Kêu gọi EU hỗ trợ nông dân

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đang tới gần, các cuộc biểu tình liên tiếp của nông dân diễn ra ở Đức, Pháp, Bỉ, Ba Lan, Romania và Hà Lan đang gây sức ép lên các nghị sĩ của Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Pháp kêu gọi EP sớm quyết định sửa đổi Luật Phục hồi thiên nhiên để có thể hỗ trợ nông dân trong khối.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Đức chặn các lối vào đường bộ và đường cao tốc bằng máy kéo. Ảnh: REUTERS
Nông dân Đức chặn các lối vào đường bộ và đường cao tốc bằng máy kéo. Ảnh: REUTERS

EU cho rằng, hệ sinh thái tự nhiên của khối đang suy giảm mạnh, với 81% diện tích môi trường sống tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là hoạt động canh tác nông - lâm nghiệp, như việc sử dụng thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến những loài sinh vật tự nhiên. Do đó, EP năm 2023 đã thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên, với kỳ vọng luật này sẽ là tiền đề để các nước thành viên EU khôi phục hệ sinh thái đa dạng trong khu vực.

Một trong những nội dung của luật yêu cầu các nước EU đưa ra những biện pháp nhằm phục hồi 20% diện tích đất và biển vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều nông dân các nước EU cho rằng, những quy định như vậy ảnh hưởng các hoạt động canh tác nông nghiệp, trong khi EU chưa cung cấp đủ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Phản ứng về Luật Phục hồi thiên nhiên của EU, Liên minh quốc gia các nghiệp đoàn nông dân (FNSEA) và Nghiệp đoàn nông dân trẻ (SJA) ở Pháp tuyên bố, các tổ chức thành viên bắt đầu chiến dịch biểu tình ở Thủ đô Paris kéo dài vô thời hạn cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng. Nông dân Pháp cho rằng, họ phải đối mặt sự cạnh tranh không công bằng từ các đối thủ ở các quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn. Do vậy, họ yêu cầu chính phủ tạo điều kiện tăng thu nhập và điều kiện sống tốt hơn. Ngày 28/1, các cuộc biểu tình của nông dân trên một số tuyến đường cao tốc gần Paris đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Chính phủ Pháp phải huy động 15.000 cảnh sát và binh sĩ nhằm tăng cường an ninh cho Thủ đô Paris.

Dù Chính phủ Pháp đã hủy bỏ kế hoạch giảm dần trợ cấp của nhà nước đối với dầu diesel nông nghiệp và công bố một số bước đi khác nhằm giảm áp lực tài chính và hành chính cho nông dân, song lãnh đạo FNSEA, ông Arnaud Rousseau cho biết, nông dân Pháp mong đợi chính phủ làm nhiều hơn thế và đưa ra các quyết định giải quyết tận gốc bản chất vấn đề đang gây khó cho sinh kế của nông dân.

Cùng ngày 28/1, tại Bỉ, nông dân tiếp tục biểu tình, đưa hàng chục máy kéo di chuyển trên đường cao tốc gây ách tắc giao thông. Lý do bất bình của nông dân Bỉ cũng tương tự nông dân Pháp. Người phát ngôn của Liên đoàn nông dân trẻ FJA - đơn vị tổ chức biểu tình, ông Pierre d’Hulst cho biết, nông dân Bỉ muốn có thu nhập xứng đáng và chính sách nông nghiệp sát thực tế.

Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình tương tự của nông dân cũng diễn ra ở Đức, Ba Lan, Romania và Hà Lan trong bối cảnh EU nỗ lực giải quyết những lo ngại trước cuộc bầu cử EP vào tháng 6/2024. Ngày 29/1, hàng trăm nông dân Đức đã lái máy kéo tới chặn lối ra vào các cảng trọng yếu tại nước này, tiếp tục bày tỏ phản đối kế hoạch của chính phủ về việc cắt giảm trợ cấp nông nghiệp.

Trong khi đó, các hiệp hội nông dân ở một số bang như Bavaria, Baden-Wurttemberg và Saxony đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình bằng cách chặn các lối vào đường bộ và đường cao tốc. Tình trạng gián đoạn giao thông cũng được ghi nhận ở khu vực biên giới Đức giáp với Pháp, Ba Lan và Czech... Các cuộc biểu tình đã khiến Chính phủ Đức rút lại một phần kế hoạch cắt giảm trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp, cam kết khôi phục việc giảm thuế phương tiện và loại bỏ dần trợ cấp dầu diesel theo lộ trình trong vài năm thay vì ngay lập tức.

Nhằm tránh nguy cơ các cuộc biểu tình leo thang thành bạo lực và bị các tổ chức cực đoan chống chính phủ xâm nhập, chính phủ các nước đang nỗ lực đàm phán với các nghiệp đoàn nông dân. Phát biểu ý kiến trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho rằng, một biện pháp được kỳ vọng có thể giúp nông dân Pháp là EU sửa đổi một số nội dung luật liên quan bảo vệ môi trường được EP thông qua năm 2023.