Bài toán kép về sử dụng nguồn nhân lực

Theo kết quả một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Hà Nội, có hơn 24% số sinh viên tốt nghiệp đại học làm không đúng trình độ, chuyên môn. Có ngành lên đến hơn 60% số sinh viên tốt nghiệp phải làm trái ngành nghề. Để cải thiện tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, tài nguyên chất xám, đòi hỏi những quyết sách lớn của nhiều cấp, ngành cũng như sự nỗ lực của cá nhân người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Không ít cử nhân phải ngậm ngùi cất tấm bằng đại học, chấp nhận đi làm shipper để mưu sinh. Ảnh: VĂN HỌC
Không ít cử nhân phải ngậm ngùi cất tấm bằng đại học, chấp nhận đi làm shipper để mưu sinh. Ảnh: VĂN HỌC

Nghịch lý đào tạo

PGS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Việt Nam đã và đang đối mặt nghịch lý, lương của tiến sĩ thấp hơn người làm nghề phổ thông, không cần đầu tư quá nhiều chi phí đào tạo. Hiện tượng cử nhân chấp nhận làm công việc giản đơn cũng xảy ra phổ biến và không ngừng gia tăng. Thực tế này không những vô lý mà còn là một biểu hiện của sự lãng phí vô cùng lớn trong đầu tư và sử dụng nguồn tài nguyên đặc biệt - chất xám.

Ông Long cũng chỉ ra, để đào tạo một cử nhân, phải mất bốn đến 5 năm, thậm chí dài hơn, chi phí số tiền lớn của gia đình và xã hội. Ấy thế mà, để đáp ứng công việc giản đơn, không ít cử nhân phải tiếp tục bỏ tiền, đi học khóa đào tạo ngắn hạn, đáp ứng công việc tạm thời, đó là lãng phí kép. “Về lâu dài, khi càng nhiều người có trình độ chấp nhận làm việc ở phân khúc lao động giản đơn với năng suất thấp, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.

Mấy năm trước, tình trạng nhân viên y tế, giáo viên nghỉ việc hàng loạt, do chính sách đãi ngộ người tài còn có những bất cập từng làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Nhiều chuyên gia cho rằng do cơ chế nên hiện nay một tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài được nhận vào làm việc trong trường đại học công chỉ được nhận mức lương khoảng chục triệu đồng. Trong khi, nếu làm hợp đồng ở trường tư, mức lương có thể đạt 20 triệu đồng trở lên. Tất nhiên, ngoài lương, giảng viên còn có thể tăng thu nhập từ việc dạy vượt giờ, nghiên cứu khoa học, dạy bên ngoài… Nhưng không phải lúc nào, giảng viên nào cũng thực hiện được điều này. Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực đặc thù, được đầu tư lớn, đồng thời hệ thống công chủ yếu phục vụ số đông, người thu nhập thấp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến người nghèo thiệt thòi khi không có cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng.

Xây dựng chính sách đột phá

Để có thể hóa giải nghịch lý được đề cập ở trên, giảm số cử nhân làm công việc giản đơn, cơ quan chức năng phải làm tốt công tác dự báo, phân luồng học sinh, sinh viên để giải bài toán “thừa thầy thiếu thợ”; nâng cao sự gắn kết giữa nhiệm vụ đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là phải định dạng lại cơ cấu kinh tế, thị trường lao động.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết tiếp tục xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài, giảm hiện tượng “chảy máu” chất xám. TS Đáng phân tích: “Để nuôi dưỡng, đào tạo một người có trình độ, tài năng phải mất vài chục năm. Nếu chúng ta không trọng dụng, người có tài năng sẽ ra nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài đưa ra chính sách đãi ngộ hợp lý là đã “lấy không” người lao động mà ta vất vả vun bồi. Đó là sự lãng phí khủng khiếp”.

Nhìn sang một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… từng có hiện tượng tương tự Việt Nam, song đã kịp thời xây dựng chính sách đột phá, hiệu quả để thu hút người có trình độ, chuyên môn cao cống hiến cho đất nước. Các quốc gia này có đặc điểm chung là: Đội ngũ lãnh đạo, quản lý tài năng được đào tạo bài bản, đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài; được tuyển dụng thông qua một quy trình khắt khe, được bổ nhiệm và đề bạt dựa trên cạnh tranh năng lực cùng những đóng góp thực tế trong công việc. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những kinh nghiệm ấy, để giữ chân người có tài năng, giúp họ phát huy năng lực góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Chất xám là nguồn tài nguyên càng khai thác, sử dụng tốt thì càng nảy nở. Theo nhiều chuyên gia, cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, tạo môi trường làm việc rộng mở, tập trung vào các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, trong các khâu phát hiện, tuyển chọn và sử dụng người tài, sử dụng thường được xem là quan trọng nhất, cũng là khâu khó nhất, bởi “dụng nhân như dụng mộc”, có “dụng đúng”, “dụng trúng” thì người tài mới có thể phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của mình. “Chúng ta cần các biện pháp tránh lãng phí chất xám tại chỗ, đó là hiện tượng người có tài năng không được giao việc. Chúng ta nên dùng bằng nhân tâm, biết giao việc, khuyến khích, tạo điều kiện cho họ cống hiến, phục vụ lợi ích của nhân dân”, ông Chức phân tích.

Các trung tâm dịch vụ việc làm phải đổi mới, nâng cao khả năng dự báo nhu cầu của thị trường lao động, chứ không chỉ dừng ở một số dịch vụ thông thường. Các trung tâm cần xây dựng hệ thống dữ liệu việc làm để có thể chủ động “mách nước” cho cả người lao động và doanh nghiệp.

PGS, TS Trần Thành Nam

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội