Lắng đọng trong những điều xưa cũ

Tết là dịp hội tụ những nét văn hóa truyền thống hơn bất cứ dịp nào trong năm. Thế nhưng, những nét văn hóa ấy không tránh khỏi cuộc "va chạm" với những điều mới mẻ khi xã hội luôn vận động, khi thế giới ngày càng… phẳng hơn. Trân quý những nét văn hóa truyền thống, nhưng cần tránh sự lầm lẫn giữa vỏ vật chất, với những giá trị cốt lõi cần trao truyền, để từ đó, ta mở lòng tiếp nhận những giá trị mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ hào hứng tham gia chương trình Tết Việt-Tết Phố (tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/1/2023). Ảnh: Khiếu Minh
Các bạn trẻ hào hứng tham gia chương trình Tết Việt-Tết Phố (tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/1/2023). Ảnh: Khiếu Minh

Tết xưa-Tết nay

Nếu quay lại cách đây khoảng chục năm, nhiều người cảm thấy rất "phiền hà" khi giới trẻ đón lễ hội Halloween - một lễ hội tôn giáo du nhập từ phương Tây. Nhưng bây giờ, các hoạt động của lễ Halloween ngày càng phổ biến, những hình ảnh như bí ngô, phù thủy… trở thành những vật phẩm trang trí quen thuộc xuất hiện khắp mọi nơi vào dịp lễ. Người ta cũng thôi không "dị ứng" với bọn trẻ nữa, thay vào đó thường phê phán những hoạt động quá "lố", hoặc chia sẻ về những cách đón Halloween phù hợp với văn hóa Việt. Nếu lùi xa hơn nữa cách đây vài chục năm, khi Việt Nam mới mở cửa, câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi bắt đầu có nhiều người tham gia hoạt động đón Giáng sinh.

Những câu chuyện đó cho thấy một sự thật không thể phủ nhận, trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, việc tiếp nhận những luồng văn hóa khác nhau, dẫn đến những thay đổi về cách nghĩ, về hành vi là điều không thể tránh khỏi. Tết, các sinh hoạt văn hóa trong ngày Tết không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, thay vì phàn nàn Tết bây giờ "nhạt" hơn một cách cảm tính thì cần có một cái nhìn sâu hơn về những thay đổi của các sinh hoạt trong ngày Tết.

Dù trong mỗi gia đình, hay rộng hơn là ngoài xã hội, có nhiều thế hệ khác nhau. Nhưng trong quan niệm về Tết, người Việt chia làm hai xu hướng khá rõ ràng. Những người Việt sinh trước thời đổi mới thường có một "mẫu số chung" - đó là sự tiếc nuối "Tết xưa". Với phần đông, Tết đơn giản là những ký ức đẹp, khi người ta được ăn ngon, được mặc đẹp, được đi chơi, được mừng tuổi, được nhận những lời chúc tụng… Ngày ấy, cái gọi là "không khí Tết" thường gắn với chuyện nồi bánh, chuyện cân miến, cân măng từ rất sớm, có khi trước Tết cả tháng. Người ta ghi nhớ cái Tết hơn vì một điều mặc lòng: "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết". Câu tục ngữ xưa không có mục đích chính nói đến cái Tết, nhưng lại lột tả phần nào bản chất của Tết xưa. Tết là dịp được no đủ.

Trong một xã hội thiếu thốn, thậm chí là đói kém quanh năm, người lớn, trẻ con đều dành dụm những gì tốt nhất cho ngày Tết. Những ngày đủ đầy như thế đương nhiên được háo hức chờ đợi và trở nên đáng nhớ.

Sở dĩ dấu mốc Đổi mới quan trọng, vì thế hệ sinh trong thời kỳ này lớn lên trong thời kỳ đất nước chuyển mình, giàu mạnh hơn, nhất là thế hệ 9x về sau, phần đông được ăn ngon mặc đẹp từ bé, nên ấn tượng về Tết khó lòng sâu đậm. Thế hệ sau Đổi mới là thế hệ dễ dàng tiếp nhận những xu hướng văn hóa đa dạng hơn, đón Tết bằng nhiều "cách thức" khác nhau hơn. Nhưng cuộc sống luôn vận động, không thể dùng cách nhìn của thế hệ trước để làm "hệ quy chiếu" cho giới trẻ hôm nay. Và ai có thể khẳng định thế hệ đó không hạnh phúc với "Tết nay" như "lớp cũ" từng hạnh phúc với "Tết xưa"?

Có một thực tế là ngay cả những người tiếc nuối Tết xưa, thì thật ra người ta cũng chỉ tiếc nuối cái "không khí" mong chờ của ngày ấy, với những kỷ niệm đẹp. Không ai muốn quay lại cái thời quay quắt tính toán từng đồng chỉ để miếng thịt bánh chưng to hay bé cả.

…và những điều mới mẻ

Không có hoạt động nào trong năm hội tụ đa dạng những nét bản sắc văn hóa như ngày lễ, Tết. Nhưng phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng, dù Tết và những phong tục ngày Tết giống như một cái cây cổ thụ, đã cắm rễ vào đời sống người Việt cả nghìn năm trước, thì với rất nhiều người, những ẩn dụ đằng sau các phong tục, tập quán ngày Tết đều là những thứ xa vời. Thành ra, hoài niệm về Tết, nhiều khi nằm ở cái vỏ vật chất hay những hoạt động mang tính "lễ nghi".

Tết là dịp khởi đầu một chu kỳ mới của tự nhiên, nhắc nhở về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ. Về xã hội, Tết là dịp để gắn kết gia đình, dòng họ; đánh thức ý thức về nguồn cội. Đó mới là yếu tố cốt lõi, chứ không phải chuyện mâm cao cỗ đầy, chuyện phải tuân thủ các "nghi thức" cúng Táo quân hay Giao thừa, hay chuyện phải quà cáp chỗ nọ, phải thăm viếng chỗ kia. Thời thiếu thốn khiến chuyện miếng ăn trở nên to tát nên người ta ít chú ý hơn đến việc Tết chính là dịp "hội tụ" những cái đẹp. Người ta có tranh Tết, thơ Tết, chơi cây cảnh ngày Tết… Ngay cả món ăn ngày Tết - nhìn ở khía cạnh văn hóa còn là dịp để thể hiện sự khéo léo của mỗi người.

Ngày Tết, người ta chúc tụng nhau, nhìn sâu hơn, là một sự mở lòng, mong muốn cho mọi người cùng đạt được những điều tốt đẹp…

Việc giữ gìn phong tục Tết trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, cần một cái nhìn có chiều sâu, giữ lấy điều cốt lõi, chứ không phải chỉ chăm chú giữ gìn cái vỏ mà sa vào sáo rỗng. Đó cũng là điều chúng ta cần trao truyền cho giới trẻ.

Những năm gần đây, thông điệp "Tết sẻ chia", "Tết yêu thương" xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đó là sự sẻ chia cùng công nhân khu công nghiệp về quê, đó là giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội, là những món quà giúp "Tết ấm" cho trẻ vùng cao. Những ngày cuối năm này, nhiều bạn trẻ bận bịu "gom đồ" để những cô bé, cậu bé vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn có cái Tết ấm áp hơn, yêu thương hơn. Nhiều phụ huynh cho con đi du lịch vùng cao, kết hợp làm từ thiện giúp đỡ trẻ nghèo trong dịp Tết, để vừa vui xuân, vừa giáo dục con cái. Nhìn vào phong tục Tết của dân tộc, có thể nhận thấy một số "giá trị mới" đang hình thành khi Tết đến-xuân về.

Cuộc sống luôn đổi thay. Trăm năm trước người dân có nhiều phong tục khác bây giờ. Trăm năm nữa rồi nhiều phong tục Tết sẽ còn thay đổi. Nhưng những giá trị luôn vững bền mà mỗi người cần hướng tới, là giá trị chân-thiện-mỹ. Phong tục Tết cũng thế, đừng câu nệ vào hình thức, mà cần hướng đến cái cốt lõi. Để từ đó, ta sẵn sàng cho sự "va chạm" với những luồng văn hóa khác nhau, sẵn sàng tiếp thu, tích hợp cái mới mẻ, tiến bộ.

Và rồi, những gì giá trị, sẽ lắng lại...