Không thể “mua” một dân tộc đã đổ rất nhiều máu vì thống nhất và độc lập!

Tiếp một nhóm phóng viên sau hội nghị, trong khu vườn xanh mướt tại biệt thự ở Versoix bên bờ hồ Léman bình yên của Geneva, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trông không có gì căng thẳng. Chung quanh ông là một nhóm phóng viên quốc tế chăm chú ghi chép. Một trong số đó hỏi: Liệu người Mỹ có thành công với những lời khoe khoang mà họ đã đưa ra - biến miền nam Việt Nam thành một Hàn Quốc khác, biến đường phân giới quân sự tạm thời thành một sự chia cắt vĩnh viễn không? Ông Phạm Văn Đồng cười...
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp các nhà báo quốc tế trong khuôn viên biệt thự ở Versoix. Ảnh: TƯ LIỆU
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp các nhà báo quốc tế trong khuôn viên biệt thự ở Versoix. Ảnh: TƯ LIỆU

TRƯỚC khi biết Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả lời như thế nào, hãy cùng nhìn lại bức ảnh chụp cách đây 70 năm, và cảm nhận cái thần thái mà phóng viên chiến trường người Australia Wilfred Burchett đã miêu tả, trong chương sách của mình về Hội nghị Geneva năm 1954. Trong bức ảnh đó, nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng nổi bật với vầng trán cao cùng đôi mắt sáng.

Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trông thư giãn và vui vẻ. Trong nhiều bức ảnh khác, ông cũng không cho thấy sự căng thẳng, dù sức ép từ số lượng câu hỏi là không nhỏ, nhất là khi có đến hơn 2.000 phóng viên đến đưa tin về Hội nghị Geneva, trong khi dân số của bang Geneva lúc đó chỉ hơn 200 nghìn người. Không khí đàm phán ngoại giao sôi động trong nhiều tuần phản ánh sức nóng của sự kiện lịch sử này. Ở ngoài biệt thự Joli Port tại Versoix, thậm chí có cả một người đàn ông đứng bám vào cửa, cố nâng một người đàn ông khác cầm máy ảnh, rướn lên theo dõi những gì diễn ra sau hàng rào.

Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954 đã kết thúc, với việc ký kết các Hiệp định chấm dứt cuộc chiến Đông Dương, đặt nền móng cho sự ra đời của một nước Việt Nam hiện đại và độc lập. Với nhà báo Guy Mettan, sự kiện năm 1954 còn giúp Geneva thay da đổi thịt, trở thành một thành phố quốc tế, “thủ đô của ngoại giao đa phương”. Thú vị hơn, đây cũng là lần đầu thế giới phải ngỡ ngàng trước sự khôn khéo và bền bỉ của các nhà đàm phán đến từ những khu vực sau này được gọi là Thế giới thứ ba và Phong trào Không liên kết.

Không thể “mua” một dân tộc đã đổ rất nhiều máu vì thống nhất và độc lập! ảnh 1

Số báo Pravda ngày 23/7/1954.

KHI tìm lại những tư liệu ghi dấu câu chuyện lịch sử cách đây 70 năm, cơ duyên với nước Nga và những người bạn Nga giúp tôi tìm được số báo “Pravda” của Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra ngày 23/7/1954, đăng trang trọng bài phỏng vấn độc quyền với Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên góc trái trang 4.

Trong đó, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời năm câu hỏi, đánh giá kết quả của Hội nghị Geneva, nêu bật thách thức chính và triển vọng phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các đối tác, cùng nhận định về phát triển hợp tác quốc tế giữa các dân tộc châu Á trước những thay đổi về tình hình gắn liền với kết quả của Hội nghị Geneva, cũng như kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam. Ông không quên bày tỏ tình cảm và sự tôn trọng, cũng như niềm tin không lay chuyển của mình đối với anh em, bạn bè của Việt Nam, những người đã truyền cảm hứng cho Việt Nam trên con đường đi tới thành công. Ông cũng chúc họ đạt nhiều thành công mới, trong công cuộc xây dựng xã hội mà mọi người lương thiện đều mơ ước.

Trong cuộc gặp gỡ báo giới, vấn đề xử lý quan hệ với nước Pháp được Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc lại hai lần. Trước tiên, nêu rõ những thách thức chính mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối mặt, ông khẳng định: Đó phải là việc vạch ra giải pháp cho các vấn đề liên quan khôi phục đất nước sau tám năm chiến tranh, đặc biệt là cải thiện điều kiện sống của người dân, phát triển quan hệ kinh tế và văn hóa với các quốc gia khác, trong đó có Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nước Đông Nam Á láng giềng gần gũi. Song song, cũng cần lưu ý việc thiết lập quan hệ bình thường với Pháp, trong đó có quan hệ kinh tế có lợi cho đôi bên. Tiếp đó, về triển vọng phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa quốc tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự định thiết lập quan hệ tin cậy, hữu nghị với Pháp trên cơ sở bình đẳng và hợp tác lẫn nhau.

Trong những câu trả lời của mình, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn đặt lợi ích và quyền lợi dân tộc lên trên hết, kết hợp quyền lợi dân tộc với yêu cầu của ý thức hệ - điều xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác của nhà cách mạng. Sinh thời, ông hay nhắc đến một câu nói của Jean Jaures, lãnh tụ xã hội chủ nghĩa Pháp nổi tiếng: Một ít chủ nghĩa yêu nước thì đưa ta xa rời chủ nghĩa quốc tế, nhưng rất nhiều chủ nghĩa yêu nước thì đưa ta vào trung tâm của chủ nghĩa quốc tế.

Một câu chuyện khác được nhắc lại trong hồi ký của Thiếu tướng, Giáo sư, Bác sĩ, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Cục trưởng Quân y, Bộ Quốc phòng Nguyễn Sỹ Quốc - người được cử sang Geneva bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên trong đoàn đàm phán và phiên dịch tiếng Nga cho Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng. Theo ý kiến của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, thái độ của đoàn ta đối với các đoàn khách từ Pháp sang cũng rất rõ ràng. Ta coi họ là những bạn đồng minh, cùng họ đấu tranh cho Hội nghị Geneva thắng lợi, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, công nhận độc lập chủ quyền của nhân dân Việt Nam, mở ra một trang mới trong quan hệ Pháp-Việt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

Các phòng tiếp khách được bài trí đơn giản nhưng trang nghiêm. Có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng quốc kỳ Việt Nam và Pháp treo ngang nhau, khiến nhiều đại biểu Pháp thắc mắc. Đáp lại, đoàn Việt Nam khẳng định: Chúng tôi không “đánh nhau” với nhân dân Pháp, với nước Pháp, mà chỉ đánh đuổi bọn xâm lược hiếu chiến. Việt Nam rất cảm ơn nhân dân Pháp đã giúp đỡ về tinh thần. Sự chân thành và đúng đắn đó làm xúc động trái tim nhiều người, nhất là các ông bố, bà mẹ Pháp có con em đi lính ở Đông Dương.

Còn nữa, một doanh nghiệp Pháp hỏi: Sau chiến tranh, các ông có thật lòng làm ăn với nước Pháp không? Trả lời: Việt Nam và Pháp đã có quan hệ về kinh tế gần 100 năm nay. Nhân dân Việt Nam quen dùng hàng Pháp. Người Pháp cũng biết một số hàng nhập từ Việt Nam, như than đá, phân bón, gạo, cao su. Quan hệ kinh tế là có lợi cho hai bên. Chiến tranh đã ngăn cản quan hệ đó. Hy vọng hòa bình sẽ giúp hai bên nối lại...

Hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiểu rõ cái giá của chiến tranh và hòa bình. Nguồn cảm hứng mang tên Việt Nam và những bài học lịch sử sẽ còn len lỏi vào mọi nơi mà khát vọng hòa bình vẫn luôn cháy bỏng ngày đêm. Những gì mà đất nước này đã trải qua sẽ còn được chia sẻ, để từ đó thấm thía hơn, trân trọng hơn những thành quả của ngày hôm nay.

Không thể “mua” một dân tộc đã đổ rất nhiều máu vì thống nhất và độc lập! ảnh 2

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Geneva. Ảnh: TƯ LIỆU

QUAY lại câu hỏi ở đầu bài, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời: Người Mỹ đến Geneva với kế hoạch của họ, và chúng tôi có kế hoạch của chúng tôi. Thay vì ngừng bắn, họ muốn một cuộc chiến kéo dài với sự can thiệp của Mỹ. Nhưng bạn thấy đấy, chúng tôi đạt được lệnh ngừng bắn. Và bạn sẽ thấy, chúng tôi sẽ giành được thống nhất cho đất nước. Ông kiêu hãnh khẳng định: Một dân tộc đã đổ rất nhiều máu vì thống nhất và độc lập, thì không thể mua được bằng đô-la Mỹ!

Và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nở nụ cười. Khuôn mặt nghiêm nghị, khắc kỷ của ông bừng sáng...