyên tử, loại Mỹ ném xuống thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản. Thành cổ Quảng Trị, "mùa hè rực lửa 1972" ấy đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần bất diệt bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Ý tưởng và khát vọng xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành đô thị vì hòa bình là mong ước không chỉ của người dân thị xã, người dân tỉnh Quảng Trị, mà còn nhận được sự đồng thuận của cả đồng bào và chiến sĩ cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Đồng chí Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Trị cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phấn đấu xây dựng thị xã đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị vì hòa bình.

Những năm qua, cùng với sự cố gắng vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân, thị xã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các ngành, các cấp cùng nhân dân cả nước chung tay, góp sức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm như: Đài tưởng niệm Thành cổ, Tháp chuông, Nhà hành lễ và Bến thả hoa hai bờ nam-bắc sông Thạch Hãn, Quảng trường Giải Phóng, Tượng đài Mai Quốc Ca, Tượng đài chiến thắng của Sư đoàn 325; nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, tâm linh được bảo tồn như di tích Trường Bồ đề Quảng Trị, Ngã ba cầu Ga, Nghĩa Trũng Đàn, Nhà thờ Trí Bưu… đã tạo nên một quần thể không gian văn hóa, lịch sử, tưởng niệm làm lay động lòng người.

Lời ước nguyện từ Thành cổ ảnh 1

Ông David Lee, năm nay 66 tuổi, du khách người Mỹ, sinh sống tại bang California, là kỹ sư điện tử đã về hưu, đến thăm Di tích đặc biệt quốc gia Thành cổ Quảng Trị vào ngày 7/7/2022.

Ông cho biết, chưa từng cầm súng đi lính, nhưng ông biết thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị là địa danh rất nổi tiếng, nhất là qua những năm chiến tranh. Khi đến Việt Nam, ông tìm về nơi này để thắp hương cho các liệt sĩ của Việt Nam hy sinh vì nghĩa lớn cũng như thắp hương cho những quân nhân của Mỹ và chính quyền miền nam cũ đã tử nạn tại Quảng Trị. Với ông, điều quý nhất của con người là sự sống, yêu chuộng hòa bình, không ai muốn chiến tranh, chết chóc. Vì vậy, khi biết thị xã Quảng Trị phát triển theo định hướng xây dựng trở thành đô thị vì hòa bình ông rất ủng hộ, khi trở về đất nước, bằng những gì đã được chứng kiến và trải nghiệm, ông sẽ kêu gọi bạn bè góp phần cùng thị xã Quảng Trị thực hiện mục tiêu ý nghĩa này. Theo ông, muốn đẩy mạnh xây dựng đô thị vì hòa bình, thị xã Quảng Trị cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa ý tưởng, kế hoạch và hình ảnh của mình. Việc làm này không riêng của chính quyền, mà mỗi người dân cần khẳng định vai trò chủ nhân của mình. Thị xã nên đầu tư phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học; tổ chức những lễ hội lớn mang chủ đề vì hòa bình để các tổ chức quốc tế quan tâm hơn nữa, nhiều đoàn khách trên thế giới hướng đến ngày càng đông hơn, từ đó tạo thêm động lực để đô thị Quảng Trị phát triển xứng tầm-trở thành điểm đến vì hòa bình của nhân loại.

Từ Hiroshima đến Thành Cổ

Khát vọng và định hướng xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành đô thị vì hòa bình luôn nhận được sự chia sẻ của bạn bè quốc tế, nhất là những nơi từng đi qua chiến tranh tàn khốc như thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản-vẫn còn đang phải khắc phục hậu quả nặng nề của hai quả bom nguyên tử do quân đội Mỹ ném xuống, tháng 8/1945. Chia sẻ với Quảng Trị, từ năm 2009 đến nay, Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima-Việt Nam (HVPF) do ông Ihara Osamu, nghị sĩ tỉnh Hiroshima và ông Akagi Tatsuo, nghị sĩ, Tổng Thư ký Hội HVPF đã 14 lần đến thăm và làm việc tại Quảng Trị. Đoàn gặp gỡ làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ban, ngành tìm hiểu về hậu quả của chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin; kết nối trao đổi về các khả năng hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, y tế. Thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Hiroshima, những nơi bị tàn phá nặng nề của chiến tranh nhằm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị vì hòa bình. Hằng năm, HVPF đã tài trợ chương trình học bổng cho học sinh nghèo học giỏi của Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị, liên kết giao lưu giữa các trường THCS của thị xã Quảng Trị với các trường ở Hiroshima. HVPF đã tài trợ hơn 53.280 USD cấp học bổng cho học sinh và một số thiết bị y tế cho thị xã Quảng Trị cũng như nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị và gửi 50.000 con hạc trắng bằng giấy-biểu tượng của lòng khát khao hòa bình (bắt nguồn từ cô bé Sasaki Sadako ở Hiroshima đã chết do bệnh máu trắng hậu quả từ vụ ném bom nguyên tử), được hội viên của HVPF tự tay gấp tặng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, các nghĩa trang liệt sĩ; học sinh Trường THCS Thành Cổ, Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh…

Câu chuyện Sasaki Sadako gấp hạc trắng kêu gọi hòa bình nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Không chỉ du khách, mà học sinh các trường ở thị xã Quảng Trị cũng luôn được nghe và kể cho nhau nghe về câu chuyện nguyện cầu hòa bình của Sasaki Sadako - như góp thêm tiếng nói để xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị vì hòa bình và thân thiện. Mỗi người dân ở thị xã Quảng Trị cũng luôn tự ý thức được mình chính là chủ nhân của đô thị vì hòa bình, có thể tự làm hướng dẫn viên du lịch để kể cho du khách nghe về ký ức lịch sử với hình ảnh cuộc chiến tranh bi hùng và khát vọng hòa bình được thể hiện mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi con người ở đây.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, rất trân trọng các hoạt động của HVPF tại Quảng Trị trong thời gian qua, đặc biệt là nỗ lực kết nối để tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác kết nghĩa hữu nghị giữa hai tỉnh Hiroshima-Quảng Trị cũng như hai đô thị của hai tỉnh này, những nơi có nhiều điểm tương đồng, đều bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên chính quyền và người dân luôn hiểu rõ giá trị hòa bình và những nỗ lực vươn lên khắc phục hậu quả chiến tranh. Vì vậy, chủ đề vì hòa bình là trọng tâm, nền tảng cho việc hợp tác phát triển giữa hai tỉnh ngày càng sâu sắc hơn.

Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị chia sẻ, để hình ảnh một đô thị vì hòa bình được thể hiện sinh động, góp phần khai thác, phát huy những giá trị của di tích lịch sử cách mạng, tiêu biểu là Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị thì công tác quy hoạch xây dựng thị xã Quảng Trị luôn cần được các cấp, các nhà khoa học quan tâm đúng mức. Vì vậy, cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội, thì xây dựng đô thị cần dựa trên nền tảng không gian 81 ngày đêm của năm 1972 để truyền đi thông điệp lịch sử hướng đến khát vọng vì hòa bình nhân loại. Phải thiết kế không gian kiến trúc rõ ràng, khoa học để khi thị xã xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội không bị trùng vào không gian tưởng niệm, tri ân, tất cả các việc làm, công trình đều hướng đến xây dựng hình ảnh một đô thị vì hòa bình đầy sức sống và lãng mạn.

Nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng đồng thời tạo ra sự độc đáo thu hút du khách, tỉnh Quảng Trị quyết định xây dựng tại thị xã Quảng Trị công trình lớn mang tên Nhà trưng bày Thành cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm 1972 để tạo lập không gian tâm linh, tái hiện ký ức lịch sử; nơi tri ân những anh hùng liệt sĩ để mỗi khách tham quan có sự chiêm nghiệm về sự sống và cái chết, cũng là lời gợi nhắc về sự trân trọng quá khứ, lấy quá khứ làm sức mạnh để hướng tới tương lai, xây dựng nền hòa bình bền vững. Mong một ngày không xa, thị xã Quảng Trị-không gian Thành cổ linh thiêng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và ý nghĩa của bạn bè yêu chuộng.

Năm 1809, Vua Gia Long chuyển dinh Quảng Trị từ Ái Tử-Trà Bát (thuộc xã Triệu Giang, xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) về các làng Thạch Hãn, Tri Bưu và Cổ Thành ở phường 1, thị xã Quảng Trị bây giờ để "nâng cấp" nơi này thành lỵ sở. Từ đây, lỵ sở Quảng Trị được bắt đầu kiến tạo bằng việc xây thành Quảng Trị (nay gọi là Thành cổ Quảng Trị) diễn ra suốt 28 năm (từ 1809-1837) để trở thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế. Sau này người Pháp xây dựng thêm một loạt công trình ở Thành cổ Quảng Trị phục vụ mục đích cai trị như đồn cảnh sát và nhà tù… Người Pháp không chỉ thiết lập lỵ sở ở Thành cổ Quảng Trị thành trung tâm chính trị với bộ máy nhà nước gồm chính quyền thực dân Pháp với vua quan nhà Nguyễn, mà còn tiến hành xây dựng nơi đây thành đầu mối kinh tế lớn. Ngày 17/2/1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Quảng Trị, là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị.