Nút thắt liên kết vùng
Những năm gần đây, Bình Phước đang là điểm đến của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới. Trên địa bàn tỉnh có 346 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD. Thu hút đầu tư trong nước cũng tăng hằng năm.
Từ chỗ vắng bóng khu công nghiệp, đến nay Bình Phước đã có 15 khu (trong đó có hai khu nằm trong khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích hơn 6.000ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình 71,5%. Có tám khu đạt tỷ lệ đến hơn 90%. Tiêu biểu là Khu công nghiệp Becamex-Bình Phước (thị xã Chơn Thành), sau bốn năm triển khai đã thu hút được 49 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chia sẻ: Phát triển công nghiệp đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách. Từ một tỉnh khó khăn, thuần túy nông nghiệp, Bình Phước đang phát huy sức trẻ để vươn lên.
Đánh giá về môi trường đầu tư, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng: "Khi triển khai dự án, những vướng mắc về thủ tục pháp lý được lãnh đạo tỉnh Bình Phước phối hợp giải quyết kịp thời; an ninh ở đây cũng rất bảo đảm. Nhờ đó, tổ hợp nhà máy chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu hiện đại và lớn tại Việt Nam tại Bình Phước với vốn đầu tư 250 triệu USD chỉ hoàn thành sau hai năm triển khai. Vừa qua, lô hàng 33,6 tấn thịt gà chế biến được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục chinh phục các thị trường quốc tế khác".
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cũng là địa phương có diện tích lớn nhất miền Đông Nam Bộ, có diện tích cây cao-su, cây điều lớn nhất cả nước, là tiềm năng to lớn để tỉnh phát triển các lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ, nông sản… Đây là những điều kiện lý tưởng để thu hút các nhà đầu tư.
Có tiềm năng, tuy nhiên Bình Phước đang đối mặt những "rào cản" lớn để có thể cạnh tranh với các địa phương giáp ranh khác như Đồng Nai, Bình Dương trong thu hút đầu tư. Đặc biệt, nút thắt về hạ tầng giao thông là thách thức lớn đã được nhìn nhận. Thí dụ, trong khi nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai muốn mở rộng sản xuất và đặt nhà máy gia công tại Bình Phước, nhưng hiện nay, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai chưa có tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa hai tỉnh, với cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cũng vì cảnh "gần nhà, xa ngõ", chi phí logistics, thời gian vận chuyển gia tăng, khiến các nhà đầu tư không mặn mà.
Tìm cách thu hút nhà đầu tư chiến lược
Ở khu vực phía bắc, trong vài năm trở lại đây, thị xã Quảng Yên là điểm sáng trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các khu công nghiệp như: Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Amata đang tích cực thực hiện giai đoạn giải phóng mặt bằng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Số lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt hơn 9.400 lao động. Giá trị sản xuất tại các khu công nghiệp đạt 9.486 tỷ đồng, chiếm 88% tổng giá trị ngành công nghiệp, tăng 73,5% so cùng kỳ năm 2021.
Riêng Đông Mai là khu công nghiệp đồng bộ nhất về hạ tầng và tỷ lệ lấp đầy cao nhất của tỉnh, đạt 81%. Với tổng diện tích quy hoạch 168ha, đến nay khu công nghiệp này đã thu hút được 23 dự án thứ cấp (bao gồm 22 dự án FDI). Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải- Foxconn (trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu) đang có kế hoạch mở rộng quy mô dự án trong giai đoạn 2023-2024 để nâng công suất hoạt động của nhà máy. Còn Tập đoàn Amata (Thái Lan) chọn Quảng Yên để thực hiện dự án thứ ba của mình tại Việt Nam là Amata City Hạ Long, với tổng vốn đầu tư gần hai tỷ USD…
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long Nguyễn Văn Nhân, Quảng Yên có lợi thế của "người đi sau", khi có hạ tầng tốt, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, quỹ đất rộng, gần cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng)… Ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu tại Quảng Ninh, đã xác định Amata City Hạ Long là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam, xét cả về quy mô diện tích lẫn vốn.
Còn Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng chia sẻ: Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo hay hậu cần, việc tìm kiếm địa điểm gần cảng biển, cảng hàng không và các tuyến đường cao tốc để đặt nhà máy, kho xưởng luôn là vấn đề ưu tiên. Việc này sẽ đáp ứng khả năng tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế cũng như hỗ trợ cho hoạt động xuất-nhập khẩu và tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
Thống kê từ Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho thấy, tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 153 dự án FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 91 dự án tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,36 tỷ USD (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng). Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh hiện phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa, thiếu nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò dẫn dắt và là "cục nam châm lớn" thu hút mạnh các nhà đầu tư vừa và nhỏ.
Trách nhiệm đang đặt lên vai các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố, là làm sao phải phát huy hết tiềm năng các khu công nghiệp, tăng khả năng kết nối, thu hút được những tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư. Như Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên chia sẻ: "Để thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược từ các quốc gia khác, bên cạnh duy trì, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; đôn đốc và hỗ trợ các nhà đầu tư về hạ tầng, hoàn thiện kỹ thuật đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư".