Không thể trì hoãn

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, sẽ đình chỉ giao dịch cổ phiếu (CP) của các doanh nghiệp (DN) trên sàn UPCoM không thực hiện công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán theo năm từ ba năm tài chính liên tiếp trở lên. Thoạt nhìn, việc DN chậm công bố BCTC một năm đã gây thiệt hại lớn cho các cổ đông, nên sẽ có câu hỏi đặt ra mốc ba năm tài chính mà cơ quan quản lý đưa ra sẽ có tác dụng răn đe như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00

Trước tiên, cần nhìn nhận lại đây là quy định áp dụng cho sàn UPCoM, vốn có tính “mở” nhất trong cả ba sàn về điều kiện giao dịch, công bố thông tin… Hiểu một cách đơn giản thì DN đưa CP lên UPCoM như một sự tập dượt, một bước đệm để niêm yết chính thức tại HoSE hay HNX, nên ban đầu sẽ được hưởng những quy định tương đối thông thoáng.

Tuy nhiên, sự khẳng định của HNX mới đây đã cho thấy một điều, mốc ba năm dù vẫn “thoáng” nhưng cũng có tính đánh động để DN ý thức hơn về nghĩa vụ của mình đối với cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán (TTCK), nhà đầu tư (NĐT) và cổ đông. Và nếu nhìn rộng hơn thì TTCK có thể biến động lúc này lúc khác nhưng các quy định để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật cũng như quyền lợi của cổ đông trong dài hạn chắc chắn sẽ chặt chẽ hơn theo thời gian.

Nhưng để những giải pháp của cơ quan quản lý phát huy tác dụng cao nhất cần có sự chung tay từ phía các NĐT, mà cụ thể ở đây là những phản ứng dứt khoát. Chẳng hạn, những DN trong lịch sử đã từng chậm nộp BCTC, hay BCTC có sự thiếu minh bạch sẽ phải đánh đổi bởi sự khắt khe của NĐT. Câu chuyện không nên dừng ở sàn giao dịch, biến động của CP, mà cần được bàn thảo kỹ lưỡng hơn tại các sự kiện như đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Nên nhớ rằng, kế toán trưởng, giám đốc tài chính vẫn luôn hiện diện tại ĐHCĐ, mà trong trường hợp nếu số liệu kinh doanh hay BCTC có vấn đề thì cổ đông cũng có thể yêu cầu những nhân sự quan trọng này giải trình. Những giải pháp này cần làm liên tục, trên diện rộng thì mới có tính lan tỏa và tạo ra những tiền đề vững chắc.

Sự xuất hiện của nhiều NĐT mới, trong đó có những thế hệ tuổi chỉ mới đôi mươi là điều tích cực cho thị trường, nhưng đồng thời cũng có thể lặp lại những sai lầm mà một số thế hệ NĐT trước đã từng mắc phải, đó là sự thiếu quan tâm đến BCTC của DN, không bổ sung kiến thức để có thể đọc, hiểu sơ bộ BCTC. Nếu như 15 - 20 năm trước, những NĐT thế hệ đầu tiên của TTCK còn phải vất vả tìm từng cuốn sách chứng khoán hay giáo trình về phân tích tài chính để tự nâng cao kiến thức thì hiện nay nguồn học liệu đã rất dồi dào, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận. Sự biến động mạnh của TTCK trong giai đoạn 2020-2022 cũng tương tự giai đoạn 2005-2007 đã tạo ra những mức lợi nhuận khủng và làm xao nhãng một số NĐT trong việc nâng cấp kiến thức. Và để có thể tham gia TTCK một cách lâu dài, cũng như có phương pháp đầu tư bền vững thì việc hiểu rõ về DN mình đang đầu tư, cụ thể hơn là việc đọc hiểu BCTC, biết được DN nào minh bạch, DN nào hay trì hoãn, là điều cũng không thể trì hoãn với các NĐT mới mà cần phải thực hiện ngay.