Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Vì sao nói Nguyên phi Ỷ Lan là một trong những người phụ nữ tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam? minhhieu99@yahoo.com

Trả lời: Ỷ Lan có nghĩa là dựa vào cây lan. Lai lịch tên gọi Ỷ Lan, Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông, được sử sách chép như sau:

Năm 1062, vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có con trai nối dõi. Vua bèn đi khắp nơi cầu tự. Xa giá đi đến làng Thổ Lỗi (làng Sủi, sau đổi tên là Siêu Loại, thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh xưa, nay huyện Gia Lâm) thì trai gái đổ xô đến xem rất đông duy có người con gái hái dâu vẫn cứ đứng tựa vào gốc lan. Vua thấy lạ đến hỏi sự tình, người con gái đó chẳng những xinh đẹp mà còn đối đáp lưu loát; vua cảm mến liền đón về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân - để ghi nhớ hình ảnh gặp gỡ đầu tiên giữa hai người.

Tên thật của bà Ỷ Lan là Lê Thị Yến Loan. Bà sinh con trai đầu là Hoàng thái tử Càn Ðức (1066), vua Lý Nhân Tông sau này. Bà mất năm 1117, không rõ bao nhiêu tuổi.

Nguyên phi Ỷ Lan là người có vai trò như một hoàng đế trong những thời điểm quan trọng của đất nước, khi vua và các đại thần phải rời kinh thành, lúc vào nam, khi lên bắc, bình Chiêm phá Tống.

Năm Kỷ Dậu (1069), Chiêm Thành quấy nhiễu biên giới phía nam và có ý liên kết với nhà Tống gây chiến với Ðại Việt. Vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đi chấn an phía nam. Thái úy Lý Thường Kiệt, đại thần trụ cột số một của triều đình bấy giờ, làm tướng tiên phong. Ỷ Lan được trao việc điều hành triều chính. Khi ấy Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng bèn rút quân về. Trên đường về nhà vua được nghe quan dân hết mực ca ngợi tài trị nước và đức độ của Nguyên phi. Có người gọi bà là Quan Âm. Thánh Tông khi ấy tự ngẫm và nói: 'Nguyên phi là người đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc sao!'. Nhà vua liền quyết chí quay lại và đã dành được thắng lợi.

Năm Nhâm Tý (1072), Lý Thánh Tông mất, Hoàng Thái tử Càn Ðức lên nối ngôi mới sáu tuổi. Ỷ Lan được tôn làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu, cùng các đại thần Lý Thường Kiệt, Lý Ðạo Thành trông coi chính sự. Nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta. Năm 1075, Lý Thường Kiệt đem quân sang đất Tống triệt phá các căn cứ quân sự của giặc. Năm 1077, nhà Tống phát đại binh xâm lược Ðại Việt. Lý Thường Kiệt cùng các đại thần đem quân lên xây dựng phòng tuyến sông Cầu chặn địch. Ỷ Lan cùng triều đình bàn kế hoạch kháng chiến. Khi các đại thần cầm quân nơi chiến trận thì bà là người ở lại trông coi các việc triều chính.

Sinh thời bà thường quan tâm đến dân nghèo, nghiêm trị những kẻ hại người, trộm cướp, hại dân.

Với phẩm chất và những việc bà làm vì dân vì nước, Ỷ Lan xứng đáng được tôn vinh là một trong những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.