Những điểm tựa vươn khơi
Thời trẻ, ông Đô là lính Sư đoàn 307. Ra quân, ông bám biển, như mọi người dân ở thôn Sâm Linh Đông (Tam Quan, Núi Thành, Quảng Nam). Cựu chiến binh ấy nói, ông tự hào vì "mình sinh ra và lớn lên gắn với Hoàng Sa, Trường Sa". Tàu ông có 37 người, đều rong ruổi ít thì 20 ngày, nhiều thì 50-60 ngày. Trên biển mấy chục năm, sự cố nào cũng từng trải qua cả. Nhưng ông Đô bảo, giờ gió máy đến đâu, cứ cập đảo là có người giúp đỡ: "Anh em chúng tôi đi Hoàng Sa hay Trường Sa đều được người trên đảo chăm lo, yêu thương hết mực". 10 năm trước, tàu của ông từng chết máy ở khu vực đảo Song Tử Tây, cũng nhờ đảo ứng cứu mà cả tàu, cả người đều an toàn.
Từ nhiều năm nay, những hòn đảo trên quần đảo Trường Sa đã kết nối thành một mạng lưới vững chắc, đồng hành cùng mỗi ngư dân Việt Nam trên biển. Xa nhà mà không thấy xa, bởi ở đâu họ cũng thấy "người mình". Từ độ chục năm trước, ngư dân đều đã nhận được những tờ gấp với đầy đủ thông tin trên biển, có cả hotline. Theo một thống kê gần đây, thời gian qua, hơn 6.200 tàu cá đã vào các âu tàu (Trường Sa, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Thuyền Chài, Đá Lớn, Tốc Tan, Núi Le...). Chỉ riêng tháng 3/2023, Bộ Tư lệnh Vùng 4 đã trực tiếp hỗ trợ hơn ba tấn gạo, hơn 40.000 lít nước ngọt cùng các nhu yếu phẩm quan trọng khác cho 220 tàu cá với 905 thuyền viên.
Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây là điểm đến tiếp tế hậu cần của nhiều tàu cá ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận... Năm 2022, Trung tâm đón hơn 2.000 lượt tàu vào tiếp nhận hàng hóa, nhiên liệu, tránh trú bão. Trung tâm đã cung cấp gần 50.000 lít dầu diesel; hơn 30,5 tấn lương thực, thực phẩm; gần 97.000 cây nước đá; cấp hơn 2.300 m3 nước ngọt miễn phí; sửa chữa 25 tàu cá ngư dân bị hỏng.
Anh Võ Chí Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm, không nhớ nổi năm qua bao nhiêu lượt tàu ghé vào đây. Đầu tháng 3, Đá Tây đã hỗ trợ cho 45 tàu cá của tỉnh Ninh Thuận bị kẹt lại do biển động, lương thực cạn kiệt. Đảo đã cấp 675 kg gạo và 2.700 lít nước ngọt cho bà con ngư dân (mỗi tàu 15 kg gạo, 60 lít nước ngọt).
Tết năm 2022, chúng tôi gặp tàu cá Phú Yên 92692 và tàu 92396 ở Sinh Tồn, khi họ đang cập đảo để lấy thêm nước. Chuyến đó, họ đã đi hơn một tháng. Ngư dân Nguyễn Đức Toàn, chủ tàu 92396, nói, đi biển bây giờ không giống 20-30 năm trước, thời "đi biển mồ côi". Càng ngày, những kết nối càng hiện đại và vững chắc hơn, nên họ ra biển mà không còn cảm thấy mình phải "độc hành" nữa.
Đại úy Lê Đình Huệ, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật đảo Sinh Tồn nói, đây là điểm tựa để bà con vươn khơi. Năm 2022, âu tàu đã sửa chữa hơn 100 tàu thuyền. Có lần Trung tâm nhận tín hiệu xin ứng cứu vì tàu ngư dân hỏng máy, anh em vội vàng ra khơi, từ đảo tới chỗ tàu ngư dân mất bảy giờ đồng hồ. Sửa chữa xong, tàu trở về được nửa ngày thì lại nhận tin báo một tàu xin tiếp tế dầu, tọa độ gần ngay vị trí anh em vừa ra. Lại một "hành trình bảy giờ đồng hồ" khác. Nhưng không ai than thở, vì họ đều biết, ngư dân cần mình ra sao.
![]() |
Đã xa rồi, thời "đi biển mồ côi". |
"Cứ vậy là dân mạnh dạn làm ăn rồi"
Một ngư dân chúng tôi tình cờ gặp trên đảo Sinh Tồn Đông đã nói như vậy khi anh ghé đảo cảm ơn ê-kíp bác sĩ. "Bữa nay vô tạ ơn bác sĩ. Bữa trước tự nhiên đau bụng, tưởng ruột thừa, chạy từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nó vòng lên vòng xuống sợ bục ruột, vô đây bác sĩ nói không sao, yên tâm, không phải ruột thừa, mình cũng mừng. Bác sĩ chích thuốc cho, ở lại trạm quân đội này hết một ngày một đêm, cũng bớt bớt rồi. Khi đau, bệnh nếu không có bác sĩ ở đảo thì mình chết ngoài tàu à, biết gì đâu. Ở đảo có bác sĩ như vậy là ngư dân mạnh dạn làm ăn ở khu vực, giữ đảo Việt Nam mình", anh hồ hởi.
Đặc điểm của đảo Sinh Tồn Đông là đảo cấp 3, không có dân cư sinh sống trên đảo, nhiệm vụ chính của bệnh xá là chăm sóc sức khỏe bộ đội và hỗ trợ khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho các ngư dân đi đánh bắt thủy hải sản quanh đây.
Khi vừa ra đảo nhận nhiệm vụ vài ngày, Thiếu tá, bác sĩ Đức, bệnh xá trưởng Bệnh xá Sinh Tồn Đông nhận ngay ca bệnh là một ngư dân đến từ Phú Quý (Bình Thuận). Ngư dân là thợ lặn lâu năm, nhưng hôm đó chủ quan, không áp dụng đúng quy trình, quãng nghỉ không phù hợp. Lúc vào đến cầu cảng, hô hấp của bệnh nhân đã rối loạn, tri giác bắt đầu lơ mơ. Bác sĩ Đức lập tức liên hệ, hội ý với các đồng chí ở trong bờ và tiến hành lên phác đồ cấp cứu. Sang tới ngày thứ ba, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt và bình phục sau đó ít lâu. Bác sĩ Đức thổ lộ: Sở dĩ anh có ấn tượng ca bệnh đó vì anh vốn là bác sĩ đa khoa, công tác tại khoa Thần kinh, bệnh lý về y học biển anh mới chỉ đọc qua sách, chứ ít trải nghiệm thực tế.
Bây giờ thì các ca bệnh như vậy bác sĩ Đức gặp nhiều hơn. Cuối năm 2022, một tàu cá Quảng Ngãi ghé vào bệnh xá, 14 người thì có bốn người cảm, sốt, ho… và một người bị ngộ độc bạch tuộc xanh.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Trường, nguyên bệnh xá trưởng Bệnh xá Song Tử Tây, có một kỷ niệm "nổi tiếng" hơn: Dùng khoan dân dụng để bắt vít, cố định xương cho một bệnh nhân bị gãy ngón tay. Bệnh nhân tới khi đã qua "thời điểm vàng" chữa trị, mà đảo không có dụng cụ chuyên môn. Lúc đó, bác sĩ Trường đã sử dụng một cái khoan dân dụng mượn của lính đảo, với cây kim y tế khoan vào xương để cố định được xương ngón tay. Ca bệnh đó, nếu ở đất liền sẽ chỉ là một ca rất nhỏ với một bác sĩ chuyên ngành như Trường. Nhưng ở đảo, sự nhanh trí và phối hợp của anh em đã tạo ra gần như một "kỳ tích".
Bệnh xá Song Tử Tây hiện đã được trang bị hệ thống máy chụp Xquang, siêu âm và điện tim, thêm hệ thống kết nối telemedicine, có thể kết nối trực tiếp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngoài ra cũng có thể kết nối với hệ thống điện thoại di động, để khi cần thiết, các bác sĩ ở đảo sẽ trực tiếp xin ý kiến chuyên môn từ bệnh viện. Đảo xa có thể khó khăn nhiều thứ, nhưng hệ thống bác sĩ trên các đảo thì lúc nào cũng được đánh giá "chuyên nghiệp hàng đầu".
Trường kể: Có lần anh gặp trường hợp bệnh nhân hơn 20 tuổi bị vết thương ở bụng. Hai bố con cùng ra khơi trên hai tàu khác nhau, nhưng bố cũng phải vào đảo để chăm sóc cho con. Những bệnh nhân như thế làm Trường rất xúc động. Cũng vì thế mà anh càng nỗ lực hơn, bởi vì có chữa khỏi thì ngư dân mới tiếp tục ra biển, mới tiếp tục cái nghề truyền đời của họ.
"Thật ra trong bờ, mình cũng nghe qua sách báo hoặc nghe kể lại thôi, chứ không thể là trải nghiệm thực tế của bản thân. Một lần đi như vậy, cũng đủ để có thể tự hào nói với thế hệ sau rằng chúng tôi đã từng công tác trên quần đảo Trường Sa. Các con tôi rất tự hào về điều đó", Trường đúc kết.
"Biển tạo ra "thế và lực" trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cho nên việc xây dựng thế trận "kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh" trên biển và vùng ven biển phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là hai mặt của một vấn đề", PGS, TS Nguyễn Chu Hồi từng nhận định.
Mỗi bước Tổ quốc vươn ra biển, đều bắt đầu từ những ngày quân dân đồng hành trên sóng nước, như nhịp sống hối hả vẫn đang diễn ra…