Hợp phần thiết yếu của một thành phố thông minh

Chiếu sáng thông minh là một phần thiết yếu trong xây dựng thành phố/đô thị thông minh, trào lưu trên thế giới và Việt Nam đang bước đầu tiếp cận. Các lĩnh vực thông minh thuộc thành phố thông minh gồm có: Cơ sở hạ tầng thông minh, công nghệ thông minh, năng lượng thông minh, công dân thông minh, quản lý giáo dục thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, tòa nhà thông minh, di động thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Singapore về đêm. Nguồn: nighttours.com.sg
Singapore về đêm. Nguồn: nighttours.com.sg

1 Đến năm 2018, dựa trên nhiều tiêu chí, công ty nghiên cứu thị trường Juniper Research đã chọn ra năm thành phố/đô thị thông minh nhất thế giới: Singapore, Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), San Francisco (Mỹ) và Oslo (Na Uy). Để đưa ra kết luận như vậy, các nhà nghiên cứu tại Juniper đã xếp hạng các thành phố theo một loạt yếu tố, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng các công nghệ lưới điện thông minh, chiếu sáng thông minh, việc sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện giao thông, các điểm truy cập wifi, độ phổ cập của smartphone và các ứng dụng. Ông Steffen Sorrell, chuyên viên phân tích cao cấp tại Juniper Research cho biết: "Chúng tôi ứng dụng nhiều thước đo khác nhau để đánh giá về giao thông cũng như năng lượng mà chúng tôi tin rằng, đây là những yếu tố quan trọng nhất của các thành phố thông minh".

Từ cuối năm 2014, Singapore đã cho lắp đặt rất nhiều bộ cảm biến và camera trên khắp đảo quốc để theo dõi mọi thứ, từ độ sạch cho đến giao thông. Nhờ vậy, nhà chức trách dễ dàng phát hiện bất cứ ai hút thuốc ở khu vực cấm hút hoặc ném rác ra đường từ những tòa nhà cao tầng. Singapore đã tích cực triển khai thu phí ùn tắc và dành khoản tiền này để đầu tư vào hệ thống cảm biến công cộng, đèn giao thông chia pha và đỗ xe thông minh.

Tương tự, Barcelona không chỉ sử dụng công nghệ thành phố thông minh để giảm lưu lượng giao thông mà còn phát triển nhiều công nghệ đỗ xe thông minh, chiếu sáng thông minh, cảm biến để đo chất lượng không khí và tiếng ồn. Điểm mạnh của Barcelona là năng lượng bền vững, các dự án lưới điện thông minh, đo đạc thông minh, một kế hoạch toàn diện giúp giảm rác thải khí carbon và trên hết là việc đưa ra một hệ thống chiếu sáng LED thông minh.

London luôn được xếp hàng đầu trong danh sách những thành phố thông minh trên thế giới. Thành phố này sớm áp dụng công nghệ để xử lý ách tắc giao thông, giúp việc đỗ xe trở nên đơn giản hơn. London vừa tuyên bố sẽ chi ra bốn tỷ bảng đề đầu tư vào hệ thống đường giao thông trong thập niên này, bao gồm cả hệ thống đèn giao thông có khả năng dành quyền ưu tiên cho xe buýt để giúp quá trình lưu thông trơn tru hơn.

Là thủ đô của một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, Oslo thường xuyên nằm trong danh sách đề cử những thành phố thông minh nhất thế giới. Thành phố đã đạt được nhiều bước tiến trong việc sử dụng công nghệ thông tin để cắt giảm năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính. Oslo đã xây dựng một mạng lưới chiếu sáng thông minh giúp giảm gần hai phần ba tổng mức năng lượng tiêu thụ. Oslo là một trong những thành phố đầu tiên tại các quốc gia Bắc Âu áp dụng dịch vụ lưới điện thông minh. Oslo đã triển khai hệ thống chiếu sáng LED thông minh và đưa ra các mạng lưới cảm biến rộng để quản lý lưu lượng giao thông.

2 Nhiều nơi khác trên thế giới tuy chưa có đủ điều kiện nền tảng để trở thành thành phố/đô thị thông minh nhưng đã tập trung chọn lĩnh vực chiếu sáng công cộng thông minh để đầu tư, tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác cùng phát triển theo hướng áp dụng công nghệ thông minh.

Chiếu sáng thông minh bao gồm các bộ điều khiển tự động, các bộ đèn hiệu suất cao được thiết kế để tiết kiệm năng lượng. Một thí dụ điển hình là đèn chiếu sáng LED thông minh đa chức năng, được điều khiển bằng điện thoại thông minh và bộ điều khiển wifi cho phép kết nối hàng loạt bóng đèn, điều chỉnh cường độ chiếu sáng, thay đổi mầu sắc, có thể cài đặt thêm ứng dụng, như chơi nhạc, báo thức. Hơn thế nữa, hệ thống chiếu sáng LED được kết nối không chỉ cung cấp ánh sáng mà còn trở thành điểm thu thập thông tin dữ liệu về môi trường chung quanh, như lưu lượng của phương tiện giao thông, chất lượng không khí, đám đông và rủi ro bảo mật, mức tiêu thụ năng lượng, chất thải và nhiều nội dung quan trọng khác. Việc triển khai các hệ thống này không chỉ bảo đảm cung cấp chất lượng ánh sáng tốt hơn, an toàn giao thông được cải thiện mà còn tiết kiệm điện năng, giảm thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Từ tháng 9/2014, Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã tiến hành thay mới 225.000 bộ đèn đường LED, từng bước thực hiện chiến lược "thông minh hóa" Madrid. Còn Eindhoven (Hà Lan) được biết đến là thành phố có hệ thống chiếu sáng thông minh bền vững, tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm đồng thời mang tính nghệ thuật. Hệ thống đèn LED chiếu sáng được vi tính hóa, mỗi đèn đường mang theo một "bộ óc riêng", có thể bật hoặc tắt tùy thuộc vào mật độ giao thông thực tế. Năm 2015, Szczecin, một thành phố nhỏ của Ba Lan cũng "LED hóa" đèn chiếu sáng công cộng, một nửa số này được vận hành từ xa bằng một phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh.

Theo dự báo của Northeast Group, công ty nghiên cứu thị trường chuyên về cơ sở hạ tầng thông minh có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), cả thế giới sẽ có khoảng 359 triệu đèn đường vào năm 2025.

Hy vọng đến 2025, trên thế giới sẽ có 26 thành phố thông minh và sẽ có 92 thành phố phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang có dự án xây dựng thành phố thông minh, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, mỗi thành phố thường chỉ chọn một dự án làm thí điểm: Hà Nội có Dự án Thành phố thông minh nằm trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Anh), TP Hồ Chí Minh có dự án Khu công nghệ phần mềm thuộc Khu đô thị Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh-Trung tâm điều hành hệ thống thành phố thông minh trong tương lai.