Không được né tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường

Có vai trò phát triển kinh tế, song không phải khu công nghiệp nào cũng làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Không ít khu công nghiệp vừa sinh ra lợi nhuận, nhưng cũng sinh ra khói bụi, ô nhiễm. Làm sao để "xanh hóa", để bảo đảm quyền được sống an bình của người dân chung quanh các khu công nghiệp?
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải trở thành mối lo ngại ở một số cụm công nghiệp tại Bắc Ninh.
Rác thải trở thành mối lo ngại ở một số cụm công nghiệp tại Bắc Ninh.

Sự đánh đổi quá khắc nghiệt

"Khói bụi, mùi bay ra từ phía các nhà máy sản xuất nhựa, sản xuất thép tiền chế và gỗ ván. Dân chúng tôi chịu cảnh này từ hơn 10 năm nay, nhiều người đã mắc bệnh về hô hấp, bệnh ung thư", ông Nguyễn Văn Nghĩa, sống ở tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Trung Thành, TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) bức xúc.

Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (thuộc phường Trung Thành, được xây dựng từ năm 2008 đã không đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, nên doanh nghiệp hoạt động đã xả thẳng ra môi trường. Tuyến kênh thủy lợi N1219 từ đó cũng bị "hành", làm khổ người dân. Cũng theo ông Nghĩa và nhiều người dân xóm Hưng Thịnh, Khu C Khu công nghiệp Nam Phổ Yên do Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch làm chủ đầu tư, tại đây có tám doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng phần lớn các doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Trần Văn Sỹ, Tổ trưởng tổ dân phố Hưng Thịnh cho hay: Bụi và khói từ các nhà máy trên theo gió len lỏi vào hầu hết các gia đình cách nhà máy 300m. Chưa kể, máy móc, động cơ hoạt động ầm ầm cả ngày".

Phía chính quyền địa phương, ông Trần Quang Phong, Chủ tịch UBND phường Trung Thành cho biết, lãnh đạo địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp cao hơn, các cơ quan chức năng cũng đi kiểm tra, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây thì chưa có sự cải thiện.

Tỉnh Bắc Ninh những năm qua có sự phát triển kinh tế khá nhanh, song cũng phải đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Trong đó, Khu công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và Cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) đã diễn ra trong nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Rác thải, nước thải, khói bụi và tiếng ồn luôn trở thành nỗi bức xúc của người dân chung quanh. Nhiều người dân đã phải thốt lên: "Giàu, có tiền nhưng môi trường đi xuống. Đó là một sự đánh đổi quá khắc nghiệt". Theo tìm hiểu, toàn phường Phong Khê có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động và khoảng gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu, nhưng rất ít cơ sở có hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 1751/UBND-NNTN, yêu cầu tiếp tục xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê (TP Bắc Ninh). Tỉnh Bắc Ninh giao Công an tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với tất cả các cơ sở sản xuất tại phường Phong Khê có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm khắc, dứt khoát đối với tất cả hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, bảo đảm thực hiện đúng lộ trình đến năm 2025, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý dứt điểm những vấn đề nhức nhối về môi trường.

Đó chỉ là hai trong số hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước đã được đầu tư từ lâu, lạc hậu, thiếu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp chỉ chăm chăm tìm kiếm lợi nhuận mà buông bỏ trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Đó là chưa kể nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cam kết bảo vệ môi trường nhưng lại không thực hiện nghiêm túc.

Ðừng chỉ giải quyết phần ngọn

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%. Ước tính có khoảng 70% trong số hơn một triệu mét khối nước thải hằng ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường không qua xử lý. Thực tế này khiến cơ quan chức năng phải "chữa bệnh từ ngọn", tốn nhiều công sức, tiền bạc. Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường, ngoài việc khắc phục ô nhiễm môi trường, cần các giải pháp cải tạo, chuyển đổi khu công nghiệp, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm quy định xử lý nước thải, rác thải và bảo vệ môi trường. Thêm nữa, các địa phương cần tập trung thu hút phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh, phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia môi trường kiến nghị, cần chính sách cân đối nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tăng cường nguồn vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài ra, Ban Quản lý các khu công nghiệp cần làm việc trách nhiệm hơn, triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường. Qua đó, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các khu công nghiệp, nhằm bảo đảm phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Theo Tổng cục Môi trường, cần lập quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch cấp tỉnh, bao gồm quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, thoát nước khu công nghiệp để bảo đảm phát triển đồng bộ, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thường xuyên rà soát, đánh giá tổng thể tình trạng thu gom, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trên cả nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; sớm khắc phục tình trạng vi phạm.