Theo kế hoạch, huyện Lục Nam phấn đấu có thêm ba xã (Vô Tranh, Trường Giang, Lục Sơn); huyện Yên Thế có thêm hai xã (Đông Sơn, Tân Sỏi); huyện Sơn Động có thêm hai xã (Yên Định, Đại Sơn); huyện Lục Ngạn có thêm hai xã (Kiên Lao, Tân Lập). Hiện, các xã đã đạt 14/19 tiêu chí trở lên trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, năm 2023 Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 13 xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Huyện Lạng Giang có bốn xã; huyện Tân Yên và Yên Dũng mỗi huyện ba xã; huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Việt Yên mỗi huyện một xã, lũy kế 54 xã. Phấn đấu có thêm chín xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Huyện Việt Yên bốn xã; Lạng Giang, Yên Dũng mỗi huyện hai xã; Tân Yên một xã; lũy kế 10 xã. Có thêm 90 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế 329 thôn.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Lục Nam đã triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025. Cùng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Nam đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU, ngày 14/3/2022 về việc lãnh đạo, chỉ đạo huyện Lục Nam phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đại diện lãnh đạo huyện Lục Nam khẳng định quyết tâm chính trị cao, phấn đấu hết năm 2023 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Theo đó, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực lớn cho chương trình, tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Huyện Lục Nam cũng xác định đây là thời cơ thuận lợi, bởi vậy phải tranh thủ huy động nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết vượt khó, tháo gỡ vướng mắc và phát động cuộc vận động cả hệ thống chính trị, thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới.
Về phía tỉnh, để nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, năm 2023, Bắc Giang phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,26% dân số; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt 56,5%...
Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: Đối với các thôn phấn đấu đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, cần rà soát kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí của tỉnh; lập, trình UBND xã phê duyệt Phương án thực hiện; quan tâm thực hiện tốt chỉnh trang đường giao thông, công trình phụ trợ, vườn hộ gia đình, trồng và chăm sóc tuyến đường hoa-cây xanh, thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải, phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cùng nhau phát triển để xây dựng "Làng quê đáng sống".
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2023, cần thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về lộ trình thực hiện các tiêu chí, giải pháp triển khai cũng như phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phụ trách thực hiện các tiêu chí, tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm; tuyên truyền vận động cán bộ, người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn để hoàn thành các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, các huyện cần tập trung nguồn lực từ ngân sách cấp huyện, lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn vốn khác để ưu tiên hỗ trợ đối ứng cho các xã, thôn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo thời gian, lộ trình đã đề ra. Đồng thời thực hiện các giải pháp phát triển bền vững nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường.