Ðất "Khánh", người "Hòa"
Mảnh đất Khánh Hòa với đất "khánh", người "hòa" là nơi ghi dấu những sự kiện, những con người kiên trung gắn liền với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ở Khánh Hòa có ông Trịnh Phong cùng với các ông Trần Đường, Nguyễn Khanh (được nhân dân Khánh Hòa suy tôn là "Khánh Hòa tam kiệt"; ông Trịnh Phong được nghĩa quân tôn làm "Bình Tây đại tướng") và các ông: Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long (được nhân dân Khánh Hòa suy tôn là "Quảng Phước tam hùng") đã đứng lên kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực nuôi quân, rèn vũ khí, luyện tập quân sĩ, chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa bị thực dân Pháp dập tắt năm 1886, nhưng tinh thần yêu nước, bất khuất, quyết tâm kháng chiến chống quân xâm lược của các lãnh tụ phong trào và các nghĩa sĩ vẫn còn sống mãi trong ký ức của nhân dân.
Mảnh đất Khánh Hòa cũng là nơi gắn liền với tên tuổi và sự hy sinh của chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp. Tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các ông, nhân dân Khánh Hòa đã lập miếu và đền thờ. Miếu thờ Trịnh Phong và đền thờ Trần Quý Cáp được xếp hạng di tích quốc gia năm 1991.
Ngay từ cuối những năm 20 của thế kỷ 20, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được truyền bá vào Khánh Hòa và được những người yêu nước nhiệt thành tiếp thu. Ngày 24/2/1930, Đảng bộ Cộng sản tỉnh Khánh Hòa được thành lập ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vùng dậy làm cách mạng với cuộc biểu tình ngày 16/7/1930 tại huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), góp phần vào cao trào cách mạng cả nước những năm 1930-1931. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào cách mạng trong tỉnh liên tục phát triển.
Tháng 8/1945, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã nắm thời cơ, kịp thời lãnh đạo nhân dân vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi chỉ trong vòng chín ngày, khi phát-xít Nhật còn trên một vạn quân đóng ở các địa phương trong tỉnh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang diễn ra cùng ngày với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám và sau ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 23/10/1945, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, bao vây quân Pháp 101 ngày đêm tại Nha Trang, sau đó tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân khắp cả tỉnh, kìm chân quân địch tại Khánh Hòa, làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" ra các tỉnh Nam Trung Bộ của địch, góp phần tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến, được Bác Hồ kính yêu gửi điện khen: "Đã làm gương anh dũng cho toàn quốc".
Trong hai cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng bộ và quân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng nhân dân cả nước viết tiếp những trang sử chói lọi, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đập tan chính quyền tay sai, cho đến ngày quê hương hoàn toàn sạch bóng quân thù (ngày 2/4/1975).
Trải qua 370 năm xây dựng và phát triển, trên mảnh đất Khánh Hòa thân yêu đã không chỉ ghi lại những dấu ấn lịch sử tuyệt đẹp, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc ta, mà còn là mảnh đất giàu đẹp với những công trình, địa điểm, lễ hội, sản vật nổi tiếng trên cả nước và thế giới: Vịnh Nha Trang là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới; Thành cổ Diên Khánh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; Tháp Bà Ponagar Nha Trang thờ vị thần xứ sở huyền thoại Thiên Y A Na; Mũi Đôi-Hòn Đôi là nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên trên đất liền của đất nước ta; cụm di tích gắn liền với nhà bác học Alexandre Yersin; địa điểm Tàu C235 ghi dấu đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại; bia chủ quyền quần đảo Trường Sa đang được xem xét xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; lễ hội Cầu ngư được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đặc biệt, hai sản vật gắn liền với thương hiệu của tỉnh Khánh Hòa từ xưa tới nay là yến sào và trầm hương.
Quân dân huyện đảo Trường Sa giao lưu văn nghệ. Ảnh: LÊ NGUYÊN PHONG |
Nỗ lực, đồng lòng quyết tâm hành động
Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và quân dân Khánh Hòa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy cao độ tinh thần năng động, vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, xác định hướng đi đúng đắn, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, tạo ra những khởi sắc toàn diện, đưa Khánh Hòa vươn lên trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện, với mục đích tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, quyết tâm đưa các nghị quyết của Trung ương đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Đến nay, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương đã đạt được những kết quả tốt đẹp bước đầu, cụ thể: Năm 2022, với sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội của tỉnh phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tốt. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, so năm 2021: GRDP tăng 20,7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng 33,3% so kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lao động-việc làm được quan tâm bảo đảm. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, việc triển khai công tác quy hoạch tỉnh bảo đảm tiến độ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành năm Nghị quyết và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hai quyết định. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ba Quyết định triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội.
Để đạt được mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, việc xây dựng danh mục các dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết và cấp bách. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã xem xét, ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 30/9/2022 thống nhất định hướng danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; danh mục các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 31/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3516/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục dự án kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở định hướng quan trọng trong việc tập trung nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh Khánh Hòa.
Đảng bộ và quân dân tỉnh Khánh Hòa luôn tự hào về truyền thống anh hùng của mình; quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương, xây dựng quê hương non trầm, biển yến ngày càng giàu đẹp, văn minh.