Một cụ tóc bạc, chân mang tất khác mầu, tay ôm chặt trước ngực túi quà có in dòng chữ "Cộng đồng người Việt tại Nga", cùng lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Một ông cụ một tay vắt hai chiếc áo, tay kia cầm thêm một chiếc khăn quàng. Những em bé dong dỏng cao, đội mũ len mới, hớn hở trong những bộ quần áo tinh tươm, tụm năm tụm bảy trước ống kính máy quay. Tất cả đều nở nụ cười.
Hơn bốn năm nay, cứ sau mỗi chuyến đi thiện nguyện đến trại trẻ mồ côi, trại tị nạn hay bệnh viện, chị Trịnh Thị Thu Thanh lại gửi vào nhóm những hình ảnh kiểu thế. Bận tối mắt tối mũi ở Trung tâm thương mại Sadovod, mà người Việt tại Nga vẫn quen gọi "chợ Chim", song người phụ nữ này vẫn đều đặn cùng anh chị em quyên góp, nhận hàng, phân loại và tìm các trung tâm hỗ trợ xã hội để trực tiếp đến trao quà, hay liên hệ gửi đồ đến tận nơi. Họ cũng dành phần hỗ trợ những người Việt Nam còn khó khăn trên Xứ sở Bạch Dương.
"Tôi luôn tâm niệm rằng, người có thì chia cho người khó. Anh chị em cùng nhau gom góp, cùng chia sẻ, rồi mọi người kết nối và lan tỏa". Với suy nghĩ đó, chị Thanh cùng các anh chị em đã xây dựng nên một phong trào thiện nguyện gắn kết được cộng đồng người Việt ở Nga, từ sinh viên, người đi chợ, đến những chủ xưởng may, hay những doanh nghiệp lớn…
Là một trong những người tích cực nhất trong nhóm, mỗi lần có lịch đến các cơ sở để trao quà, anh Nguyễn Ngọc Hợi bỏ hết công việc để tham gia. Anh bày tỏ: "Làm thiện nguyện vì niềm vui nho nhỏ dành cho những phận đời khó khăn. Nhóm cũng làm vì hình ảnh Việt Nam, hình ảnh cộng đồng người Việt đã sinh sống và phát triển ở nước Nga hàng chục năm nay. Để những người chưa biết nhiều về người Việt, hoặc còn hiểu nhầm, sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn về những con người Việt Nam cần cù, chịu khó".
Chị Thanh, anh Hợi và những anh chị em khác được Trung tâm thương mại Sadovod cho mượn kho làm nơi tập kết hàng hóa. Ngoài việc tự quyên góp, nhóm cũng cùng nhau phân loại hàng nhận được từ những địa phương khác. Rồi sau đó, họ chuyển quần áo trẻ em đến trại trẻ mồ côi. Quần áo lớn hơn gửi trại tị nạn. Các nhu yếu phẩm khác, chăn ga, gối nệm ủng hộ bệnh viện. Những con người lầm lũi cả ngày ngoài chợ, quanh năm chỉ vài ba ngày nghỉ, nhưng luôn sẵn sàng có mặt để đưa những món quà nhỏ là tấm lòng của bà con người Việt đến tận tay những mảnh đời khó khăn.
Thỉnh thoảng, bản thân anh Hợi và nhiều anh em khác cũng cảm thấy chạnh lòng, khi một số người buông những lời khó nghe. "Nhưng chúng tôi chỉ im lặng, động viên nhau. Người ta không hiểu, nước Nga không phải nơi nào cũng đẹp và hoa lệ như ở Moscow. Có nhiều nơi còn khó khăn lắm. Cứ đi thử cùng chúng tôi một chuyến, họ tự sẽ cảm nhận được", anh Hợi nói.
Gia đình chị Trịnh My có xưởng may ở ngoại ô Moscow. Bốn người con "ăn cơm" nước Nga từ bé và lớn lên bên này. Qua lời giới thiệu của một người bạn, chị My mau chóng kết nối với nhóm và đề nghị gửi hàng trăm bộ quần áo để hỗ trợ các trại trẻ mồ côi hay bệnh viện. Với những phần quà nhỏ bé ấy, chị My mong muốn có thể đóng góp một ít công sức vào phong trào chung, để có thể phần nào trả ơn nước Nga. Nhận được từ nước Nga quá nhiều, chị cũng thừa nhận những cái mình gửi lại nước Nga chưa thấm vào đâu.
"Do tiếng Nga của mình còn hạn chế, không thì mình có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa. Mình có xưởng, có công nhân, cần hàng gì mình đều có thể đáp ứng. Cho đi phần đó, mình không nghèo đi được. Bán đi phần đó, mình không giàu thêm. Mình cũng kêu gọi các chủ xưởng may khác tham gia phong trào. Làm một việc tốt, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Mình cũng sẽ sống thanh thản hơn", chị My thổ lộ.
Chính những xưởng may của chị My, hay nhiều những xưởng may nữa của người Việt là nguồn lực lớn hỗ trợ phong trào thiện nguyện của cộng đồng người Việt tại Nga. Phong trào mạnh mẽ hơn từ khi lượng lớn người tị nạn từ Ukraine sơ tán sang Nga hồi đầu năm ngoái. Không chỉ quần áo, đồ dùng cá nhân, nhóm cũng tích cực huy động thực phẩm gửi đến các trại tị nạn để hỗ trợ dân thường. Tấm lòng của cộng đồng đã được các cơ sở ở Nga đón nhận. "Các bạn không chỉ giúp đỡ, mà còn trao tặng niềm vui, niềm hy vọng, giúp con người tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này", một cơ sở hỗ trợ xã hội bày tỏ biết ơn chân thành đến cộng đồng người Việt vì những suất quà dành cho người tị nạn từ Ukraine.
Không biết bao nhiêu tải hàng đã đến tay những người Nga cần giúp đỡ. "Tính ra thì nhiều lắm, nhưng kể để làm gì. Vì mọi người cho đi và không mong nhận lại. Mọi thứ đều xuất phát từ tâm", chị Thanh bảo. Chưa hết, có lẽ sự nhanh nhạy trong làm ăn buôn bán cũng đã ngấm sang cả những hoạt động thiện nguyện. Vừa qua, ngay sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cộng đồng người Việt tại Nga đã mau chóng quyên góp, hỗ trợ các nạn nhân vụ động đất. Với những thùng hàng in cờ Việt Nam, hoạt động thiện nguyện theo đó đã vươn ra khỏi lãnh thổ nước Nga rộng lớn.
Sau nhiều năm, phong trào thiện nguyện của cộng đồng người Việt ở Nga đã trở thành điểm sáng, là địa chỉ tin cậy cho cả những người nước ngoài tham gia. Các chương trình đã đều đặn hơn và có mặt ở ngày càng nhiều khu vực tại Nga. Từ đầu, những suất quà chỉ là tự phát, do những người Việt Nam tự tay chuẩn bị, hay một nhóm anh em, bạn bè mang tặng. Nhưng khi lớn mạnh, phong trào đã thống nhất in tên "Cộng đồng người Việt tại Nga" lên mỗi thùng hàng. Nhìn vào những tải hàng xếp chồng lên nhau, những lá cờ đỏ sao vàng ngay ngắn, mọi người như được tiếp thêm sức lực. Đó là sự tri ân dành cho nước Nga, nơi đã mang lại điều kiện vật chất, cuộc sống đủ đầy cho nhiều người Việt, nơi đã giúp không biết bao nhiêu công nhân lao động phát triển, để giờ có thể làm chủ, cũng là nơi mang lại tương lai cho những thế hệ trẻ Việt Nam còn học tập và tiếp tục trưởng thành.
Trong mỗi chuyến đi thiện nguyện, các em nhỏ Việt Nam học được vô số điều. Với người lớn, đó là cách để các thế hệ trẻ cảm nhận tinh thần cộng đồng, tinh thần dân tộc, để các em không cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Nhóm cũng kết hợp chương trình cùng những tổ chức xã hội của Nga, đại diện những tôn giáo khác ở Nga. Giữa không gian pha trộn nhiều sắc mầu dân tộc, tôn giáo khác nhau, nơi chỉ có tình yêu và sự sẻ chia, tiếng nói Việt Nam, hình ảnh Việt Nam, sự tri ân của người dân Việt Nam được người Nga đón nhận. Nơi đó, hai tiếng Việt Nam nghe thật gần gũi, thân thương.