"Lời đáp trả đanh thép"

"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là chiến thắng có tầm chiến lược của quân đội và nhân dân Việt Nam, đóng vai trò trực tiếp và quyết định vào việc ép đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chiếc B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, vào 20 giờ 13 phút đêm 18/12/1972. Ảnh tư liệu
Chiếc B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, vào 20 giờ 13 phút đêm 18/12/1972. Ảnh tư liệu

Với thế giới, cuộc đọ sức oanh liệt trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác ở miền bắc Việt Nam là sự kiện độc nhất vô nhị. Vì vậy, dù đã trôi qua nửa thế kỷ, sự kiện này vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa, thu hút các chuyên gia chính trị, quân sự nhiều nước nghiên cứu và tìm hiểu.

Tổng thống Mỹ khi ấy, Richard Nixon - người "có đôi mắt đầy hoang dại", như mô tả của Đại tướng John William Vogt Jr. - đã dồn hết dã tâm của ông ta vào chiến dịch ném bom chưa từng có, nhằm giành được một kết quả "hòa bình trong danh dự" cho cỗ máy chiến tranh đang sa lầy của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Điều đó được thể hiện rõ ràng sau khi giải mật Hồ sơ Đặc biệt của Nhà trắng, bản ghi nhớ cuộc nói chuyện với Henry Kissinger và Tướng Alexander Haig ngày 19/5/1972. Nixon nhấn mạnh:

"Tôi muốn nói thẳng với Không quân (Mỹ) rằng tôi thật sự chán ghét màn trình diễn của họ tại Bắc Việt. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc họ chỉ dám bay ở độ cao 4000 feet (khoảng 1.200m) trở lên là một trong những biểu hiện nhu nhược nhất mà chúng ta từng có, trong toàn bộ lịch sử rực rỡ của quân đội Hoa Kỳ… Họ đã chơi trò "làm thế nào để không thua" quá lâu, đến nỗi bây giờ không thể biết cách "làm thế nào để thắng". Trong hoàn cảnh đó, tôi quyết định trực tiếp chỉ huy tất cả các cuộc tấn công ở khu vực Hà Nội-Hải Phòng".

Thái độ của ông chủ Nhà trắng cũng đã phản ánh sự đáp trả rất hiệu quả của Việt Nam trước các đòn không kích dồn dập của siêu cường số một thế giới, trong suốt những giai đoạn trước đó của cuộc chiến. Và chính ông ta, một lần nữa, đã được trải nghiệm điều này trong chiến dịch Linebacker II. Dù đã huy động tới một nửa số máy bay ném bom chiến lược B-52 (khoảng 200/400 chiếc) và một phần ba số máy bay ném bom chiến thuật (1.000/3.000 chiếc), thả xuống 20.000 tấn bom trong 11 ngày, 12 đêm, nhưng Không quân và Không quân Hải quân Hoa Kỳ đã không thể đè bẹp được ý chí của đối phương, mà ngược lại, phải chịu tổn thất 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52. Cho đến ngày nay, Việt Nam vẫn là nước đầu tiên và duy nhất bắn rơi được "pháo đài bay" này.

Một cái tên hàng đầu trong lĩnh vực của mình- Mark Clodfelte, Giáo sư chiến lược quân sự, hiện làm việc tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Washington nhấn mạnh: Trong ba đêm đầu tiên, các máy bay B-52 đã sử dụng những đường bay giống nhau, và "phòng không Bắc Việt đã rất nhanh nhạy lợi dụng các tuyến bay lặp đi lặp lại để tập trung các khẩu đội tên lửa phòng không của họ ở những khu vực mà máy bay B-52 không kích để đón bắn, điều này đã vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của các máy bay ném bom". Giáo sư Mark Clodfelte cho biết: Thiệt hại gặp phải đã khiến Đại tướng John Charles Mayer, Tư lệnh lực lượng Không quân Chiến lược (SAC) phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch tác chiến sau 36 giờ nghỉ Giáng sinh.

Trong nghiên cứu mang tên "Ý nghĩa chiến lược của Linebacker II", Đại tá Phillip S. Michael thuộc lực lượng Vệ binh Không quân Quốc gia Mỹ tiết lộ: Cuộc tập kích hàng không chiến lược chỉ gây hư hại được 32% trong số 59 tổ hợp mục tiêu đã vạch ra. Trong khi đó, với các phi công B-52, 25 người bị mất tích, 33 người bị bắt sống và tám người thiệt mạng trong chiến đấu.

Tiến sĩ Earl Tilford, người từng là sĩ quan Không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, trong cuốn sách "Setup: What the Air Force Did in Vietnam and Why" cho rằng: "Học thuyết ném bom chiến lược do Không quân ủng hộ vào đầu cuộc chiến đã làm sai lệch nhận thức của họ về những gì cần thiết và có thể xảy ra trong cuộc xung đột". Theo ông, chiến dịch Linebacker II thực tế mang lại tác dụng lớn nhất là trấn an chính quyền Sài Gòn về sức mạnh bảo hộ của Mỹ cho sự tồn tại của họ. Ông kết luận: "Linebacker II đã đạt được hiệu quả rất hạn chế về mặt quân sự, ngoại trừ việc xới tung những đống đổ nát được gây ra bởi… Linebacker I".

Đối với giới nghiên cứu lịch sử quân sự Liên Xô (trước đây) và nước Nga bây giờ, chiến thắng 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" luôn là một sự kiện hào hùng, rất đáng tự hào bởi những đóng góp của Liên Xô trong đó.

Tiến sĩ lịch sử quân sự Alexander Fedotov đánh giá: "Từ năm 1964 đến năm 1973, một hệ thống phòng không mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đã được tạo ra ở Việt Nam".

Ông nhấn mạnh: Bên cạnh sự khốc liệt phi thường của chiến tranh, bộ đội Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô đã phải đối mặt với khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ trong khoang điều khiển có lúc lên tới 70 độ C. Sự mệt mỏi càng trở nên khắc nghiệt ở công đoạn nạp nhiên liệu cho tên lửa, khi họ phải khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ nặng nề và ngột ngạt. Các loại côn trùng và bò sát cũng thường xuyên gây ra những vết thương khủng khiếp không thể khép miệng trong một thời gian dài. Hậu cần và cơ sở hạ tầng thiếu thốn cũng là một vấn đề không thể không nhắc tới, với một đất nước nghèo khó, lại bị chiến tranh tàn phá như Việt Nam. Đường sá bị phá hủy hoàn toàn khiến lực lượng phòng không phải rèn luyện được các "kỹ năng mầu nhiệm" nhằm cho phép triển khai và thu dọn các trận địa trong thời gian cực ngắn, đồng thời học cách di chuyển tên lửa và súng máy hạng nặng trên các cánh đồng lúa. Họ đã luôn chiến đấu trong điều kiện "những quả bom chùm nổ khắp chung quanh và bắn ra hàng trăm mảnh kim loại".

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cho thấy tinh thần dân tộc Việt Nam anh hùng, tinh thần của những người yêu chuộng hòa bình, có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dẫn đường. Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy vai trò nổi bật trong chiến thắng lịch sử của quân và dân Việt Nam cách đây 50 năm, cũng như trong công cuộc tổ chức và xác định con đường đấu tranh cách mạng, phát triển đất nước về sau.

Yuri Vishnev - Cựu chiến binh Nga

Như vậy, "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" không chỉ được ghi nhận như một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nói riêng, mà còn được nhìn nhận như một sự kiện phi thường trong lịch sử quân sự thế giới nói chung.

Tầm vóc của chiến thắng này chưa bao giờ giới hạn trong lĩnh vực quân sự thuần túy, mà cao hơn thế, đó là lời đáp trả đanh thép của dân tộc Việt Nam, tô đậm ý chí sắt son và khát vọng bỏng cháy, trong cuộc đấu tranh trường kỳ cho độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

"Lời đáp trả đanh thép" ảnh 1

Tầm vóc của chiến thắng này chưa bao giờ giới hạn trong lĩnh vực quân sự thuần túy, mà cao hơn thế, đó là lời đáp trả đanh thép của dân tộc Việt Nam, tô đậm ý chí sắt son và khát vọng bỏng cháy, trong cuộc đấu tranh trường kỳ cho độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.