“Kho vàng” ca khúc cách mạng

Hướng về dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, phải kể đến giá trị to lớn, lâu dài của kho tàng các ca khúc cách mạng, được sản xuất và lưu trữ từ khi thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1945 cho đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
NSND Thanh Hoa biểu diễn phục vụ bộ đội tại mặt trận. Ảnh tư liệu
NSND Thanh Hoa biểu diễn phục vụ bộ đội tại mặt trận. Ảnh tư liệu

1/Tác phẩm đầu tiên được thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam chính là giai điệu ca khúc “Diệt

phát-xít” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, được chọn làm nhạc hiệu của Đài từ 1945 cho đến nay. Trong kháng chiến chống Pháp, đã có hàng trăm ca khúc được thu âm với nhiều phiên bản khác nhau (đơn ca, song ca, tốp ca, hợp xướng…), nhiều tác phẩm trở thành những bài ca đồng hành cùng năm tháng, sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Tiêu biểu như: “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu), “Mười chín tháng tám” (Xuân Oanh), “Quê em” (Nguyễn Đức Toàn), “Làng tôi”, “Sông Lô” (Văn Cao), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành)...

Có những ca khúc gắn với các dấu mốc lớn lao như “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, sáng tác khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao được viết từ 1949, năm 1954 mới đưa vào thu âm và phát sóng. Từ 1954 đến 1975, số lượng ca khúc cách mạng được sáng tác và thu âm nhiều gấp mấy lần so giai đoạn chống Pháp, là thành quả của một thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều tác phẩm xuất sắc như: Huy Du (Cùng anh tiến quân trên đường dài, Đường chúng ta đi, Tình em, Nhớ về cửa biển…), Hoàng Hiệp (Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Đồng đội, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác), Huy Thục (Tiếng đàn Ta Lư, Ôi dòng suối La La, Bác đang cùng chúng cháu hành quân), Vũ Trọng Hối (Bước chân trên dải Trường Sơn, Đường tôi đi dài theo đất nước), Xuân Giao (Cô gái mở đường, Chào sông Mã anh hùng, Đi tới những chân trời), Văn Ký (Bài ca hy vọng), Trần Chung (Đêm Trường Sơn nhớ bác, Bài ca Trường Sơn, Tiếng gọi sông Đà)… Nhiều nhạc sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp và vẫn tiếp tục có nhiều sáng tác trong giai đoạn chống Mỹ như Trần Hoàn (Lời ru trên nương), Phan Huỳnh Điểu (Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm), Nguyễn Văn Tý (Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Mẹ yêu con, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh)… Từ 1945 đến 1975 đã có khoảng 10 nghìn bản thu âm ca khúc khác nhau được thực hiện tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

2/Do quá trình sơ tán đến 14 lần, một số bản thu âm bị thất lạc nên sau đó phải tổ chức thu âm lại. Chẳng hạn, bản thu âm “Quốc ca” cũ nhất còn giữ được tại Trung tâm lưu trữ và sản xuất chương trình của Đài được thực hiện năm 1970. Có nhiều bản thu âm gắn với nhiều giai thoại đã trở thành lịch sử như bản thu âm “Bài ca hy vọng” do ca sĩ Khánh Vân thể hiện năm 1958. Từ thành công của bản thu âm mà Khánh Vân thể hiện năm 1958 cùng phần đệm piano của nghệ sĩ Hoàng Mãnh, bà được mời vào biểu diễn cho Bác Hồ nghe và ca khúc được thính giả từ khắp nơi trên cả nước gửi thư về đề nghị phát lại. Nhiều nhạc sĩ công tác tại Đài cũng sáng tác nhiều tác phẩm được công chúng cả nước biết đến như “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (thơ Trần Nhật Lam) được nhạc sĩ Lưu Cầu viết ngay sau khi Bác qua đời. Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà viết đêm 26/4/1975 tại Hà Nội, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết đêm 28/4/1975, thu âm ngày 29 và phát sóng lúc 17 giờ ngày 30/4/1975 trong chương trình thời sự đặc biệt.

3/Không thể không kể đến các thế hệ ca sĩ mà tên tuổi gắn với những ca khúc, để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng các thính giả. Đó là NSND Quốc Hương với “Tình ca” (Hoàng Việt), “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí phổ thơ Nguyễn Bính), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương); NSND Trần Khánh với “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sĩ ấy” (Hoàng Vân), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), NSND Quý Dương với “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao), “Tình em” (Huy Du), NSND Trần Hiếu với “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Tôi là Lê Anh Nuôi” (Đàm Thanh), NSND Tường Vy với “Tiếng đàn Ta Lư” (Huy Thục), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp phổ thơ Molovklavi), NSND Tân Nhân với “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), NSND Thanh Hoa với “Tàu anh qua núi” (Phan Lạc Hoa)… Các bản thu âm ấy đã trở thành tài sản vô giá của mọi thế hệ thính giả, mọi người dân Việt Nam.

Từ những bản thu thanh ban đầu bằng đĩa than, kỹ thuật thu âm và chất lượng phòng thu ngày một phát triển đã chuyển từ đĩa than sang băng cối, sang các đầu VCD, DVD chất lượng cao và rồi được số hóa để đưa vào máy tính, giúp cho việc bảo quản được lâu dài. Nghe những bản thu thanh cũ, đôi khi gặp những tiếng lạo xạo của thời đĩa than, chúng ta không khỏi rưng rưng nhớ về cả một miền ký ức.