Phát triển bền vững ngành cà-phê

Lấy người nông dân làm trung tâm

Ngành hàng cà-phê hiện tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 600.000 hộ nông dân với khoảng 2 triệu lao động. Hợp tác với nông dân và các bên liên quan là chìa khóa quyết định sự thành công của một quá trình chuyển đổi công bằng hướng đến sự phát triển bền vững của ngành cà-phê Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui được mùa của người nông dân khi tham gia chương trình NESCAFÉ. Nguồn: NESTLÉ VIỆT NAM
Niềm vui được mùa của người nông dân khi tham gia chương trình NESCAFÉ. Nguồn: NESTLÉ VIỆT NAM

Chuyển mình theo hướng nông nghiệp sinh thái

Việt Nam là quốc gia có những thành tựu nhất định trong phát triển kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp tái sinh, là một bước đệm quan trọng tiến tới nông nghiệp sinh thái, nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng của nó, đồng thời mang lại lợi ích đa chiều cho nông dân, môi trường, xã hội nói chung. Chính việc hợp tác với nông dân và các bên liên quan là chìa khóa cho một quá trình chuyển đổi công bằng.

Nhìn từ góc độ này, TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) đánh giá cao mô hình hợp tác cùng phát triển mà Công ty Nestlé Việt Nam đang triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên khi đưa người nông dân vào vị trí trung tâm của mô hình. Bởi họ chính là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động phát triển bền vững, từ nhiều năm qua, việc áp dụng mô hình NESCAFÉ Plan đã tạo nên những tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành cà-phê trong nước cũng như góp phần nâng cao giá trị hạt cà-phê Việt trên thương trường thế giới. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam nhìn nhận, đó là kết quả có được từ sự gắn kết chặt chẽ với nông dân và đối tác là Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI).

Tính đến nay, ở các tỉnh Tây Nguyên, chương trình NESCAFÉ Plan đã có hơn 21.000 nông hộ tuân thủ theo tiêu chuẩn 4C và có hơn 15.000 nông dân tích cực tham gia thông qua hoạt động phân phát cây giống (2011-2022). Chương trình Giới thiệu mô hình canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP/NBFP) đã tập huấn cho hơn 260.000 lượt nông dân và giúp họ áp dụng các kiến thức đã học ngay trên vườn của mình với tỷ lệ áp dụng hơn 80%. Nhờ đó, giảm 40%-60% lượng nước tưới, cũng như giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón bằng cách đưa vào sản xuất phân compost làm từ vỏ, bã cà-phê...

Đến nay, NESCAFÉ Plan đã xây dựng được gần 300 trưởng nhóm nông dân, hình thành một mạng lưới được đào tạo bài bản về kỹ thuật, các kiến thức về kinh tế của dự án để bắt tay vào thực hiện nông nghiệp tái sinh thông qua việc thúc đẩy các mô hình xen canh hợp lý, quản lý cỏ dại tổng hợp. Ông Ma Khoa (ngụ xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin), hiện là trưởng nhóm gồm 70 hộ, cho biết, chương trình NESCAFÉ Plan đã giúp nông dân tăng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cải tạo đất, từ đó tiết kiệm được từ 20-25% chi phí đầu tư so với trước. Đặc biệt, chương trình xen canh không chỉ tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp cải tạo đất rất tốt, từ đó tăng thu nhập lên cao so lối canh tác cũ.

Điểm đáng nói, NESCAFÉ Plan đã cụ thể hóa những mục tiêu của sáng kiến bằng nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Chương trình NESCAFÉ Plan khu vực Tây Nguyên chia sẻ lợi nhuận của người nông dân được xem là giá trị cốt lõi của NESCAFÉ Plan. Ngay từ khi triển khai, chương trình đã xác định phải nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng cây trái thì mới có thu nhập cao.

Chính vì vậy, Nestlé Việt Nam đã hợp tác cùng WASI nhằm nghiên cứu cho ra đời các loại giống cà-phê tốt nhất, đạt được những tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cao. Trong giai đoạn 2011-2022, đã có 63 triệu cây giống kháng rỉ sắt và năng suất cao được sản xuất, phân phát thông qua WASI.

Từ năm 2021, chương trình đã thúc đẩy giới thiệu mô hình trồng xen canh hợp lý, giúp bà con nông dân tăng thu nhập từ 30%-100% trên cùng đơn vị diện tích. Năng suất trang trại tăng cao hơn đáng kể so với mức trung bình (trung bình 3,2 tấn/ha so với 2,8 tấn/ha bình quân). Trong thời gian tới, NESCAFÉ Plan sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để hỗ trợ, mở rộng ra thêm 300.000ha cà-phê đạt chuẩn 4C trên địa bàn Tây Nguyên.

Lưới đỡ an sinh cho người lao động

Để ngành cà-phê phát triển bền vững, còn phải tính đến một yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng: bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều kiện sức khỏe nghề nghiệp và an sinh cho người nông dân, người lao động trong ngành.

Mới đây, Nestlé và một tổ chức lao động quốc tế tiến hành khảo sát đối với người nông dân trồng cà-phê, những người làm thuê ở các nông trại cà-phê và ở các nhà máy chế biến cà-phê, đặc biệt những lao động phi chính thức, tại 10 huyện ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông. Theo kết quả chưa chính thức, 40% số người được khảo sát có thu nhập hộ gia đình dưới 7,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, trung bình 9/10 người (tức chiếm khoảng 90%) là lao động phi chính thức, vì thế, họ không được hưởng các quyền lợi về an sinh cũng như an toàn lao động như các lao động chính thức.

Việc dễ chịu rủi ro từ các công việc tại nông trại, thiếu tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt bảo hiểm y tế, sẽ khiến lao động trong ngành cà-phê dễ bị tổn thương và dễ gặp phải các khó khăn về tài chính trong tương lai. Do đó, không dừng lại ở hỗ trợ kỹ thuật canh tác, các khóa đào tạo, tập huấn trong khuôn khổ chương trình NESCAFÉ Plan, đội ngũ cán bộ nông nghiệp của Nestlé tại thực địa còn chia sẻ đến toàn bộ người nông dân tham gia chương trình các kiến thức về nhận diện rủi ro về an toàn lao động mà họ có thể gặp phải và cải thiện để phòng ngừa, góp phần giúp hoạt động canh tác cà-phê không chỉ bền vững về yếu tố môi trường mà còn bền vững về yếu tố con người và xã hội. Đây là một lĩnh vực Nestlé sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên và kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.