“Kinh đô thời trang” mới ở châu Phi

Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong nước, ngành dệt may tại Rwanda đang ngày càng phát triển và trở thành “kinh đô thời trang” mới của “lục địa đen”.
0:00 / 0:00
0:00
Joselyne Umutoniwase trong xưởng sản xuất của mình tại Kigali. Ảnh: AFP
Joselyne Umutoniwase trong xưởng sản xuất của mình tại Kigali. Ảnh: AFP

Nép mình trên một ngọn đồi trong khu phố cao cấp của Thủ đô Kigali, cửa hàng thời trang Moshions sang trọng là điểm dừng chân không thể bỏ qua của những người nổi tiếng khi đến thăm Rwanda. Nhà văn người Nigeria Ngozi Adichie, nam diễn viên người Mỹ Winston Duke hay “nàng thơ” của đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodovar, diễn viên Rossy de Palma… đều đã từng “check-in” tại cửa hiệu này trên Instagram và ra về với một bộ quần áo có chữ ký của Moses Twahirwa - chủ cửa hiệu nói trên cũng là ngôi sao trẻ của thời trang cao cấp Rwanda.

Được thành lập vào năm 2015 và ban đầu được biết đến nhờ các mẫu thiết kế trên vải in “imigongo”, một loại hình nghệ thuật truyền thống của Rwanda, thương hiệu Moshions nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới thượng lưu quốc gia này. Với sự ra mắt vào tháng 11/2021 của bộ sưu tập “Imandwa” (một thuật ngữ dùng để chỉ các vị thần cổ đại), nhà thiết kế đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Dòng sản phẩm kết hợp những tấm màn đặc trưng của trang phục Đông Phi truyền thống với cổ áo sơ mi, quần ống loe lưng cao đã được giới thiệu trong một buổi trình diễn thời trang ở Florence (Italy) vào tháng 6 vừa qua.

Nói về bộ sưu tập mới, nhà thiết kế 31 tuổi cho biết: “Lấy cảm hứng từ quần áo và cách sống của tổ tiên người Rwanda, tôi sử dụng các kỹ thuật địa phương như thêu và dệt cườm, đồng thời làm việc trên các đường cắt hiện đại. Tôi muốn phá bỏ mọi rào cản để thể hiện bản thân”. Hiện, Moses Twahirwa thuê 14 thợ may trong một xưởng nhỏ gần cửa hàng. Họ sản xuất 150 thiết kế mỗi tháng cho thị trường trong nước và quốc tế với giá khoảng 200 euro đối với đồ may sẵn và 1.000 euro đối với thời trang cao cấp.

Giống như Moses Twahirwa, ngày càng nhiều nhà thiết kế Rwanda hiện có tên tuổi ở Kigali, thu hút một nhóm khách hàng thượng lưu tại địa phương, khách du lịch và người nước ngoài. “Khi tôi bắt đầu công việc thiết kế năm 2012, bối cảnh thời trang gần như không tồn tại ở Rwanda”, Joselyne Umutoniwase, người sáng tạo ra thương hiệu “Rwanda Clothing” nhớ lại. “Vào thời điểm đó, thời trang cao cấp không phải là nhu cầu thiết yếu, đất nước đang trong quá trình tái thiết. Ngày nay, ngay cả khi thị trường địa phương vẫn còn rất hạn chế, sự phát triển của kinh tế và du lịch đang thúc đẩy ngày càng nhiều người trẻ bắt đầu với ngành nghề này”, Joselyne nói thêm.

“Kinh đô thời trang” mới ở châu Phi ảnh 1

Nhà thiết kế Moses Twahirwa tại cửa hàng của mình ở Kigali. Ảnh: AP

Một dấu hiệu cho thấy sức sống mới của ngành may mặc tại Rwanda là sự kiện Tuần lễ thời trang vừa diễn ra đã quy tụ khoảng 20 nhà thiết kế địa phương. Dù vậy, ở một đất nước có gần 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ và phần lớn là ở các vùng nông thôn, các nhà thiết kế mới của Rwanda dường như chỉ có một lượng khách rất nhỏ. Trước tình hình đó, Chính phủ Rwanda đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy ngành dệt may, như dỡ bỏ thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu vải và phát động một chiến dịch khuyến khích người dân mua đồ “made in Rwanda”.

Chính phủ Rwanda thậm chí còn “tuyên chiến” với quần áo cũ, chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, được coi là sự cạnh tranh không lành mạnh đối với ngành công nghiệp địa phương. Giới chức nước này cũng nhấn mạnh, việc tăng 83% giá trị xuất khẩu sản phẩm dệt may từ năm 2018 đến năm 2020 đã giúp ngành này thu về 35 triệu USD. Bên cạnh hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ, Chính phủ Rwanda cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Công ty Pink Mango được thành lập những năm gần đây nhằm tạo ra giá trị “made in Rwanda” và đặc biệt là công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Vào năm 2019, doanh nghiệp này đã chuyển một phần hoạt động sản xuất, chủ yếu nằm ở châu Á, đến Rwanda. Công ty hiện tuyển dụng 15 nhà thiết kế mới nổi, với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia thời trang tại London (Anh). Tại Đặc khu kinh tế Kigali, hơn 4.000 công nhân trong nước cũng được tạo công ăn việc làm ở các nhà máy của công ty này. Ước tính, công ty sản xuất 10.000 sản phẩm mỗi ngày, 85% trong số đó được xuất khẩu sang châu Âu và dự kiến số sản phẩm mới được sản xuất cũng được gắn mác Asantii - thương hiệu quần áo may sẵn đầu tiên trên thế giới “made in Africa”.

“Những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của các thương hiệu châu Phi là thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, trình độ phát triển sản phẩm và bán hàng còn hạn chế. Tham vọng của chúng tôi là cung cấp giải pháp cho những vấn đề này”, nữ doanh nhân Maryse Mbonyumutwa giải thích. Thương hiệu Asanrtii hiện mở một cửa hàng nhỏ ở London, trong khi chờ ngày chính thức ra mắt cửa hàng ở Kigali vào tháng 9 tới.

Những chính sách mới đây của Chính phủ Rwanda đã khiến diện mạo ngành thời trang và dệt may tại đất nước này ngày một phát triển, dần nổi lên trở thành “kinh đô thời trang” tại châu Phi.