Hy vọng cho trẻ khiếm thính tại Guinea Xích đạo

Dù chịu nhiều thiệt thòi, song người khiếm thính tại Guinea Xích đạo chưa nhận được sự quan tâm của chính phủ. Một phụ nữ đã phối hợp cùng các tổ chức phi lợi nhuận tiên phong mở trường học nhằm giúp các đối tượng dễ bị tổn thương nói trên được đào tạo để có thể tìm kiếm cơ hội trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Bilogo trò chuyện cùng trẻ khiếm thính. Ảnh: THE GUARDIAN
Bà Bilogo trò chuyện cùng trẻ khiếm thính. Ảnh: THE GUARDIAN

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 1,5 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình trạng mất thính lực ở một mức độ nào đó. WHO dự đoán con số này có thể tăng lên 2,5 tỷ người vào năm 2050. Trong đó, gần 80% người khiếm thính sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, việc tiếp cận các cơ sở chăm sóc thính giác bị hạn chế. WHO cũng ước tính, khoảng 80% các nước thu nhập thấp có tỷ lệ ít hơn một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng trên một triệu dân; 50% các nước thu nhập thấp có tỷ lệ ít hơn một giáo viên cho người khiếm thính trên một triệu dân.

Trước tình hình đó, bà Pilar Bilogo đã sáng lập trường học cho người khiếm thính mang tên “La Fe” ở thành phố cảng Bata (Guinea Xích đạo). Bà Bilogo cho biết, Luật Giáo dục có hiệu lực năm 2007 của Guinea Xích đạo quy định chính phủ phải cung cấp chương trình giáo dục cho những trẻ em không có khả năng theo học các trường học phổ thông, song đến nay vẫn không có hướng dẫn nào về việc xây dựng chương trình cho những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

La Fe là trung tâm giáo dục đầu tiên trong cả nước nhận học sinh khiếm thính trên bảy tuổi. Hiện, ngôi trường này đào tạo hơn 100 học sinh. Ngoài việc điều hành La Fe, bà Bilogo còn chăm sóc sáu trẻ bị khiếm thính và một trẻ khác bị câm tại nhà riêng. Những đứa trẻ được ăn, mặc và học hành mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng. “Lý do tôi tiếp tục nhận học sinh ở La Fe và nuôi dạy một số trẻ ở nhà là vì chúng thường bị gia đình bỏ rơi và xã hội cô lập. Ở Guinea Xích đạo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hẻo lánh, vẫn còn tồn tại suy nghĩ rằng các bà mẹ của những đứa trẻ khiếm thính và những đứa trẻ bị điếc bẩm sinh là do bị nguyền rủa”, bà Bilogo chia sẻ. Tại La Fe, những đứa trẻ sẽ được học cùng các giáo viên tình nguyện theo chương trình học đặc biệt.

Stefania Fadda, Chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe tinh thần và người khiếm thính châu Âu cho biết: “Ở những khu vực nghèo và khó khăn nhất của châu Phi, trẻ em bị khiếm thính có nguy cơ không phát triển đầy đủ về mặt ngôn ngữ và không được tiếp cận với giáo dục, từ đó trở thành những người trưởng thành bị cô lập trong xã hội”. Liên đoàn người khiếm thính thế giới (WFD) cũng nhấn mạnh, điều cần thiết là phải bảo đảm trẻ khiếm thính được tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu càng sớm càng tốt. Không học cách giao tiếp có thể ảnh hưởng đến việc học hành và sức khỏe tinh thần của một người. Bà Fadda cho biết, nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần cho thấy các rối loạn tâm lý ở thanh, thiếu niên khiếm thính cao gấp hai-ba lần so thanh, thiếu niên bình thường.

Lucía, 17 tuổi, một học sinh đang theo học tại La Fe chia sẻ, em không nhận được bất kỳ sự điều trị nào cho tình trạng khiếm thính của mình vì hệ thống y tế của Guinea Xích đạo không có bảo hiểm y tế miễn phí cho tình trạng khuyết tật này. Guinea Xích đạo cũng không có đơn vị chuyên biệt về sức khỏe tâm thần hoặc bệnh khiếm thính. Lucía cho biết, trước đây em thường bị mọi người chung quanh ghẻ lạnh và điều này khiến em có thái độ tiêu cực. “Dù vậy, mọi thứ đã thay đổi khi theo học tại La Fe. Em được giao tiếp cùng bạn bè, thầy cô giáo và học được nhiều kiến thức mới. Đó là việc em chưa từng nghĩ đến trước đây”.

Trước những điều tích cực mà La Fe đem lại, nhiều tổ chức phi lợi nhuận tại Guinea Xích đạo và quốc tế đã quyết định thành lập thêm những ngôi trường mới dành cho đối tượng học sinh dễ bị tổn thương, giúp các em có thêm hy vọng trong cuộc sống.