Hình mẫu một NHÂN CÁCH

Những ngày này có bao nhiêu câu chuyện xúc động kể về một con người bình dị, khiêm nhường: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong ấn tượng, tình cảm của mọi người đều có nét chung, đó là nhân cách văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 (Hà Nội, ngày 15/12/2022). Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 (Hà Nội, ngày 15/12/2022). Ảnh: Trí Dũng

Tôi nhớ khi còn trong quân ngũ, các thủ trưởng dặn chiến sĩ mới như chúng tôi nhiều điều, trong đó điều được nhấn mạnh nhiều lần là: Đi dân nhớ, ở dân thương. Dân nhớ, dân thương đúng là vô giá.

Có được lòng dân, có được sức dân là có tất cả. Tiến trình lịch sử của dân tộc ta, của Đảng ta, nhân dân ta đã minh chứng điều đó như một chân lý. Đối với một con người, dù ở cấp nào có được sự yêu mến của nhân dân đó là vinh quang, đó là hạnh phúc. Đặc biệt khi ra đi còn để lại tiếng thơm trong lòng dân thì không có vinh quang nào lớn hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mãi trong lòng người dân Việt Nam là một nhân cách văn hóa lớn, với bạn bè quốc tế là tình cảm nồng ấm và thân thiện.

Trong số những cuốn sách ông để lại cho đời, tôi quan tâm nhất là cuốn: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Tôi khẳng định nếu không thật sự coi trọng văn hóa, tâm huyết với văn hóa không thể viết và nói được như thế. Sách không thiên về lý luận hệ thống, cao siêu nhưng sinh động, thiết thực bởi hơi thở cuộc sống. Có lẽ vì lý do này mà Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định: "Sách này là cẩm nang văn hóa". Trong các cuốn sách khác của ông, ta cũng dễ nhận thấy hơi thở của cuộc sống, nhịp đập của thực tiễn đời sống con người. Điều đặc biệt là ngay trong các cuốn sách khác ta cũng được thấy sự quan tâm của ông đối với văn hóa.

Như trong cuốn "Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước" (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2002, tái bản năm 2005), trang 210 có đoạn viết: "Văn hóa Việt Nam là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và thiên nhiên, được đúc kết từ cuộc sống và từ thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta qua hàng nghìn năm lịch sử, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại". Cũng trong cuốn sách này Tổng Bí thư khẳng định: "Nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hóa là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, coi trọng chính sách đầu tư cho văn hóa, đầu tư cho con người. Khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân tham gia phát triển và sáng tạo văn hóa, đồng thời được hưởng thụ văn hóa ngày càng nhiều hơn".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến văn hóa, nhất là văn hóa làm người. Cái chúng ta cảm nhận được hơi thở từ cuộc sống trong những bài viết của Tổng Bí thư về văn hóa còn phần nào được phản chiếu từ chính nhân cách văn hóa, đạo lý làm người của chính tác giả. Ai đã từng tiếp xúc, làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có cảm nhận về một tấm gương văn hóa. Có người đã viết mộc mạc rằng, chưa bao giờ thấy Nguyễn Phú Trọng to tiếng với ai.

Ngay khi góp ý cho cấp dưới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có cách nói nhẹ nhàng mà thấm thía. Có lần tôi báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội về văn hóa. Nghe xong báo cáo, ông vui vẻ cười: "Báo cáo của nhà văn hóa hay rồi, đầy đủ và khá chi tiết. Tuy nhiên, ông giám đốc văn hóa Hà Nội cho nhân dân Thủ đô nhiều quá! Trong báo cáo có viết: "Phát triển văn hóa Hà Nội phải nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân". Có thể thay chữ "cho" bằng chữ "của" được không? Đời sống là của người ta mà! Mình làm giúp người ta nhiều hay ít mà nói là cho như ban phát thì có nên chăng?". Góp ý nghiêm khắc, thấm thía mà cũng rất gần gũi, chân tình.

Ông trao đổi rất nhiều về văn hóa, nhưng điều tôi nhớ nhất là làm gì cũng phải lấy dân làm trọng. Nhân dân không đồng tình thì đừng vội làm. Trong ứng xử với người, với việc, trong gia đình, ngoài xã hội, ở mọi cương vị, kể cả cương vị cao nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện rõ nét một tấm gương sáng văn hóa vì dân. Bởi thế khi ra đi, ông có được tình cảm đặc biệt của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là tấm gương mẫu mực về văn hóa. Ông để lại mãi mãi cho cuộc đời này, cho nhân dân Việt Nam hình mẫu về một nhân cách văn hóa, một con người Việt Nam với tất cả sự trân trọng và ý nghĩa sâu xa của ngôn từ và cuộc sống con người.