Tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý công dân

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và thay thế cho Luật Căn cước công dân (CCCD). Tính từ thời điểm đó, căn cước của công dân Việt Nam sẽ được gọi là thẻ căn cước. Cả nội dung lẫn hình thức của tấm thẻ mới gần như được thay đổi hoàn toàn. Rất nhiều người dân hồ hởi trước ngày được thêm một lần nữa khoác lên nhận dạng của mình “tấm áo mới”.
0:00 / 0:00
0:00

Không chỉ thay đổi về tên gọi, nội dung của thẻ căn cước mới được thiết kế với một số thay đổi. Mục “quê quán” đổi thành “Nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”. Cả hai thông tin trên sẽ được chuyển sang in ở mặt sau thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” thành “Bộ Công an”.

Đặc điểm về nhân dạng, vân tay sẽ không còn xuất hiện trên thẻ. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn được quản lý thông qua bộ phận lưu giữ thông tin mã hóa của thẻ (chip điện tử). Mã QR cũng được chuyển từ mặt trước ra mặt sau thẻ. Thông tin trong mã QR bao gồm: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số chứng minh nhân dân 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).

Các thẻ CCCD vẫn có thể sử dụng bình thường. Chỉ những thẻ CCCD hết hạn hoặc cấp mới lần đầu khi đủ tuổi sẽ được cấp sang thẻ căn cước. Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập thông tin về mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu. Thông tin mống mắt là bắt buộc còn hai thông tin còn lại mang tính chất tự nguyện. Đây cũng là điểm gây thu hút khá nhiều ý kiến của người dân. Có người cho rằng nên cho thông tin nhóm máu vào thay cho giọng nói. Trong một số trường hợp như tai nạn, cấp cứu, thông tin này đặc biệt hữu ích. Có người khác lại cho rằng thông tin AND có thật sự cần thiết phải cho vào…

Để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân chung quanh quá trình triển khai Luật Căn cước, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước, thời gian lấy ý kiến trong 60 ngày. Với sự chuẩn bị khoa học, bài bản và khẩn trương, hy vọng việc triển khai Luật Căn cước 2023 có hiệu lực sẽ giúp công tác quản lý công dân được khoa học, hiệu quả hơn, đồng thời việc triển khai áp dụng căn cước mới sẽ giúp cho người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt và cuộc sống.