Khi đất nước cần…
“Khi đất nước cần, chúng tôi sẽ có mặt và cố hết sức để chung tay”. Ông Phạm Ðình Ðoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhắc lại câu nói này khi mở cửa siêu thị mini 0 đồng tại quận Ðống Ða trong thời điểm TP Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh.
Quanh siêu thị 0 đồng này là những con phố đang phải thực hiện phong tỏa y tế do số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Có hơn 1.000 hộ gia đình đã nhận hỗ trợ từ siêu thị mini 0 đồng do Tập đoàn Phú Thái tài trợ và vận hành, với giá trị mỗi phiếu mua hàng là 400.000 đồng. Nhiều người trong số này là lao động ngoại tỉnh, bị kẹt lại, khó khăn tứ bề...
Hà Nội không chỉ có một siêu thị 0 đồng và ông Ðoàn cũng không phải là doanh nghiệp duy nhất tham gia. Tính từ đầu tháng 8/2021, thời điểm mô hình siêu thị 0 đồng được Câu lạc bộ doanh nhân Sao Ðỏ khởi xướng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp do các doanh nhân Sao Ðỏ sáng lập, điều hành, như Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn Alphanam, Eurowindow, Hưng Thịnh, CenGroup… Ðây cũng là những doanh nghiệp tham gia nhiệt tình vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 của cả nước cũng như các địa phương.
Ðiều đáng nói, sau hàng năm trời đất nước gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt vô vàn thách thức, từ chi phí hoạt động gia tăng, rủi ro đứt gãy sản xuất, đứt gãy lưu thông, gián đoạn, thậm chí dừng hoạt động do các yêu cầu giãn cách liên tục, kéo dài ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh này, nếu các doanh nhân chọn cách an toàn, giữ mình để âm thầm vượt qua khó khăn cũng là một phương án dễ hiểu.
Là người kinh doanh, trải qua nhiều thăng trầm, các doanh nhân hiểu rất rõ, chỉ khi cả đất nước, cả nền kinh tế không còn phải đối mặt lo ngại về các đợt bùng dịch trên diện rộng, thì doanh nghiệp mới có thể lên kế hoạch và bước sang trạng thái phục hồi và phát triển. Nhưng các doanh nghiệp cũng thấu hiểu, nếu không chung tay góp công, góp của cùng Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, khoảng thời gian chờ đợi có thể sẽ kéo dài, đi cùng với đó là những tổn thất, khó khăn khó lường hết. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp lựa chọn đóng góp một phần nguồn lực để sớm kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt là sớm thực hiện được kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân.
Mới đây, trong tâm dịch, tại lễ trao tài trợ 500.000 bộ kít xét nghiệm Covid-19, 30 xe cứu thương và hỗ trợ 25 xe tiêm chủng cơ động cho TP Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị THACO Trần Bá Dương đã cam kết, sẽ tiếp tục “chung tay và đồng hành” phòng, chống dịch cùng cả nước. Ðồng thời, ông cũng khẳng định tiếp tục nâng cao tinh thần và trách nhiệm phòng, chống dịch, nỗ lực thích ứng hoàn cảnh khó khăn do dịch để duy trì sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho hơn 55 nghìn lao động trong toàn THACO.
Làm nên những xoay chuyển lớn lao
Những đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp với nền kinh tế không chỉ là trách nhiệm. TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam đã từng nhận định rằng, bất cứ khi nào đất nước khó khăn, doanh nhân, doanh nghiệp ngay lập tức có mặt, cùng làm nên những xoay chuyển, bước ngoặt lớn lao.
Năm 1986, những doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của công cuộc Ðổi mới đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với khát vọng thoát nghèo cho mình và gia đình đã cùng với nền kinh tế làm nên chặng đường thoát nghèo của nền kinh tế Việt Nam. Khi đánh giá về công cuộc Ðổi mới này sau hơn 30 năm, nhiều tổ chức quốc tế đã nhìn nhận đây là một điển hình thoát nghèo vĩ đại của thế giới.
Ðầu những năm 2000, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều khó khăn, thách thức từ một nền kinh tế vừa bước ra khỏi cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, kinh nghiệm, trải nghiệm về thị trường quốc tế còn thiếu, nhiều doanh nghiệp đã chủ động vươn ra ngoài, đặt những viên gạch đầu tiên tại các thị trường lớn trên thế giới. Các kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản, dệt may, da giày… của Việt Nam đều bắt đầu từ những bước đi dò dẫm với thị trường của từng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp…
Hiện tại, khi Việt Nam bước vào chặng đường phát triển mới với khát vọng hùng cường trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới biến động khó lường, nhiều hệ lụy, thì chiến lược phát triển “go global - tiến ra toàn cầu” của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân Việt đang tạo nên những tín hiệu tích cực.
Ông Thiên tự tin, đã bắt đầu thấy những tia sáng lạc quan ở nhiều địa phương và của cả nền kinh tế khi các nét vẽ chính được hình thành từ khu vực kinh tế tư nhân. Ðó là kế hoạch đưa ô-tô điện đến thị trường Mỹ của VinFast, là những dây chuyền lắp ráp toàn robot tại Nhà máy Thaco Mazda tại vùng đất Chu Lai (Quảng Nam) vốn nghèo nàn, lạc hậu. Ðó là các nhà máy sản xuất sữa sạch của TH True Milk ở Nga… Ðó là những thương hiệu lớn trong đầu tư khu nghỉ dưỡng như Vingroup, SunGroup… đã tạo nên động lực phát triển cho nhiều vùng đất khó.
Ngay trong giai đoạn dịch bệnh, điều ưu tiên trong những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tới Chính phủ, các cấp chính quyền là tiêm vaccine cho người lao động, là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương, giữ chân người lao động…
Ðã từng có quan niệm, doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất, tạo việc làm, đóng thuế đầy đủ chính là hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với nền kinh tế. Nhưng bây giờ, tư duy kinh doanh đã thay đổi nhiều, kinh doanh không chỉ tạo ra của cải, việc làm, mà còn theo cách liêm chính, theo hướng bền vững hơn, nhân văn hơn…
“Doanh nghiệp, doanh nhân cũng như các đơn vị, tổ chức và từng người dân, đều là một phần máu thịt của đất nước, đều cùng có trách nhiệm, tùy theo sức của mình. Nhiều năm nay, chúng tôi đi theo hướng này, nỗ lực phụng sự xã hội”, ông Phạm Ðình Ðoàn nói.
Một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phụng sự xã hội đang lớn mạnh, lan tỏa…