“Hoa đỏ” ở Liêng Bông

Mùa này, suối Đạ Gôrl không ngưng tụ như nghĩa tên gọi, hiền hòa chở con nước tắm mát buôn làng Liêng Bông, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Trong ngôi nhà được ví như “biệt thự” giữa buôn, ông Kơ Să Ha Tin nói chắc nịch: “Xưa tham gia chống Fulro, làm du kích bảo vệ buôn làng, nay phải chung tay xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp. Mình đảng viên, phải làm được dân mới tin”.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thôn Liêng Bông.
Một góc thôn Liêng Bông.

Liêng Bông (từ gốc có thể là Liêng Vông), theo cắt nghĩa của tộc người Cơ Ho Cil nơi đây chính là thác nước chảy trong hang. Nhưng biến âm “Bông” cũng có điều thú vị. Ông Ha Tin hình tượng, xứ này có quả đồi như hình bông hoa, nên gọi Liêng Bông lại đẹp. Và, Ha Tin chính là “hoa đỏ” ở vùng quê cách mạng mang huyền sử “nước mắt” - Đạ Nhim.

Xuôi Quốc lộ 27C nối phố hoa Đà Lạt và phố biển Nha Trang, tôi đến thôn Liêng Bông để được nghe câu chuyện thương binh Ha Tin, cựu du kích, người tham gia trong mặt trận đấu tranh tư tưởng, kêu gọi những người con buôn làng lầm đường, lạc lối trở về con đường sáng, góp phần xóa “bóng ma” Fulro trên vùng đất nam Tây Nguyên; tấm gương mẫu mực trong phong trào thi đua sản xuất giỏi, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tại huyện Lạc Dương.

Đã qua 67 mùa rẫy, Ha Tin vẫn tinh anh như con nai rừng. Ông bảo: “Chuyện gần 50 năm rồi, nhưng không quên gì đâu. Kể cả những con đường mòn băng rừng, lội suối một thời. Tuổi trẻ hăng lắm, không sợ gì”.

Sinh ra ở xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, nhưng tuổi thơ của Ha Tin lại gắn bó với phố thị Đà Lạt. Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa trong buôn làng, Ha Tin say mê với con chữ nên đành rời xa cha mẹ lên phố núi học chữ. Thuở đó, ở nhiều buôn làng nam Tây Nguyên, được học đến cấp 2, biết con chữ như Ha Tin khá hiếm. “Nhờ biết chữ nên mình được công an, bộ đội kêu gọi tham gia đội công tác xây dựng “pháo đài” tư tưởng chống Fulro, rồi làm du kích. Khi quê hương yên bình, mình được tín nhiệm làm nhiều vị trí trong xã”, Ha Tin nói.

Năm lên mười tám, Ha Tin bắt đầu khoác súng, cùng đồng đội ngày đêm lau lách giữa những cánh rừng, đến những buôn làng ở Lạc Dương, khu vực Đầm Ròn (thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng ngày nay), núi Voi (huyện Đức Trọng) để tiếp cận tuyên truyền, vận động những gia đình có con em “lạc lối”, theo tổ chức phản động Fulro ra hàng. Nhờ những chuyến đi đó, năm 1978, Ha Tin tròn 21 tuổi, có duyên gặp được Kon Sơ K’Soai, cô gái trồng rừng và được sơn nữ “bắt” về vùng quê bên suối Đạ Gôrl.

“Già bị thương lúc nào?” - tôi gợi chuyện. “Thời tham gia chống Fulro ở vùng Killplagnol Hạ, thuộc Lạc Dương ngày nay. Trong lần mình chỉ huy tuần tra thì bị Fulro phục kích, xả súng. Mình bị bắn xuyên má, gãy xương bả vai, thương binh 4/4. Trận đó tưởng như nằm lại rừng Yàng rồi chớ, may nhờ bộ đội cứu”, già Ha Tin kể.

“Hoa đỏ” ở Liêng Bông ảnh 1

Ông Ha Tin và trưởng thôn Liêng Bông lần giở những trang tài liệu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong những lần tham dự hội thảo.

Khoảng thời gian sau giải phóng, lực lượng của tổ chức phản động Fulro bắt đầu hoạt động mạnh tại khu vực Tây Nguyên. Chúng tìm cách lôi kéo bà con đồng bào dân tộc thiểu số vào chốn rừng sâu tổ chức chống đối, phá hoại chính quyền. Ha Tin thì không, ông “có chữ”, hiểu biết “trắng, đen” nên tham gia lực lượng bảo vệ sự bình yên của buôn làng. Năm 1979, ông còn được phân công nhiệm vụ “xóa mù chữ” cho bà con trong vùng, cán bộ quản lý lao động ở Killplagnol Hạ. “Mình biết chớ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến cuộc sống đồng bào mình, chỉ đường dẫn lối làm ăn nên quyết tâm theo cách mạng. Với những người đã nghe xúi giục, chống lại cuộc sống hòa bình, ấm no của dân tộc, mình phải quyết tâm thu phục, khuyên họ trở về con đường sáng”, Ha Tin nói.

Khi “bóng ma” Fulro lùi vào vùng tối, tiếng súng thưa dần trên miền đất Tây Nguyên, Ha Tin làm Chánh văn phòng xã Đạ Chais (cũ), khi chưa tách thêm xã Đạ Nhim ngày nay. Năm 1986, ông vinh dự được tuyên thệ dưới cờ Đảng vinh quang. Năm 1990, ông được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch xã, sau đó đươc bầu là Chủ tịch Mặt trận xã Đạ Nhim. “Năm 2008, mình nghỉ việc ở xã, về vui thú với nương rẫy. Xưa chống Fulro được rừng che chở, máu cũng đổ rồi. Cái đó không nói nữa. Giờ trả ân tình của rừng, kêu gọi buôn làng bảo vệ, phát triển rừng; rồi tìm sinh kế để phát triển kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm cho dân làng”, già Ha Tin chia sẻ.

Ngồi lặng nghe chúng tôi chuyện trò, giờ cô trưởng thôn trẻ Kon Sơ Mi La mới lên tiếng. Mi La bảo: “Nói về bố chồng ngại lắm. Nhưng nói thật, bố Ha Tin là tấm gương sáng cho các con, từ cách nuôi dạy con cháu đến ý chí, quyết tâm, tìm phương thức làm ăn mới để vươn lên làm giàu”. Theo lời Mi La, cũng giống bao gia đình trong thôn, vợ chồng Ha Tin có 3 ha đất canh tác cà-phê. Nhờ nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi qua bạn bè, chuyên gia và từ những cuộc hội thảo ông được mời tham dự, vườn cà-phê gia đình ông luôn đạt năng suất, chất lượng vượt trội. Những mùa vụ được giá đã mang lại thu nhập cho gia đình tới 600 triệu đồng.

Không dừng lại ở trồng cà-phê, bởi Ha Tin lường trước vòng luẩn quẩn được mùa-mất giá. Ông bắt đầu tìm hiểu để chuyển một phần đất sang trồng laghim, hoa. “Chỉ trong 5 năm, đầu ra suôn sẻ mang lại thu nhập khá lắm. Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, thấy phát triển tốt, mình tận tình truyền kinh nghiệm cho bà con. Thấy nhà nhà khá lên, mình vui lắm”, già Ha Tin thổ lộ.

Xuôi ngược Liêng Bông bao lần, tôi từng trò chuyện cùng Cil Ju Ha Bia, Kon Sơ Ha Tăm... những người từng được Ha Tin truyền nghề trồng rau, hoa mà trở nên khá giả. Ha Tăm bảo: “Ông ấy là người có tiếng nói ở Liêng Bông mình. Ha Tin thường đi trước, làm trước, thành công mới chia sẻ với dân làng để cùng phát triển”.

Liêng Bông có 266 hộ, dân số hơn 1.560 người; sinh kế chủ yếu là canh tác cà-phê trồng xen cây hồng ăn quả, chanh dây, đậu, dâu tây... Nhờ biết tư duy làm ăn, đoàn kết phát triển, nên đời sống cư dân trở nên khấm khá. Thu nhập bình quân đầu người cũng tương đương của xã nông thôn mới Đạ Nhim. “Trong những lần họp dân bàn chuyện xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở, hay chuyện hiến đất làm đường... mình đều nhờ tiếng nói của bố Ha Tin nên mọi việc trở nên suôn sẻ. Gia đình bố đã tiên phong hiến 2 m ngang đất, chạy dài 40 m, phá dỡ hàng rào kiên cố để mở rộng đường làng”, trưởng thôn, đảng viên trẻ Mi La nói.

Trong ngôi nhà xây cách đây hơn 5 năm cạnh ngôi nhà truyền thống của gia đình, già Ha Tin dành một không gian trang trọng để treo những tấm ảnh gia đình, những bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nông dân thi đua sản xuất giỏi, gia đình cách mạng gương mẫu... để có điều kiện sẻ chia, giáo dục con cháu.

Chiều buông. Lũ trẻ cười sảng khoái trên lưng trâu, lùa đàn trâu mộng trở về. Ngược dốc Liêng Bông, tôi tìm đến trụ sở xã nông thôn mới đầu tiên của Lạc Dương. Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim Dơng Gur K’An xác tín: “Ông Ha Tin là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh của xã. Ông thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; gần dân, hiểu dân và được dân tin”.

“Hoa đỏ” ở Liêng Bông ảnh 2

Vợ chồng ông Ha Tin và con dâu-trưởng thôn Liêng Bông trước ngôi nhà của Ha Tin vừa tháo dỡ hàng rào để hiến đất làm đường liên thôn.

Chia tay miền đất chất chứa huyền thoại, đứng trên đồi Liêng Sang nhìn xuống, Liêng Bông tựa bông hoa rừng, như lời ví của già Ha Tin: Có niềm tin đất sẽ nở hoa.