Dạy trẻ văn hóa ứng xử nơi công cộng

Lằn ranh mong manh

Cuối năm 2022, một tiệm cà-phê tại Đà Nẵng đã khiến cộng đồng mạng dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa khi đưa ra thông báo: không tiếp trẻ em dưới 13 tuổi, nhằm bảo đảm không gian yên tĩnh dành cho khách đến quán. Phải chăng trẻ em được đánh đồng với nguồn cơn của những ồn ào, bất tiện không đáng có? Và rồi, trách nhiệm của người lớn, người giám hộ, người đã đưa các em tới không gian công cộng như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
Giáo dục trẻ qua trang sách. Ảnh: unicef việt nam
Giáo dục trẻ qua trang sách. Ảnh: unicef việt nam

TRẺ em chạy nhảy, la hét trong không gian nhà hàng, quán cà-phê, gây mất trật tự, đôi khi làm hỏng, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến người chung quanh, thậm chí té ngã, va quệt làm bị thương chính mình cũng như người khác. Lớn hơn một chút, các bạn tuổi teen tụ tập thành nhóm đông gây ồn ào, mải mê chụp ảnh check-in không để ý mọi người chung quanh, vô tư thể hiện nhiều hành động trên mức thân mật với nhau ngay tại nơi công cộng… là hình ảnh mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tại nơi công cộng, hàng quán... Và có lẽ chính bởi sự hiện diện thường xuyên của các hành động khiếm nhã đó, đã làm mờ đi những hành động đẹp, những lối hành xử văn minh, như: thói quen xếp hàng, bảo vệ môi trường, sống xanh… của phần lớn trẻ em, trẻ vị thành niên còn lại.

Nhìn nhận căn nguyên của tình trạng này, PGS, TS Trần Thành Nam, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, lưu ý: "Khi đến chuẩn năm tuổi, các em cần phải biết cái nào là sở hữu của mình, cái nào không phải sở hữu của mình, cách thức ứng xử nơi công cộng, biết chào hỏi, giữ trật tự, biết lấy đồ của người khác phải xin phép… Đó là những kỹ năng rất cơ bản. Đáng lẽ, giáo dục gia đình, trong môi trường mầm non phải hình thành được cho các em rồi. Những mầm mống để hình thành thói quen hành vi hoặc nguyên tắc ứng xử cơ bản với người khác, tôn trọng bản thân mình, tôn trọng người khác… được gieo mầm từ trong giai đoạn mầm non. Tất cả những biểu hiện hành vi của cha mẹ ứng xử như thế nào sẽ in đậm vào tâm trí của đứa trẻ. Bố mẹ hành xử theo cách thức không tôn trọng người khác thì về sau, con trẻ cũng sẽ lấy hình mẫu đó để ứng xử!".

Trên thực tế, hiện nay trong chương trình học tại các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT đã bao gồm nhiều nội dung liên quan dạy trẻ văn hóa ứng xử nơi công cộng, phù hợp từng độ tuổi.

Cô Nguyễn Thị Phương Ly (Trường mẫu giáo Khu vườn xanh - Hà Nội) cho biết: "Với lớp các em bốn, năm tuổi, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học theo nhiều hình thức đa dạng, có thể là đặt câu hỏi nhanh, hoặc dựng thành tình huống, vở kịch nhỏ để các con tập xử lý. Và đặc biệt là các con ở độ tuổi này tiếp thu rất nhanh nên hoàn toàn có thể hiểu và ứng dụng vào đời sống!".

Đối với các bậc học cao hơn, bên cạnh bài học lồng ghép trong môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề, các cuộc thi Học sinh thanh lịch… Như vậy, khi còn ở trên ghế nhà trường, các em đã nhận được một lượng kiến thức không nhỏ về vấn đề ứng xử nơi công cộng.

Môi trường còn lại có thể tác động lớn hơn tới thói quen, kỹ năng giao tiếp nơi công cộng của trẻ chính là gia đình. Bà Nguyễn Khánh Huyền - chuyên gia tâm lý, Trung tâm Giáo dục We Grow Việt Nam cho rằng: "Gia đình thật ra mới là môi trường tác động nhiều nhất đến cách hành xử của các con! Trẻ em chính là tấm gương soi thói quen sinh hoạt của bố mẹ".

NG xử nơi công cộng bao gồm những kiến thức liên quan đến kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp của trẻ với nhiều đối tượng, với nhiều môi trường chung quanh mình. Do đó, để hình thành được lối ứng xử đẹp đòi hỏi một hành trình rất dài. Và cách thực hành hiệu quả duy nhất đó là phụ huynh phải đồng hành cùng trẻ trên hành trình đó.

Thí dụ, như với các bạn nhỏ tuổi, ngay từ chính trong gia đình, phụ huynh phải rèn giũa cho con từ những thói quen rất nhỏ, như việc đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, lịch sự chào hỏi… Muốn vậy, chính phụ huynh cũng phải tuân thủ kỷ luật, chuẩn mực trong ứng xử để trẻ soi vào. Nhấn mạnh thêm một yếu tố quan trọng, bà Huyền chia sẻ: "Đặc biệt là cần giáo dục giới tính toàn diện cho các con càng sớm càng tốt. Giáo dục giới tính toàn diện bao gồm quyền cơ thể và quyền không gian an toàn. Khi các bạn nhỏ ý thức được hai điều đó của bản thân, thì các bạn ấy cũng sẽ tôn trọng quyền đó của người khác, và có hành động ứng xử đúng đắn với mọi người ở nơi công cộng!".

Còn với các em ở độ tuổi lớn hơn, đặc biệt với tuổi dậy thì, cách dạy của cha mẹ cũng phải có sự thay đổi, thích ứng theo hướng khơi gợi vấn đề để con cái tự rút ra những bài học cho mình. Cha mẹ đóng vai trò hướng dẫn, nâng cao khả năng quan sát, ứng đối với các tình huống thay vì áp đặt các con theo khuôn mẫu nhất định. Thực hành này sẽ tăng tính nhận diện của trẻ, dẫn tới các bạn ấy tự ý thức được đâu là hành vi đúng, đâu là hành vi sai. Bà Nguyễn Khánh Huyền chia sẻ thêm những mẹo nhỏ: "Thí dụ như khi đưa con cùng đến ăn tại một nhà hàng, thay vì chỉ chăm chú vào điện thoại, bố mẹ có thể cùng con trò chuyện, quan sát chung quanh, và đặt câu hỏi dạng như: bàn bên cạnh nói to, gây ồn như vậy con có thoải mái không? Qua những chia sẻ như vậy, cha mẹ vừa có thể gần gũi, hiểu con mình hơn, vừa có thể khiến con thay đổi theo hướng tích cực hơn trong cách ứng xử!".

Văn hóa ứng xử nơi công cộng là kỹ năng cần được trang bị cho trẻ càng sớm càng tốt. Và trên thực tế luôn tồn tại những lằn ranh mong manh giữa việc để trẻ được tự do khám phá, phát triển và việc vô tình để trẻ phát triển những mầm mống tự do, vô kỷ luật; giữa việc đưa ra kỷ luật và những khuôn khổ nhất định buộc trẻ phải theo với việc để trẻ được tự học hỏi, rút ra bài học cho mình từ chính những tình huống cụ thể trong cuộc sống… Dẫu sao, điều không thể phủ nhận, đó là trách nhiệm của người lớn trong việc hình thành nên những môi trường văn hóa để trẻ được sống và được vun đắp ý thức theo từng cấp độ tuổi, diễn biến tâm lý. "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai…", câu hát ấy ngân lên như lời nhắc nhở bởi ai cũng muốn ngày mai ấy có sự tươi sáng của nụ cười, của những điều tốt đẹp.