ĐẠI tá Dương Văn Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn Thủ đô, là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn được lựa chọn để "vào thành" trước, thực hiện nhiệm vụ canh gác 35 vị trí quan trọng từ ngày 8/10/1954, chuẩn bị cho Ngày Tiếp quản.
Vẫn theo nếp sinh hoạt xưa, người lính già cho chúng tôi một lịch hẹn từ sáng sớm. Vậy mà khi chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ nằm trong phố Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội, ông đã ngồi đợi từ lúc nào bên ấm trà. Đã bước vào cái tuổi cửu thập, nhưng "người lính già đầu bạc ấy" vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Nhâm nhi tách trà, hồi tưởng những ngày tháng 10, đôi mắt của ông rực sáng. Chúng tôi nhìn thấy trong đó cả niềm tự hào về binh nghiệp, lẫn hồi ức hạnh phúc không thể phai mờ, khi "năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về".
Sáng 8/10/1954, trời nhiều mây, lất phất mưa. Đoàn cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca đã đến bờ bắc cầu Đuống. Lúc này, đội tiếp đón của quân Pháp đã đứng chờ ở giữa cầu. Một khoảng lặng đầy bỡ ngỡ ban đầu của những đối thủ trên chiến trường, quen nhìn nhau qua mũi súng. Phải nửa giờ sau, những sự trao đổi đầu tiên mới diễn ra. Để rồi, Tiểu đoàn Bình Ca hiên ngang bước qua đội lính Pháp dàn hàng đứng chào, đi về phía trung tâm Hà Nội.
Hà Nội khi đó là đầu não vùng tạm chiếm của thực dân Pháp tại đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội cũng là nơi tám năm trước, những người lính "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tiền thân của Tiểu đoàn Bình Ca, đã chiến đấu quả cảm suốt hai tháng trong lòng thành phố, rồi rút lên chiến khu với lời hẹn ước: "Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ trở về!".
"Đi vào giữa trung tâm vùng tạm chiếm của địch, như đêm đầu tiên ấy, có khi nào các bác cảm thấy lo lắng không ạ?". Đại tá Dương Văn Niết cười nhẹ, chậm rãi: "Chúng tôi chia 35 tổ vào 35 vị trí quan trọng. Từng tổ chúng tôi đơn độc, giữa hang ổ kẻ địch. Như tôi và anh em được giao vị trí Sở Cảnh sát Bắc Việt (Đại tá Dương Văn Niết thời điểm đó là Tổ trưởng Tổ Tiếp quản vị trí này - PV). Chúng tôi được giao nhiệm vụ đề phòng địch phá hoại, khiêu khích, thậm chí xác định có thể hy sinh, nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Có hồi hộp chứ! Nhưng trên hết, chúng tôi hạnh phúc, khi trở về Thủ đô, và bước đi với tư thế những người chiến thắng. Tối đến, chúng tôi chia nhau canh gác, anh em còn lại cùng nhau hát vang những bài hát kháng chiến".
Đêm 9/10/1954 là một đêm đặc biệt. Lính Pháp đã rút hết qua cầu Long Biên lúc 16 giờ 30 phút, một khoảng trống quân sự xuất hiện, tại một thời điểm rất nhạy cảm. Với lệnh giới nghiêm của Ủy ban Quân quản, những đường phố chính thưa vắng người qua lại. Tuy nhiên từ chiều, trong các khu phố, người Hà Nội đã háo hức treo cờ, dựng cổng chào, khẩu hiệu đón chào Bộ đội Cụ Hồ. Đại tá Dương Văn Niết bồi hồi nhớ lại dáng vẻ phấn khởi, tất bật của những người dân liên tục lướt qua vị trí thực hiện nhiệm vụ của mình, cùng những lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều trên các ô cửa sổ. "Đêm đó cả Hà Nội như nén lại, cả niềm phấn khích tột độ cũng như được nén lại, cả Hà Nội không ngủ, trong bình yên. Tất cả đều chờ đợi thời khắc bùng nổ đón chào đoàn quân chiến thắng".
Ánh mắt đại tá Lê Văn Tính khi nhớ lại những ký ức thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. |
GẦN như cùng lúc, vào 2 giờ sáng 10/10/1954 tại thị trấn Phùng, người lính thông tin liên lạc Lê Văn Tính của Đại đội 283 súng cối 82mm, Trung đoàn Thủ đô, nhận lệnh tập hợp. Quân phục chỉnh tề, súng ống đầy đủ, ông Lê Văn Tính bước vào hàng, mừng vui xen lẫn hồi hộp. Ông sẽ cùng đội hình đơn vị tiến vào tiếp quản Hà Nội theo hướng ô Cầu Giấy.
Chúng tôi đến nhà Đại tá Lê Văn Tính, cũng vào một sáng thu. Người lính tiếp quản Thủ đô năm ấy đang vui vẻ đánh cờ tướng cùng Đại tá Bùi Tấn Phụ, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 305 chiến đấu tại Phú Yên, tập kết ra bắc năm 1954. Nhìn thế cờ xoay chuyển liên tục sau từng nước đi, để rồi những ván đấu luôn kết thúc với những nụ cười vang, sảng khoái, thật không thể làm gì để ngắt quãng niềm vui tuổi xế bóng của những con người đã dâng hiến cả tuổi xuân cho hòa bình, độc lập của nước nhà.
Câu chuyện của Đại tá Lê Văn Tính về Ngày Giải phóng Thủ đô được bắt đầu bằng kỷ niệm thiêng liêng: Lần đầu được gặp Bác Hồ tại Đền Hùng. Ông nhớ lúc đó tất cả cán bộ, chiến sĩ đã "ngơ ngác khi thấy một ông lão đi từ trong đền ra, rồi thì tất cả đều òa lên sung sướng khi nhận ra đó là Hồ Chủ tịch". "Các chú ngồi lại gần đây với bác!", câu nói giản dị ấy, phong cách gần gũi ấy của vị lãnh tụ vĩ đại khắc sâu vào tâm khảm từng người lính. "Bác giao nhiệm vụ và căn dặn cán bộ chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô. Lời Bác rất thân mật, ngắn gọn mà cụ thể". Mang theo hành trang ấy, người lính trẻ Lê Văn Tính cùng đồng đội ngẩng cao đầu tiến về Hà Nội.
Rạng sáng 10/10/1954, đội hình tiến đến Cầu Diễn, hai bên đường đã có rất nhiều người dân các làng chung quanh ra đón. Những lá cờ đỏ sao vàng, những khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm!" được làm rất tỉ mỉ. Sau chín năm kháng chiến trường kỳ và sau hơn một tháng bồi hồi mong ngóng, quân ta đã về. Quân dân chạm nhau, mừng mừng, tủi tủi, tất cả đều như nghẹn lại vì xúc động. "Những người đồng đội Quyết tử quân của Hà Nội mùa đông năm 1946, như đồng chí Tạ Duy Đức nhà gần bốt Hàng Đậu, đồng chí Mãn nhà mạn Nghĩa Đô, đồng chí Đồng nhà ở Láng Thượng... đều rưng rưng". Hòa cùng đất nước, đồng chí, đồng đội và nhân dân, những người con Hà Nội ấy - Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa... - đã thực hiện được lời thề năm xưa.
Hai bên đường càng lúc càng đông, cả Hà Nội đổ ra đường, rợp trời cờ hoa. Những đường phố chật người, những cửa sổ mở toang. Người lính Lê Văn Tính thấy nhiều gia đình đưa cả các bậc phụ lão, trẻ em ra chào mừng. Không có sự e dè hay khoảng cách nào, chỉ còn cảm giác bùng nổ và thăng hoa trong "đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca".
Những hồi ức hào hùng sống dậy trong tâm tưởng đại tá Dương Văn Niết. |
TẠI Sở Cảnh sát Bắc Việt cũ, người lính Dương Văn Niết và đồng đội vẫn không di chuyển. Sau một đêm trước "giờ khắc số 0", những người lính của Tổ Tiếp quản vẫn đứng nghiêm trang bảo vệ nơi sau này sẽ là trụ sở Công an thành phố Hà Nội. Họ chứng kiến những khuôn mặt hân hoan, những tiếng nói cười của Hà Nội giải phóng, chung vui với niềm vui chung của Hà Nội và đất nước tại vị trí chiến đấu của mình.
70 năm đã trôi qua. Thêm một buổi sáng mùa thu nắng vàng, người lính già Lê Văn Tính đi bộ đến nhà văn hóa, để nói chuyện với Đoàn Thanh niên về Ngày Giải phóng Thủ đô. Tinh thần và câu chuyện của họ, của thế hệ anh hùng ấy vẫn sẽ còn mãi, với Hà Nội, và với sự trường tồn của đất nước.