Học làm cha mẹ thời đại 4.0

Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ. Để chăm sóc, bảo vệ trẻ đúng cách, các bậc cha mẹ cũng phải học hỏi và liên tục cập nhật, nhất là trong thời đại số như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cha mẹ đang loay hoay tìm các lớp học trực tuyến để hiểu và đồng hành cùng con tốt hơn. Ảnh: UNICEF
Nhiều cha mẹ đang loay hoay tìm các lớp học trực tuyến để hiểu và đồng hành cùng con tốt hơn. Ảnh: UNICEF

Kinh nghiệm và thực tế

Chương trình giáo dục mầm non ở Việt Nam bắt đầu tiếp nhận trẻ từ ba tháng tuổi. Tuy nhiên, trong cả nước rất hiếm các cơ sở nhà trẻ đủ điều kiện nhận trẻ trong độ tuổi từ ba đến sáu tháng. Phần lớn các nhà trẻ thường chỉ nhận khi trẻ đã đủ 18 tháng tuổi.

Theo Luật Lao động, nữ lao động được nghỉ thai sản trong sáu tháng. Như vậy, tối đa đến khi trẻ được sáu tháng tuổi người mẹ đã phải đi làm và đối diện với lựa chọn: một là thuê bảo mẫu, hai là nhờ ông bà, người chăm sóc trẻ ở tại gia đình. Ngày nay, một số ít phụ huynh lựa chọn làm việc online, hoặc làm tự do, như vậy họ có thời gian để tự chăm sóc con nhiều hơn.

Ngay cả khi trẻ đi học ở trường mầm non, ngoài giờ trên lớp, thời gian còn lại trẻ vẫn phát triển trong môi trường gia đình. Và gia đình cũng không thể phó mặc chuyện nuôi dạy con cho nhà trường, mà cần phối hợp với nhà trường trong việc nuôi dạy con cái.

Cha mẹ, người chăm sóc phần lớn không được đào tạo kiến thức nền về nuôi dạy trẻ em. Họ sử dụng kiến thức tự gom nhặt từ nhiều nguồn khác nhau: học hỏi kinh nghiệm nuôi con mà ông bà, người đi trước để lại; từ các sách về nuôi dạy con; từ các trang mạng xã hội, các hội nhóm của các cha mẹ tạo ra nhằm chia sẻ kiến thức, tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người trong kỹ năng nuôi dạy con; từ các khóa học ngắn hạn được quảng cáo;…

Kinh nghiệm có thể đúng, có thể sai, kiến thức chắp vá, không hệ thống khiến cho cha mẹ hoang mang, loay hoay, sử dụng phương pháp chồng chéo,… Thực tế đó cho thấy, công tác hỗ trợ, các lớp học dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ đang là nhu cầu bức thiết của xã hội.

Cũng bởi vậy, khoảng mấy năm gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều "chuyên gia tự phong" quảng cáo các khóa học làm cha mẹ diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Việc lan tỏa kiến thức nuôi dạy con đến cộng đồng là điều rất cần thiết, giúp cho cộng đồng nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, phụ huynh cần tỉnh táo trong hành trình gom nhặt kiến thức nuôi dạy con, bởi không ít chuyên gia, chương trình đào tạo hoàn toàn không có được sự thẩm định của cơ quan chuyên môn, đôi khi họ cũng bị trả giá bởi càng tham gia càng phải đóng nhiều chi phí dẫn tới cảm giác như bị "lừa gạt".

Với người chăm sóc trẻ thay thế tại gia đình, phần lớn họ là những người hết tuổi lao động, hoặc người không có trình độ, không có điều kiện kinh tế nên nhận công việc chăm sóc em bé để có thu nhập. Vốn dĩ họ không được đào tạo, mà chỉ sử dụng kinh nghiệm cá nhân, sự hướng dẫn của cha mẹ em bé để áp dụng. Điều đó tạo ra lỗ hổng rất lớn về chất lượng nhân lực tham gia quá trình nuôi dạy trẻ.

Từ thực trạng trên, các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm bồi dưỡng cần quan tâm mảng giáo dục kiến thức cho cha mẹ, người chăm sóc, tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo ngắn hạn để cha mẹ, người chăm sóc có nhiều nguồn học hỏi. Ngoài ra, những chuyên gia trong lĩnh vực này không chỉ có trách nhiệm giảng dạy trên giảng đường, nghiên cứu đề tài, mà còn cần tham gia quá trình đưa kiến thức đến cộng đồng bằng các kênh khác nhau giúp cha mẹ, người chăm sóc trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận với những kiến thức khoa học mới.

Thay đổi để thích ứng

Song song hiện trạng đó, công nghệ, mạng xã hội len lỏi vào mọi ngóc ngách trong đời sống của trẻ, khiến cha mẹ càng khó có thể trở thành bạn với con.

Dễ nhận thấy, thao tác của trẻ với công nghệ rất nhanh, trẻ có thể chưa học chữ nhưng vẫn có thể tìm được trò chơi game, video YouTube, bài hát,… mà trẻ thích. Thậm chí, thao tác còn thuần thục và nhanh hơn người lớn. Điều này trẻ học được thông qua sự chủ động quan sát, bắt chước người lớn. Phản ứng của cha mẹ với hành vi này của trẻ có hai xu hướng.

Một là, khen con thông minh, giỏi, tự hào về con và có biểu hiện "khoe thành tích" của con về việc con sử dụng các thiết bị công nghệ với cộng đồng. Điều này dẫn đến hệ lụy cho đứa trẻ như: ảnh hưởng đến khả năng thị giác, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, khả năng tương tác xã hội, kỹ năng tự phục vụ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa,... khiến rất nhiều trẻ sau đó phải đi can thiệp sớm tại các cơ sở can thiệp. Theo số liệu khảo sát được tại Công ty TNHH Giáo dục OED, 80% số trẻ đến can thiệp tại đây từng có thời gian dài tiếp cận quá nhiều với ti-vi, điện thoại. Trong phác đồ can thiệp với những trẻ này, bước đầu tiên chuyên gia cần làm là giúp phụ huynh nhận ra sai lầm của mình khi cho con tiếp cận quá nhiều với công nghệ và đưa biện pháp "cắt" công nghệ trong sáu tháng hay một năm để tập trung can thiệp theo phác đồ.

Đứng trước những hậu quả trên, nhiều phụ huynh nhận ra sai lầm của mình, họ tìm cách khắc phục nhưng đương nhiên gặp phải nhiều khó khăn trong hành trình "cai nghiện công nghệ" cho con mình.

Hai là, kiên quyết không cho con xem ti-vi, điện thoại nhiều. Họ không tẩy chay mà cho con tiếp cận công nghệ có kiểm soát, có chọn lọc, có sự đồng hành của người lớn. Họ là những bậc cha mẹ có kiến thức về nuôi dạy con. Họ biến công nghệ trở thành phương tiện để giáo dục con hiệu quả. Những đứa trẻ trong môi trường gia đình như vậy sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên, số lượng cha mẹ thuộc xu hướng này rất hiếm.

Với trẻ dưới một tuổi, có thể cho con tiếp cận công nghệ 30 phút mỗi ngày, chia nhỏ thời gian, có sự hướng dẫn của người lớn. Với trẻ một, hai tuổi, có thể cho con tiếp cận công nghệ khoảng 45 phút/ngày. Với trẻ hơn hai tuổi, có thể cho con tiếp cận công nghệ khoảng 60 phút/ngày, và luôn theo nguyên tắc chia nhỏ thời gian, có người lớn đồng hành và tập trung vào các nhiệm vụ giáo dục. Không nên để trẻ chơi tự do, không nên để trẻ chơi với lượng thời gian dài. Với trẻ lớn hơn, thời lượng sử dụng có thể khó kiểm soát hơn, do đó, phụ huynh có thể lựa chọn đồng hành cùng con khi tiếp cận với công nghệ, mạng xã hội, và tăng các hoạt động tương tác với môi trường bên ngoài để phân tán sự chú ý, đồng thời cho các bạn nhận biết được những giá trị chung quanh, tích lũy được kinh nghiệm, nhận định được đúng sai. Sau đó, mang lớp "màng lọc" đó chống chọi với những tác hại trực tuyến và trực tiếp.

Công nghệ không hoàn toàn xấu đối với trẻ, mà luôn có hai mặt. Chúng ta cần học hỏi kiến thức nuôi dạy con, lựa chọn những chương trình giáo dục hữu ích, phù hợp với độ tuổi để giáo dục con.