Nhân Hội thảo "Thơ Việt Nam nhìn từ miền trung"

Hữu Loan và cuộc hành trình cùng kháng chiến

Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp chính thức bắt đầu ngày 19-12-1946. Nhưng thơ ca kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện trước đó gần hai tháng với những thành tựu đỉnh cao, như bài thơ Nhớ máu Trần Mai Ninh viết vào đêm 9-11-1946, và sớm hơn nữa là Ðèo Cả của Hữu Loan, viết từ mùa thu 1946.

Mãi năm ba mươi tuổi, Hữu Loan còn chưa nghĩ mình sẽ là nhà thơ. Ông sinh năm 1916, nhà nghèo, học rất giỏi. Cách mạng Tháng Tám, Hữu Loan là Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Một thời gian sau, ông được điều lên Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách bốn ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Giữa năm 1946, ông được phân công làm công tác tuyên huấn Quân khu 4, trực tiếp phụ trách tờ báo Chiến sĩ. Vậy là Hữu Loan trở thành người cầm bút.

Một chuyến đi làm báo, Hữu Loan cưỡi ngựa từ Huế vào vùng Ðèo Cả. Bấy giờ, sau khi gây hấn ở Nam Bộ, thực dân Pháp đã đem quân ra quấy phá vùng Khánh Hòa, Ðèo Cả thành nơi quân ta trấn ngự. Cưỡi trên lưng con ngựa đực bất kham rong ruổi vào Khu 5 dằng dặc khi đó đang còn vô cùng hoang vắng, Hữu Loan biết được non sông hùng vĩ, những bầy thú hoang lang thang. Ông chứng kiến cả nạn đói và sốt rét hoành hành ở nơi này. Và những xúc cảm đặc biệt đã cuộn trào trong lòng ông, thứ xúc cảm vô cùng mới mẻ, khiến say lòng. Trong con đường hầm dài mười bốn cây số tối mờ mịt, những đơn vị Vệ quốc đoàn trú ngụ để đánh giặc. Ðói, khát và sốt rét, nhưng những người chiến sĩ lòng tràn đầy tin tưởng, sẵn sàng quyết chiến... Trước thiên nhiên và những con người như vậy, cái cảm xúc lạ lùng cứ cuộn trào mãnh liệt, thôi thúc Hữu Loan thể hiện nó thành lời thành tiếng. Và những lời những tiếng đó, vừa kiêu hùng vừa bao la, mô tả nước non trời biển mến yêu, kỳ vĩ, đã thành Ðèo Cả:

...núi cao ngất

mây trời Ai Lao

sầu đại dương

dặm về heo hút

Ðá Bia mù sương...

Cũng có thể, lúc viết Ðèo Cả, Hữu Loan chưa biết bài thơ đầu tay của ông chính là tác phẩm đầu tiên của một thời kỳ thơ ca mới. Ðó là thứ thơ khác hẳn. Nói tới sự gian lao, nói tới máu lửa, chân thực mà hào hùng, cao cả: "Rau khe/ cơm vắt/ áo phai màu sa trường.../ Gian nguy/ lòng không nhạt/ căm thù trăm năm xa/ máu thiêng sôi dào dạt/ tự nguồn thiêng ông cha...". Bởi có một tâm hồn phù hợp với thời cuộc mới và một tài năng bẩm sinh, Hữu Loan trở thành nhà thơ viết nên bài thơ mở đầu một thời đại thơ ca mới, Thơ ca kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Ðèo Cả có một hơi thơ lạ lùng, chưa từng thấy ở thơ Việt. Lòng yêu non sông đến tự hào và tình thương yêu những con người đang đổ máu cho một sự nghiệp vĩ đại khiến tác giả có được xúc cảm to lớn, những câu thơ rắn đanh, lúc chát chúa, lúc dồn nén, giàu phong vị sử thi mà rất hiện thực:

Chân đèo Nam

máu giặc

bao lần

nắng khô

Sau mỗi lần thắng

những người lính Ðèo Cả

về bên suối

đánh cờ

người hái cam rừng

ăn nheo mắt

người vá áo

thiếu kim mài sắt

người đập mảnh chai

vểnh cằm

cạo râu...

Viết bài thơ đầu tay, nhưng nhà thơ đã có một bút pháp chắc chắn và mạnh mẽ, một bút pháp rất mới, nhưng trong nó như có được tinh hoa thơ cổ điển phương Ðông, nhất là cái đẹp mạnh bạo của thơ Tống, Trung Hoa. Bởi thế, Ðèo Cả in trên báo Chiến sĩ với bút danh là Hữu, đã được quân dân Khu 4 đón đọc rất sôi nổi. Hữu Loan có gửi bài thơ cho một người ở thị xã Thanh Hóa, đó là cô học trò nhỏ của ông, Lê Ðỗ Thị Ninh. Và, cô gái 17 tuổi đã đem lòng thương yêu Hữu Loan. Sau bài Ðèo Cả, năm 1947, Hữu Loan viết bài thơ Quách Xuân Kỳ. Quách Xuân Kỳ khi ấy là Bí thư Thị ủy Ðồng Hới, bị giặc bắt và hy sinh anh dũng trong nhà tù. Giữa những ngày khói lửa gian nguy đó, bài thơ Quách Xuân Kỳ được in ngay trên báo Thép mới của Chi hội văn nghệ Liên khu 4, có sức cổ động quần chúng rất lớn.

Ðầu năm 1948, Hữu Loan nhận được tin nhắn, gọi về thị xã Thanh Hóa ngay. Nguyên do, cô học trò Lê Ðỗ Thị Ninh đã thổ lộ với mẹ tình cảm của mình đối với "gia sư" Hữu Loan. Mẹ cô, từ lâu đã quý mến cậu gia sư đó, nên rất mừng, đồng ý ngay với quyết định của con. Ngày 6-2-1948, đám cưới của Hữu Loan và Lê Ðỗ Thị Ninh được tổ chức, như sau này ông đã viết: Tôi ở đơn vị về/ cưới nhau xong/ là đi... Thật đau đớn, bảy tháng sau, khi đang ở Ban Tuyên huấn Sư đoàn 304, Hữu Loan nhận được tin người vợ trẻ của ông đã qua đời. Thoắt cái, Hữu Loan trở thành một con người trầm lặng lạ lùng. Suốt mấy tháng trời, ông không viết báo, cũng không làm thơ, sống thui thủi. Cho đến mùa hè năm 1949, Hữu Loan vào Nghệ An dự một đợt chỉnh huấn, ông không còn chìm sâu vào trầm lặng nữa, mà đã bắt đầu trò chuyện giao lưu với mọi người. Và ông đã khóc người vợ trẻ quá cố bằng bài thơ Màu tím hoa sim. Những dòng thơ ghi lại cuộc sống thực của ông: Yêu nàng/ như tình yêu em gái/ Ngày hợp hôn/ nàng không đòi may áo mới... Ở bài Ðèo Cả, hiện thực đời sống dội vào tâm can, trí não Hữu Loan, khiến ông có những cảm xúc kiêu hùng, cách nhìn ngang tàng mà tạo nên một mạch thơ đẹp lạ thường. Nhưng đến lúc này, thực tế đau thương bị nén chặt xuống đáy lòng nhiều ngày, đã bùng lên một tiếng thơ đau xót:

Lấy chồng thời chiến chinh

mấy người đi trở lại...

Nhưng không chết

người trai khói lửa

mà chết

người gái nhỏ

hậu phương

Tôi về

không gặp nàng

Má tôi ngồi bên mộ con

đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới

thành bình hương

tàn lạnh vây quanh...

Ðây là thơ viết về nước mắt, là nước mắt lăn dài trên gương mặt sương gió người chiến binh. Hữu Loan tự thấy là thứ thơ riêng nên không gửi Màu tím hoa sim cho báo nào. Nhưng bài thơ được chuyền tay nhau lan rất nhanh ở Khu 4, ra Khu 3 và tới cả Việt Bắc...

Kể từ Màu tím hoa sim, Hữu Loan bộc lộ sở trường trong bút pháp trữ tình kể chuyện, thơ ông thêm một vẻ đẹp nữa là vẻ đẹp tráng sĩ đi kháng chiến qua các nhân vật thơ. Vào thời gian này, ở Việt Bắc có một sự kiện học thuật khá quan trọng, là cuộc hội thảo về thơ Nguyễn Ðình Thi, dù Nguyễn Ðình Thi cũng mới in có bốn bài và thơ ông cũng chưa đi vào sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Có một phần do cách trở về địa lý, nhưng chủ yếu bởi lối sống và cách viết của Hữu Loan tách riêng ra một cõi, nên cuộc hội thảo nói trên không mấy tác động đến ông. Ông vẫn chỉ viết bằng những gì có trong bản ngã của ông...

Với Hữu Loan, mối quan hệ quân dân là một mối tình thâm, như tình bản hạt, ruột thịt: Ðôi làng/ như làng quê/ Người mẹ già/ như mẹ... Thời kỳ này, bút lực dồi dào lạ lùng trong Ðèo Cả của Hữu Loan được thay bằng hồn quê thấm đẫm và đặc biệt chú ý khai thác chuyện tình cảm lứa đôi thời đánh giặc, là người trai khói lửa và người gái nhỏ hậu phương trong Màu tím hoa sim, là nỗi nhớ thương của gái làng, trai lính trong Những làng đi qua... Ðến bài Hoa lúa ông viết hồi cải cách ruộng đất, lại là chuyện tình ngang trái, những câu thơ có hơi hướng ca dao: "Ðôi mắt em mang/ chân trời quê cũ/ giếng ngọt cây đa/ Anh khát tình quê ta/ trong mắt em/ thăm thẳm". Với sự kiện cải cách ruộng đất, nhiều nhà thơ làm thơ tố khổ. Cũng kể khổ, nhưng thơ Hữu Loan có một chiều sâu khác: "Những tình em đắng cay/ còn khóc trong/ ca dao tục ngữ"; kể khổ, nhưng tình thơ cảm động, xao xuyến:

Người trai quê

biết đâu

những đêm dài

em khóc

đầy như

giếng mưa

câm như bồ thóc...

Thơ Hữu Loan là cuộc hành trình chín năm cùng kháng chiến, bắt đầu từ Ðèo Cả. Ðó là ba ngàn ngày tràn đầy sinh lực dành cho đánh giặc và sáng tạo. Những gì ông làm được đã trở thành giá trị cuộc sống của một thời kỳ tuyệt vời trên đất nước chúng ta, thời kỳ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân chủ cộng hòa thuở ban đầu. Và, chỉ với mười bài thơ, Hữu Loan đã trở thành một hiện tượng đặc sắc của thi ca Việt Nam.

* Ở Hữu Loan, hầu như không có sự đắn đo lựa chọn hình thức thơ, mà chỉ mải miết hành trình theo cuộc sống kháng chiến. Và cuộc sống đó, lúc kiêu hùng hay khi thương đau, dội vào ông, tràn xuống trang viết, thành thơ... Ngay trên đất Khu 4, Lưu Trọng Lư đòi đuổi thơ tự do của Nguyễn Ðình Thi "ra khỏi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Nhưng, Hữu Loan vẫn cứ làm thơ tự do, leo thang một cách hồn nhiên!