Hỏi các nhà sử học

NDO - Hỏi: Chúng em nghe ngày xưa có "lục giặc" vào cướp phá nước ta. Vậy thời đó là thời nào và sự kiện lịch sử ấy ra sao? Minhthang93_@yahoo.com thay mặt nhóm sinh viên khoa tin học, Ðại học Bách khoa Hà Nội.

NDHT trả lời: Các bạn có thể nhầm, không phải "lục giặc" mà là "lục quốc" vì Trung Hoa sau khi nhà Tấn sụp đổ, giặc giã, loạn lạc liên miên, các thế lực cát cứ đánh giết nhau chia thành Nam Bắc triều kéo dài từ năm 317 đến năm 580.

Bắc Triều: gồm thập lục quốc (16 nước) kế tiếp nhau chiếm giữ miền bắc Trung Hoa.

Nam Triều: gồm lục quốc (6 nước) Ngô, Ðông Tấn, Tiền Tống, Nam Tề, Lương, Trần kế tiếp nhau chiếm giữ phía nam Trung Hoa. Thời đó nước ta bị nhà Lương đô hộ do Tiêu Tư làm thứ sử, nhân dân ta cực khổ trăm bề. Năm 542 Lý Bôn tức Lý Bí thấy nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới sự đô hộ tàn ác của tên Thứ sử Tiêu Tư, tháng 1 năm 542, đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa tấn công quân Lương. Chưa đầy 3 tháng Lý Bí đã chiếm hết các quận, huyện và thành Long Biên. Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ chạy bộ về nước. Nhà Lương sai tướng đem quân sang phản công cướp lại, Lý Bí cho quân mai phục đánh tan bọn xâm lược.

Ðầu năm 543, vua Lương lại huy động binh mã sang xâm chiếm nước ta một lần nữa. Lý Bí chủ động đem quân đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, quân Lương bị tiêu diệt gần hết.

Cùng năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp kéo sang cướp phá quận Nhật Nam, Lý Bí sai lão tướng Phạm Tu kéo quân vào đánh ở Cửu Ðức (Hà Tĩnh), quân Lâm Ấp bỏ chạy về nước.

Tháng 2 năm Giáp Tý (544) Lý Bí xưng Nam Việt Ðế, niên hiệu là Thiên Ðức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Triều đình gồm hai ban văn võ. Lão tướng Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ. Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn, Triệu Túc được phong là Thái Phó, Triệu Quang Phục trẻ tuổi cũng được trọng dụng.

Triều Tiền Lý khởi nghiệp từ đấy.

Lý Bí xưng là hoàng đế (Nam Việt Ðế) đó là hoàng đế đầu tiên của nước ta. Ông đặt tên nước là Vạn Xuân, định niên hiệu là Thiên Ðức, lập một triều đình riêng là sự khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, bền vững muôn đời của dân tộc ta.

Lý Nam Ðế còn cho đúc tiền đồng để tiêu dùng trong nước. Ðây là tiền đồng đầu tiên của nước ta.

Lý Nam Ðế sai dựng một ngôi chùa lớn ở phường Yên Hoa (Yên Phụ) lấy tên là chùa Khai Quốc. Chùa Khai Quốc nay là chùa Trấn Quốc trên đảo Cá Vàng (Kim Ngư) ở Hồ Tây Hà Nội.

Ðầu năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu cùng với tên tướng khát máu Trần Bá Tiên chia làm hai đường thủy bộ kéo sang xâm lược nước ta, hòng bóp chết nhà nước Vạn Xuân non trẻ. Lý Nam Ðế đem quân chặn đánh bọn xâm lược ở vùng sông Lục Ðầu (Hải Dương). Vì ít quân không cản được giặc, vua phải lui quân về giữ thành ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Quân địch hung hãn tấn công ác liệt, lão tướng Phạm Tu đã anh dũng hy sinh. Lý Nam Ðế rút quân về đóng tại hồ Ðiển Triệt (Vĩnh Phúc).

Trần Bá Tiên là tên tướng giặc rất xảo quyệt, hắn lợi dụng một đêm mưa to gió lớn đã thúc quân vào đánh úp quân Lý Nam Ðế. Nhà vua phải rút quân vào động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phúc), nhà vua bị ốm nặng đã trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương. Ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13-4-548) Lý Nam Ðế mất.

Ðể tưởng nhớ Lý Nam Ðế, người Anh hùng dân tộc mở đầu nền độc lập tự chủ của đất nước ta, nhân dân lập đền thờ, chỉ tính riêng các tỉnh miền bắc đã có hơn 200 đền thờ Lý Nam Ðế.