Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Thành Cổ Loa được xây dựng từ thời An Dương Vương và đã được tu bổ ở thời kỳ nào? Như tên gọi (loa là con ốc) và thường được hiểu là tòa thành kiến trúc theo kiểu xoáy trôn ốc. Thực tế có đúng vậy không? (vukimdung_kt@yahoo.com.vn)

Trả lời: Năm 179 trước Công nguyên, cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại, nước Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu, thành Cổ Loa lọt vào tay Triệu Ðà. Trong suốt hơn một ngàn năm bắc thuộc các chính quyền đô hộ phương Bắc đã nhiều lần sử dụng thành Cổ Loa. Trên địa điểm đó Mã Viện cho xây đắp Kiển Thành (Thành Kén). Vào đầu thế kỷ 7, Lý Phật Tử có một thời gian đóng quân ở thành Cổ Loa để chống lại quân Tùy.

Năm 939, Ngô Quyền sau chiến thắng Bạch Ðằng, khôi phục nền độc lập dân tộc đóng đô ở thành Cổ Loa. Các chính quyền đô hộ phong kiến phương Bắc, rồi đến Lý Phật Tử và Ngô Quyền đều đã tu bổ, bồi đắp, xây dựng thêm. Việc phân biệt rạch ròi thành Cổ Loa thời An Dương Vương với những tu bổ thêm sau này là một công việc phức tạp đòi hỏi những cuộc khai quật trên quy mô lớn khu di tích tiêu biểu này. Tuy nhiên, điều khẳng định là thành Cổ Loa được xây dựng lần đầu từ thời An Dương Vương, mặc dù được sử dụng và bồi trúc qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau...

Di tích Cổ Loa hiện nay bao gồm ba vòng thành khép kín, theo thứ tự từ trong ra ngoài là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại như dân gian thường gọi.

Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1.650m, cao trung bình năm mét so với mặt đất hiện nay, mặt thành rộng 6-12m, chân rộng 20-30m. Thành Nội chỉ mở một cửa trông thẳng vào Ngự triều di quy, tương truyền là nơi thiết triều của An Dương Vương.

Thành Trung là một vòng thành khép kín, không có hình dáng cân xứng, bao bọc thành Nội, dài 6.500m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, chân choãi rộng khoảng 20m. Thành Trung mở năm cửa (nam, đông, bắc, tây bắc, tây nam), trong đó cửa Ðông là một cửa nước mở lối cho nhánh sông Hoàng Giang chảy vào sát thành Nội.

Thành Ngoại cũng là một đường cong khép kín không có hình dáng rõ rệt, dài khoảng 8.000m. Thành Ngoại nay đã bị phá hoại nặng nề. Những đoạn thành còn lại cao trung bình 3-4m, chỗ cao nhất khoảng 8m, chân thành rộng khoảng 12-20m, mở bốn cửa nam, bắc, đông và tây nam, trong đó cửa nam là cửa chung với thành Trung, cửa đông là cửa sông nối liền với sông Hoàng Giang.

Thành Cổ Loa là một công trình kiến trúc đồ sộ. Tổng cộng chu vi của cả ba vòng thành trên 16km. Cổ Loa có tên nôm là Chạ Chủ. Thư tịch cổ Trung Quốc không ghi tên cụ thể của tòa thành này. Trong thư tịch cổ Việt Nam, thế kỷ 14 gọi là thành Khả Lũ, thế kỷ 14 chép là Cổ Loa hay Loa Thành. Chữ Khả Lũ hay Cổ Loa có lẽ là phiên âm Hán - Việt chữ Chạ Chủ. Như vậy, Loa Thành theo nghĩa là Thành ốc hay Cổ Loa - chữ Loa theo nghĩa là con ốc - là tòa thành kiến trúc theo kiểu xoáy trôn ốc. Như vậy, vừa theo ngữ nghĩa, vừa như dân gian truyền tụng là không có cơ sở và cũng không đúng với thực tế kiến trúc của tòa thành này.