Hành động sớm, để ứng phó biến đổi khí hậu

Năm 2023, những tác động của hiện tượng khí hậu El Nino nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung đã gây ra nhiều thiệt hại về người, cũng như đối với nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tại thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tưới tiết kiệm nước để ứng phó với khô hạn. Ảnh: TTXVN
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tại thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tưới tiết kiệm nước để ứng phó với khô hạn. Ảnh: TTXVN

Mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp ứng phó. Các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm bớt thiệt hại.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của El Nino vẫn vô cùng lớn. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).

Tại chương trình tọa đàm "Dấu ấn phòng, chống thiên tai năm 2023", ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong năm 2023, nước ta đã xảy ra hơn 1.100 trận thiên tai với 21 trong số 22 loại hình thiên tai. Có một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng); sạt lở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng); mưa lớn gây lũ quét tại Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai); ba đợt mưa lớn tại miền trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11...

Chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Hồ Khánh nhìn nhận: Trong hơn 60 năm, biến đổi khí hậu ở khu vực miền núi phía bắc phản ánh khá rõ thông qua sự gia tăng nhiệt độ, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá. Biến đổi khí hậu dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh với mức tăng nhiệt độ trung bình năm là khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến trong khoảng 6-12%. Đặc biệt là sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, ngập lụt. Nguy cơ sạt lở đất đá cao nhất là ở tỉnh Điện Biên, tiếp đến là tỉnh Lai Châu, tỉnh Sơn La, Yên Bái…

Trong khi đó, dự báo tác động của El Nino đối với Việt Nam sẽ gia tăng vào đầu năm 2024, dẫn đến mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng khốc liệt hơn, hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra trên diện rộng vào thời kỳ này.

Thích ứng nhằm phát triển bền vững

Đến nay, hơn 110 quốc gia trong đó có Việt Nam, đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hơn 105 quốc gia cam kết giảm phát thải methane 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết, biến đổi khí hậu dự báo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và hiện tượng khí hậu cực đoan dự đoán sẽ tiếp tục xảy ra với cường độ và tần suất cao hơn.

Theo các chuyên gia, trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thế giới đã sử dụng cơ bản hai loại phương pháp: giảm nhẹ (Mitigation) và thích nghi (Adaptation). Mitigation là phương pháp làm giảm sự tăng của CO2 và nhiệt độ Trái đất. Phương pháp này không thể kỳ vọng kết quả cụ thể, ngay cả khi đã đầu tư một lượng kinh phí lớn. Vậy nên, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27), xu hướng toàn cầu đã chuyển sang phương pháp thích nghi. Đây là phương pháp chấp nhận sự tăng của CO2, nhiệt độ và phát triển biện pháp phòng, chống thiên tai, quản lý lưu vực; một trong những chiến lược hiệu quả nhất thuộc nhóm thích nghi.

Chính vì vậy, để thích ứng biến đổi khí hậu thời gian tới, ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Đông Á cho rằng: Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên thiên nhiên, sang nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thay đổi trong các chính sách, chiến lược, công nghệ, đầu tư và hành vi của người dân. Do đó, cần có nhiều nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất mô hình giúp sức cho Chính phủ có những chính sách, giải pháp khoa học, thực tiễn và hiệu quả… "Chỉ có sự đồng lòng, đồng thuận từ đa ngành, đa lĩnh vực, mới có thể tạo ra tác động tích cực và bền vững trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu", ông Sâm nhấn mạnh.

Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Hồ Khánh đề xuất, Nhà nước cần tập trung vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tính đến biến đổi khí hậu; giảm rủi ro thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng chống chịu…

Cùng đó, cần thiết xây dựng Luật Biến đổi khí hậu trong thời gian tới, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan để khuyến khích chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế xanh và carbon thấp.

Điều quan trọng nữa, "cần hành động sớm để ứng phó thiên tai, thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt", ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai lưu ý thêm.

Mặt khác, tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ngày càng sát với thực tế, hiệu quả. Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ nên xem xét hình thành bộ máy tổ chức chuyên trách về ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương, tăng mức phân bổ ngân sách Trung ương để triển khai dự án, chương trình bảo vệ môi trường.