BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Hạnh phúc là được cống hiến và yêu thương trọn vẹn

Những ngày xuân ấm, Thầy thuốc Ưu tú (TTƯT) Trần Tựu, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam nhận được một bức thư được gửi đến từ những người dân biên giới của huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, Lào. Bức thư lời lẽ mộc mạc, bày tỏ sự cảm ơn của các bản nhỏ giáp biên sau gần một năm được tặng hàng trăm đàn ngan giống hiện đã cho thu nhập và bắt đầu nhân thêm hàng chục đàn mới. Là một cán bộ trưởng thành từ chiến khu Lộc Ninh - Bình Phước, trải qua nhiều thăng trầm với sứ mệnh tạo ra những viên thuốc chữa bệnh, cứu người, người thầy thuốc vị tha, nhẫn nại nhưng vô cùng nhạy bén, kiên định ấy đã luôn đau đáu theo đuổi phương châm mang lại hạnh phúc cho mọi người bằng sự tận hiến và yêu thương.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu thăm hỏi bà con gia đình thương binh, liệt sĩ ở Củ Chi.
Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu thăm hỏi bà con gia đình thương binh, liệt sĩ ở Củ Chi.

1/Cuối năm 2023, TTƯT Trần Tựu đưa chúng tôi đi thăm lại chiến khu xưa. Là một cậu bé mồ côi ham học, từ đồng đất chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, Trần Tựu đã thi đỗ vào Trường đại học Dược Hà Nội. Năm 1971, vừa tốt nghiệp ra trường, dù gia đình đã có anh trai đang đi B, song Trần Tựu vẫn tình nguyện vào phục vụ cho chiến trường miền Nam. “Khi đang học tại trường Dược, cũng là lúc Bác Hồ mất. Lứa sinh viên chúng tôi ngày đó ai cũng khóc và chép trong sổ tay lời Bác dặn, đại ý: Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Và lời dạy đó đã giúp tôi vượt qua gian khổ trong những ngày công tác, chiến đấu”, ông bùi ngùi nhớ lại.

Đứng nơi thềm Khu di tích Bệnh viện Lộc Ninh, TTƯT Trần Tựu cho biết, nơi đây, năm 1973, để có cơ sở an dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục nghìn đồng bào, đồng chí được trao trả theo Hiệp định Pari, Trung ương cục miền Nam đã gấp rút cho xây dựng Bệnh viện Ban Đón tiếp tại vùng giải phóng Lộc Ninh. Sau hai năm miệt mài làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ ở các khu căn cứ Tây Ninh, Bình Phước, Long An…, người dược sĩ trẻ đó được phân công làm Trưởng khoa Dược. Ông cùng đồng đội đã làm việc quần quật ngày đêm, chỉ ăn có rau rừng, cơm độn và muối quẹt để nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại dịch truyền mặn, ngọt, pha chế các loại thuốc tiêm, vitamin và một số loại thuốc cảm cúm, thuốc trị đường ruột và vaccine ngừa tả… cung ứng đầy đủ cho một bệnh viện và bảy trạm y tế.

Dược sĩ Lê Kiên, một trong những cán bộ ngày đó tự hào nói: “Chúng tôi chỉ có đôi tay, vài vỏ thùng đạn và một khoảnh rừng để tạo phòng pha chế dã chiến. Anh Tựu hướng dẫn chúng tôi đào sâu dưới đất gần 2 m, lấy nylon căng kín tường hầm và bao trùm lên mái, dưới sàn lót gỗ và đặt một chiếc bàn pha. Dụng cụ pha là bình thủy tinh mua ở trị trấn Lộc Ninh, dụng cụ lọc bằng dù pháo sáng Mỹ vì nó mỏng và mịn, gấp lại nhiều lần và quấn vào đuôi của xilanh tiêm, dùng phương pháp chân không để đưa nước vào lọc, sau đó đóng vào vỏ các chai thuốc cũ được rửa sạch, hấp tiệt trùng, dùng dây thun quấn chặt rồi hấp tiệt trùng một lần nữa. Trong suốt chừng ấy năm, thuốc và dịch truyền của chúng tôi không hề xảy ra bất cứ sự cố nào”.

Những ngày tiếp quản Sài Gòn - Gia Định, Trần Tựu được giao phụ trách tiếp quản 30 cơ sở bào chế dược vắng chủ của chính quyền cũ. Trưa ngày 30/4, ông cùng các cán bộ của Ban Dân y Trung ương Cục từ vùng chiến khu Tây Ninh được lệnh hành quân. Suốt mấy tháng ròng rã, từ sáng sớm tới tận khuya, ông cùng cộng sự kiểm tra thực trạng các cơ sở rồi làm báo cáo, ngày nối ngày cùng đồng nghiệp thức tới nửa đêm để hoàn chỉnh hồ sơ, lên phương án thay đổi tên gọi, quy trình quản lý. Những nhân viên là người của chế độ cũ từ nghi ngại, e dè, qua quá trình chứng kiến cán bộ giải phóng làm việc đã nể phục và tin tưởng hơn, nhiệt tình giúp đỡ, giải thích cặn kẽ mọi phương pháp, kỹ thuật bào chế thuốc tiên tiến nhất. Công tác tiếp quản hoàn thành, UBND Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm ông làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9.

2/Đất nước mới thống nhất, bị cấm vận nhiều mặt, nguyên liệu sản xuất dược phẩm thiếu trầm trọng khiến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ảnh hưởng lớn. Trong bối cảnh đó, dược sĩ Trần Tựu đã cùng các cán bộ của mình đi các tỉnh để trực tiếp nghiên cứu các loại cây dược liệu bản địa nhằm đưa vào sản xuất một số loại thuốc. Ông cùng GS Đặng Hồng Vân và TS Phan Quốc Kinh đã nghiên cứu chiết xuất thành công chất berberin từ cây vàng đắng làm thuốc chữa bệnh lỵ và bệnh đường ruột rất hiệu quả. Những năm sau, thêm nhiều sản phẩm khác ra đời từ xí nghiệp như sản phẩm Phytol chữa các bệnh về gan chiết xuất từ hoa atiso; sản phẩm betasiphon có công dụng lợi tiểu chiết xuất từ cây râu mèo; một số cây tinh dầu được bào chế thành dầu gió…

Do điều kiện giao thông khó khăn, thuốc không đủ cung ứng cho thị trường phía bắc nên sau nhiều ngày đắn đo, dược sĩ Trần Tựu đã xin ý kiến hai nhà nghiên cứu cùng Ban giám đốc và đi đến quyết định sẽ chuyển giao công thức cho các đơn vị trong cả nước để bảo đảm nguồn thuốc chữa bệnh. “Khi đó chúng tôi chỉ nghĩ, sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết. Mọi nghiên cứu là để phục vụ nhân dân chứ không nghĩ giữ bản quyền của riêng mình để thu lợi hay khoe khoang công lao”, TTƯT Trần Tựu nói. Đặc biệt, từ công thức được chia sẻ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, ông đã nghiên cứu, ứng dụng thành công “Dây chuyền sản xuất Dầu cao Sao Vàng xuất khẩu”, đạt sản lượng chiếm 50% của cả nước, trở thành nguồn cung ứng chủ lực xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu, thu về một nguồn ngoại tệ lớn và đổi một số mặt hàng nguyên liệu thiết yếu khác để góp phần kiến thiết quốc gia.

Tháng 7/1983, dược sĩ Trần Tựu vinh dự trở thành một trong bốn giám đốc xí nghiệp năng động, sản xuất kinh doanh hiệu quả được đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ định báo cáo tại “Sự kiện Đà Lạt”, sự kiện được coi là “cú huých” trọng điểm đến công cuộc đổi mới.

Những năm sau này, cùng với tiến trình đổi mới, dược sĩ Trần Tựu được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Liên hiệp Các xí nghiệp Dược TP Hồ Chí Minh. Đến năm 1990, ông được điều động về Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới tại Liên hiệp Các xí nghiệp Dược Việt Nam. Bằng bản lĩnh, sự tận tụy và cầu thị của mình, ông đã huy động được trí tuệ tập thể, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, xây dựng và triển khai thành công Đề án chuyển Liên hiệp Các xí nghiệp Dược thành Tổng công ty Dược Việt Nam và đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc. Với cơ cấu tổ chức mới linh hoạt, thích ứng với tình hình chung, Tổng công ty Dược Việt Nam đã thật sự là điểm tựa cho các doanh nghiệp thành viên, tạo nên sức liên kết ngành và chuỗi giá trị ngành lớn. Gần 50% tổng giá trị thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước, không để xảy ra tình trạng độc quyền, lũng đoạn thị trường thuốc và từng bước ngăn chặn vấn nạn thuốc giả. Ông được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý TTƯT vì đã có cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

3/Khi đến tuổi nghỉ hưu, năm 2005, người thầy thuốc, nhà khoa học bền chí, năng động đó đã tiếp tục đầu tư xây dựng một doanh nghiệp sản xuất - cung ứng thuốc mang tên Công ty cổ phần dược phẩm Savi. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tiên của ngành dược Việt Nam, đã nghiên cứu, sản xuất 250 sản phẩm thuốc thuộc các nhóm thuốc đặc trị ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao. Nhiều sản phẩm đã được xuất sang các nước châu Âu và Nhật Bản. TTƯT Trần Tựu cũng chỉ đạo trích doanh thu hằng năm cho các hoạt động an sinh xã hội. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, công ty đã tài trợ hơn 15 tỷ đồng cho các hoạt động chống dịch, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, tặng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách cùng nhiều mô hình sinh kế, tủ thuốc thôn bản, nhà trường… cho khu vực biên giới, biển đảo.

Ông tâm niệm: “Ngành dược gắn liền với các dược phẩm và thuốc, giúp bảo vệ sức khỏe con người. Là một dược sĩ, tôi luôn đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để hiểu những bất an và nỗi đau xót của họ khi không có đủ tiền mua thuốc điều trị… Vì thế, tôi luôn nghĩ mình cần phải nỗ lực hơn để có được những sản phẩm thuốc hiệu quả, giá thành phải chăng và mang thương hiệu Việt Nam đến cộng đồng”. Người dược sĩ luôn lặng lẽ, khiêm cung ấy đã cùng các thế hệ thầy thuốc cách mạng Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân với chất lượng tốt nhất và giá thành tiết kiệm nhất.