DẠO quanh những con đường rợp bóng cây xanh của làng Kim Bồng, tôi bị thu hút bởi những tiếng đục đẽo lốc cốc vui tai. Dòng âm thanh ấy phát ra từ những xưởng mộc, với những người thợ đang miệt mài hoàn thiện các tác phẩm của mình.
Bước chân tôi dừng lại, rẽ vào sân một ngôi nhà rường mang đậm nét hoài cổ đặc trưng của đô thị Hội An với những hàng cột gỗ nhẵn bóng, những chi tiết chạm khắc tinh xảo. Đây vừa là phân xưởng, vừa là phòng trưng bày những sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ, đồng thời là nơi đào tạo những nghệ nhân tương lai của cơ sở Huỳnh Ri - một trong bốn gia tộc gắn bó với nghề mộc truyền thống của làng. Ở đây, người trải nghiệm được thưởng lãm những tác phẩm điêu khắc gỗ hết sức ấn tượng, có cả những tác phẩm với niên đại hàng trăm năm đang được các nghệ nhân trân quý bảo tồn.
Chia sẻ cùng tôi không gian sáng tạo độc đáo ấy là những đoàn du khách nước ngoài. Cơ sở mộc Huỳnh Ri trở nên rộn ràng hơn bởi âm thanh đục đẽo của những người thợ, tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên và cả những tiếng vỗ tay, trầm trồ thán phục. Được biết, cơ sở này thu hút rất nhiều du khách gần xa; họ tìm đến để thưởng lãm những tác phẩm mỹ nghệ, được nghe những câu chuyện lịch sử và trực tiếp cầm cưa, đục thể nghiệm cùng nghề mộc mới lạ. "Tôi đã cảm nhận được những điều tuyệt vời! Chỉ với một cơ sở nghề mộc mà tôi như thấy được hòa mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Được đến đây và chứng kiến không gian này là một trải nghiệm hết sức thú vị của tôi và các bạn tôi" - Ray, sinh viên ngành thời trang đến từ Hồng Công (Trung Quốc), hào hứng chia sẻ...
TRONG khi tôi say sưa ngắm nhìn, một người đàn ông trong bộ cánh nâu với nụ cười hiền khoan thai bước tới. Ông chính là Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng - truyền nhân đời thứ 13 của thương hiệu Huỳnh Ri. Ông Sướng dẫn lại những chặng đường lịch sử của làng mộc Kim Bồng, ông cũng kể tên những công trình nổi tiếng, những di sản về nghề mà các thế hệ trước đã góp công sức, trí tuệ tạo dựng. Sau những lời chia sẻ, ông mời du khách trải nghiệm xưởng mộc, nơi họ có thể tự tay thiết kế và chế tác một sản phẩm cho chính mình.
Khi mọi người đang cặm cụi với dùi cui, mũi đục là lúc tôi có cơ hội được trò chuyện nhiều hơn với Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Sướng. Ông Sướng nói, từ thế kỷ 15, tổ tiên của ông đã di cư từ phía bắc vào bờ nam dòng Thu Bồn khai khẩn, dựng nên Kim Bồng Châu (làng Kim Bồng ngày nay) và cùng với các dòng họ Nguyễn, Phan, Trương phổ truyền nghề mộc. Đến thế kỷ 18 thì nghề mộc của làng đã phát triển cực thịnh, với những sản phẩm tinh hoa còn lưu truyền cho đến ngày nay. Trong đó, phải kể đến những cung điện, lăng tẩm triều Nguyễn, những công trình kiến trúc của thương cảng Hội An. Kế thừa và phát huy những di sản quý báu của tổ tiên là trách nhiệm hết sức khó khăn, tuy nhiên, ông Sướng cho rằng đây là một niềm vinh dự, một sứ mệnh rất đáng tự hào. "Ông bà mình đã gây dựng nên làng nghề này qua biết bao thế hệ. Mình là hậu nhân, phải làm sao để nghề tổ được giữ gìn và ngày càng phát triển".
Đam mê nghề mộc từ trong huyết quản, ông Sướng cùng cha là Nghệ nhân Nhân dân Huỳnh Ri đã góp sức trùng tu các di tích phố cổ Hội An. Những thành công của cha con ông giúp lan tỏa cảm hứng, khơi gợi tình yêu nghề với các truyền nhân tương lai của làng mộc. Suốt nhiều năm qua, cha con ông đã đào tạo thành công hơn 200 nghệ nhân lành nghề với mong muốn bảo tồn, phát triển và tiếp nối nghề mộc cho thế hệ trẻ. Ông Sướng đúc kết: "Để trở thành một người thợ lành nghề cần ít nhất ba năm. Còn muốn trở thành nghệ nhân thực thụ thì không chỉ riêng nghề mộc, nghề nào cũng cần có cái tâm, niềm đam mê và sự sáng tạo". Ông tỏ ra lạc quan, khi hiện nay ở làng vẫn có nhiều bạn trẻ theo nghề…
Ông Sướng cũng chia sẻ: Việc phát triển không chỉ ở làm nghề giỏi, sản phẩm tốt mà còn phải biết cách quảng bá, truyền tải những giá trị riêng có đến với mọi người. Từ các hoạt động du lịch cho đến những sản phẩm được chế tác, ông mong muốn gửi gắm thông điệp thể hiện bản sắc và tinh hoa của làng mộc Kim Bồng: "Sản phẩm của mình không ảnh hưởng nhiều từ nghề mộc nước ngoài; mà cốt lõi là giữ tính dân tộc, sự mộc mạc với những hình ảnh gần gũi với đời sống con người Việt Nam". Tuy nhiên, ông cũng gợi ý: "Tổ tiên chúng tôi đã học tập và chắt lọc những tinh hoa của văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, phương Tây trong việc tạo nên đô thị cổ Hội An. Ngày nay, thế hệ trẻ cũng có thể học tập những giá trị của các nước, nhất là tính ứng dụng cao trong sản phẩm, vào nghề mộc". Để chứng minh, ông giới thiệu nhiều sản phẩm mới của Kim Bồng như những chiếc ghế, khay trà hay chiếc ống cắm bút vừa có thể dùng làm đèn ngủ, vừa làm vật trang trí...
"Với người ta, cành cây, khúc gỗ ven đường để lâu thì thành gỗ mục, nấu nồi cơm có khi không chín; nhưng qua óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ giỏi sẽ biến thành tác phẩm mỹ nghệ giá trị. Đó mới là sự thể hiện cái hồn, cái chất của người nghệ nhân", ông Sướng tâm đắc. Ông đề cao giá trị của bản sắc: "Mình phải làm sao để người ta nhìn vào tác phẩm là thấy ngay nét riêng của mộc Kim Bồng. Hiện nay, ở Hội An mình mới thấy chỉ có làng gốm Thanh Hà làm được điều này". Ông cũng hé lộ, "mình đang cố gắng xây dựng một trung tâm thiết kế để phục vụ cho cả làng nghề", nhằm khơi dậy thêm nữa tinh thần sáng tạo. Hiện các con của ông đang theo học tại các trường mỹ thuật, với mong muốn tiếp thu nhiều kiến thức, ý tưởng và chất liệu mới. "Mình không thể đi sao chép các sản phẩm của người ta rồi thương mại hóa. Như vậy là không bền vững, không thể thành công được!", ông khẳng định.
LẠI có thêm một đoàn khách nữa đến, ông Sướng chào tôi, rồi tiếp tục công việc giới thiệu. Ẩn sau vẻ ngoài hiền lành chất phác của người đàn ông nhỏ nhắn, tinh anh ấy là một ước mơ lớn, mà ông đang cống hiến trọn vẹn từng ngày. Ước mơ ấy, tôi tin, nhất định sẽ trở thành hiện thực.