Không thể "mất bò mới lo làm chuồng"

Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát động mang chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em". Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Trẻ em đã có những chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần chung quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Trẻ em

- Thưa ông, xin ông cho biết vì sao chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em lại tập trung vào vấn đề những tổn hại đang xảy ra với trẻ em?

- Trước hết, tôi muốn làm rõ các vấn đề lớn nhất đang gây hại đến trẻ em, bao gồm: một là xâm hại trẻ em (có thể là bạo lực, xâm hại tình dục,…), hai là tai nạn thương tích, mà điều chúng ta thường thấy nhất mỗi khi hè đến là tai nạn đuối nước.

Hơn nữa, năm nay Cục muốn nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa, không thể "mất bò mới lo làm chuồng", không thể đợi đến khi trẻ có vấn đề mới xử lý, can thiệp, bởi không phải điều gì chúng ta cũng có thể cứu vãn được. Vậy nên, rất cần đến sự vào cuộc của tất cả các bên.

Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rất rõ, các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân, gia đình và toàn xã hội đóng vai trò như thế nào trong công tác bảo vệ trẻ em. Thí dụ như các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… Các bộ, ngành như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế… tất cả đều phải tham gia mạng lưới bảo vệ trẻ em, căn cứ vào nguồn lực, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị.

Trẻ em thường sẽ hoạt động chủ yếu trong ba môi trường: gia đình, nhà trường, cộng đồng. Môi trường cộng đồng hiện nay trở nên phức tạp hơn bởi các em có thể tham gia các hoạt động xã hội bằng cả hai hình thức online và offline, bởi vậy, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần được đẩy lên cao hơn sao cho phù hợp với tình hình mới.

Một nhóm nữa là các doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng nói riêng, doanh nghiệp nói chung cũng cần tham gia vào mạng lưới này với ý thức trách nhiệm cao hơn, để giảm tối đa các tác nhân xâm hại đến trẻ.

Đương nhiên, gia đình và ý thức của cha mẹ là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Những ngày gần đây, Cục nhận được rất nhiều phản ánh về các vụ việc cha mẹ bị lừa bởi các đối tượng lợi dụng sự hoảng hốt, lo lắng khi nhận tin con cái gặp tai nạn. Trên thực tế, hiện nay cha mẹ dành quá ít thời gian cho con cái, nên khó có thể hiểu và cập nhật đầy đủ các thông tin về con. Hơn nữa, có rất nhiều phụ huynh tự hào khoe các thành tích của con lên mạng xã hội, từ đó đã vô tình tiết lộ thông tin cá nhân của con cho kẻ xấu lợi dụng. Chưa kể đến việc, với trẻ trên bảy tuổi, cha mẹ phải hỏi ý kiến của trẻ trước khi đăng hình ảnh của con lên mạng xã hội. Tức là trước khi có sự hỗ trợ từ cộng đồng, cha mẹ cần là người đầu tiên có cách bảo vệ con đúng đắn.

Không thể "mất bò mới lo làm chuồng" ảnh 1
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai. Ảnh: HIỂU MINH

- Từ thực tế công tác, ông đánh giá thế nào về sự phối hợp của các bên liên quan, nhất là phía cơ quan hữu trách?

- Tôi phải khẳng định các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Các địa phương cần đầu tư nguồn lực, phân bổ ngân sách địa phương dành cho công tác bảo vệ trẻ em. Sự đầu tư này sẽ mang lại những hiệu quả rất tích cực cho công tác bảo vệ thế hệ tương lai.

Nhưng thực tế triển khai thì mỗi địa phương lại mỗi khác, phụ thuộc vào hai nguồn lực chính: ngân sách và con người.

Với những địa phương có thể tự cân đối ngân sách như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu,… sẽ có các hoạt động, dự án chăm sóc trẻ cho thấy hiệu quả. Cũng có những nơi khó khăn hơn, nhưng vẫn cho thấy các nỗ lực rõ rệt trong việc luôn dành một nguồn ngân sách nhất định cho công tác chăm sóc trẻ, có thể kể đến tỉnh Bắc Kạn. Với vấn đề này, về phía Cục khó có thể can thiệp bởi tình hình kinh tế ở các địa phương là khác nhau, do vậy họ buộc phải cân đối sao cho phù hợp với đặc điểm địa bàn.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là yếu tố con người. Trong Luật Trẻ em đã quy định rõ mỗi UBND cấp phường, xã phải có một công chức nhà nước, hoặc một cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác bảo vệ trẻ em được trả lương bằng ngân sách, chưa kể đến mạng lưới cộng tác viên tại các tổ, thôn, khóm, bản,… hoặc kỳ vọng cao hơn là mỗi UBND cấp phường, xã phải có một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, và đây vẫn là điều chúng ta đang thiếu.

Với thực trạng đó, nhiều địa phương lựa chọn phương án mở rộng mạng lưới cán bộ không chuyên trách. Hiện có khoảng 20 tỉnh, thành phố có nguồn ngân sách dành cho việc trả lương cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm công tác bảo vệ trẻ em. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh sẵn có của các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… Họ là lực lượng có thể nắm chắc địa bàn, đến từng gia đình, từng đối tượng. Nhưng đội ngũ này cần được tập huấn kỹ năng can thiệp, phát hiện sớm, xử lý vấn đề liên quan đến trẻ, làm sao để họ có thể tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em một cách chuyên nghiệp hơn.

- Hẳn khối doanh nghiệp hay những hoạt động mang tính xã hội hóa cũng rất quan trọng, thưa ông?

- Đúng rồi. Hiện nay khối doanh nghiệp làm khá tốt trách nhiệm của họ trong công tác bảo vệ trẻ em. Thứ nhất, mỗi doanh nghiệp đều phải cam kết đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ an toàn và thân thiện với trẻ nhỏ. Thứ hai, doanh nghiệp phải bảo đảm các chính sách đối với lao động nữ, như chế độ nghỉ thai sản, chăm sóc con em của công nhân. Và điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định về lao động trẻ em. Cục đang phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về doanh nghiệp không sử dụng lao động trẻ em. Bộ tiêu chí này sẽ mở rộng phạm vi quy định cụ thể hơn, nếu trước đó các doanh nghiệp chỉ cam kết không sử dụng lao động trẻ em trong dây chuyền sản xuất thì nay được mở rộng hơn, tức là doanh nghiệp phải cam kết không sử dụng lao động trẻ em trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cũng vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ, khuyến khích họ sử dụng lao động chưa thành niên theo đúng quy định pháp luật. Chúng ta đã có quy định rất rõ về điều kiện lao động, cũng như danh sách các ngành nghề có thể sử dụng lao động dưới 18 tuổi. Đối với các em muốn học và thực hành nghề nghiệp sớm, các chính sách khuyến khích này là vô cùng quan trọng.

Các doanh nghiệp hiện nay cũng tham gia rất tích cực các hoạt động xã hội, thực hiện trách nhiệm xã hội của họ khi chung tay với Nhà nước và chính quyền địa phương để hỗ trợ các em. Thí dụ như hằng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được nguồn lực tới hàng trăm tỷ đồng, chỉ riêng trong Tháng hành động Vì trẻ em.

- Trân trọng cảm ơn ông!