Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn:

Giữ gìn, bồi đắp tinh chất của âm nhạc dân tộc

Dù đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung về chính sách, hoạt động bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn không dễ khắc phục, từ giải pháp lưu giữ không gian diễn xướng, chính sách ưu đãi nghệ nhân, đến phương thức đào tạo đội ngũ kế cận… Từ góc độ của một người am hiểu và tâm huyết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho rằng: Nếu cứng nhắc và chậm trễ, chúng ta sẽ càng thêm mất mát…
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn là tác giả của tập II thuộc bộ sách năm tập Âm nhạc Việt Nam: tác giả-tác phẩm, một công trình của Viện Âm nhạc; là chủ biên của công trình Vấn đề nghiên cứu âm nhạc dân tộc học Việt Nam (Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2016)-một trong tám tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng, năm 2017.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toàn là tác giả của tập II thuộc bộ sách năm tập Âm nhạc Việt Nam: tác giả-tác phẩm, một công trình của Viện Âm nhạc; là chủ biên của công trình Vấn đề nghiên cứu âm nhạc dân tộc học Việt Nam (Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2016)-một trong tám tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng, năm 2017.

Bảo vệ các không gian văn hóa

- Trước tiên, ông có thể chia sẻ về nguyên do dẫn đến sự gắn bó của ông với nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân gian dân tộc?

- Tôi được sinh ra ở một làng quan họ Bắc Ninh. Bố tôi là một nghệ nhân quan họ. Từ nhỏ, thấy các nhà nghiên cứu âm nhạc về thu âm giọng hát của bố và trò chuyện nhiều với ông, tôi thích lắm, cứ ước mơ sau này được đi học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (tên ban đầu của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay-PV). Nhưng đến lúc đủ tuổi để đi học nghệ thuật được thì tôi bị "nhấc" luôn vào Đoàn quan họ Bắc Ninh, có lẽ là vì giọng hát của tôi. Tôi còn nhớ rõ là những năm 1970-1971, tôi được cử đi hát phục vụ hội nghị, có may mắn được gặp nhiều người giỏi, như Giáo sư Lê Văn Hảo, chuyên gia về dân tộc học của nước ta, người đã dẫn tôi đi chơi Hội Lim và trò chuyện nhiều với tôi về vẻ đẹp của âm nhạc dân gian gắn liền với không gian văn hóa nơi sinh ra nó...

Do hoàn cảnh lúc bấy giờ còn chiến tranh, rồi nhiều lý do khác nữa, phải đến năm 1982, tôi mới chính thức đi học ở Trường Âm nhạc, khoa Lý luận-Sáng tác-Chỉ huy. Ra trường, tôi được cử vào tận Đắk Lắk, dạy ở Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, thế là tôi lại rơi vào một vùng văn hóa mới, nơi nuôi dưỡng những thanh âm, nhạc cụ, giọng điệu khác hẳn với quan họ...

- Ông nhắc nhiều đến vùng văn hóa, không gian văn hóa gắn liền với âm nhạc dân gian. Nhưng lâu nay, một số vùng văn hóa chứa đựng nhiều loại hình âm nhạc dân gian đã bị thu hẹp, thậm chí biến mất. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến việc gìn giữ vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc, thưa ông?

- Một đặc thù của âm nhạc dân tộc là sống cùng đời sống, có những sự dịch chuyển và thích ứng với hoàn cảnh, không gian sống hiện thời của con người. Một thí dụ: Ở làng Vạn An, thuộc tỉnh Bắc Giang hiện giờ, từng có một gia đình mà chỉ vì say mê quan họ, đã bán trâu để gây dựng nhóm hát, rồi tình cảm ấy dần lan truyền trong làng, thành làng quan họ Vạn An. Hai bên sông Cầu có thêm nhiều "làng quan họ". Nhất là sau khi quan họ được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật này được lan tỏa trong nhiều hội nhóm, câu lạc bộ trong và ngoài nước, cả trên không gian mạng. Giữa cảm hứng và sự lan tỏa chung ấy, sẽ tồn tại nhiều cách ứng xử khác nhau nhưng quan trọng nhất là sức sống của quan họ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai thật sự muốn trở lại với phần xa xưa hơn, phần tinh chất của nghệ thuật này. Lâu nay, ở làng Bựu (Tiên Sơn, Bắc Ninh), vốn được xem là nơi phát sinh sự tích quan họ, có một liền anh quan họ đã và đang tìm cách phục hồi một số hình thức, lối hát quan họ cổ xưa, rất đáng quý.

Có những loại hình âm nhạc diễn xướng dân gian mà khi không gian văn hóa sinh ra nó, bao chứa nó mất đi thì không cách gì có thể giúp nó sống được. Tại lễ hội, phần lễ bị thu hẹp, sinh hoạt cộng đồng đã đổi thay, một số loại hình âm nhạc, diễn xướng nay chỉ được bảo tồn theo cách trình diễn tiết mục, sân khấu hóa... Thực tế ấy lại đòi hỏi các đoàn nghệ thuật ở địa phương, nhà trường đào tạo nghệ thuật từ địa phương đến cấp quốc gia có phương cách nghiên cứu cụ thể để góp phần bảo tồn. Nhất là chính quyền các địa phương phải có chính sách đãi ngộ nghệ nhân dân gian tốt. Tôi được biết là từ lâu nay, Chính phủ ta có chủ trương đúng đắn về bảo vệ các di sản sống-nghệ nhân dân gian, nhưng ở cấp địa phương, cơ sở, việc thực hiện chưa được đồng bộ, mới chỉ có 2/63 tỉnh, thành phố có chế độ đãi ngộ tương đối tốt dành cho nghệ nhân dân gian.

Giữ gìn, bồi đắp tinh chất của âm nhạc dân tộc ảnh 1
Liền anh quan họ làng Hoài Trung (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) tập luyện và dựng lại Canh quan họ hát thờ. Ảnh: NVCC

Cơ chế đặc thù cho đào tạo tài năng nghệ thuật dân tộc

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ nhận định về đặc trưng cốt lõi của âm nhạc truyền thống Việt Nam?

- Đầu tiên là tính đa dạng vùng miền, tính truyền khẩu, hay nhất là sự xuyên suốt kế thừa và nâng cao, phát triển, phù hợp từng giai đoạn. Cảm xúc và thẩm mỹ của người hát quan họ ở thế kỷ trước sẽ khác với thế kỷ nay, chính cái khác đó mới phù hợp với thời đại.

- Sự đa dạng và sống cùng đời sống của âm nhạc dân gian dân tộc có lẽ cũng là một thử thách không đơn giản đối với việc đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này để có các lớp người kế thừa truyền thống. Nhận xét chung của ông về quy trình đào tạo lâu nay ở nước ta trong lĩnh vực này, có điểm gì cần sớm được cải thiện?

- Tôi cho rằng, có ít nhất hai điểm cần được cải thiện, thay đổi càng sớm càng tốt: Thứ nhất, Việt Nam là đất nước của thơ và ca hát nhưng đến nay, phần lý luận về thanh nhạc dân tộc vẫn chưa có đầy đủ. Có những loại hình nghệ thuật mà trong truyền thống là không có nhạc đệm, như quan họ chẳng hạn, rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì chưa có lý luận ở mảng này nên trong đào tạo về âm nhạc dân gian dân tộc nói chung, chúng ta mới chỉ chú trọng phần học nhạc cụ.

Thứ hai, các bộ chủ quản trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật nên thống nhất cơ chế mở đi kèm kinh phí phù hợp để mời nghệ nhân dân gian về truyền thụ tinh hoa cho giảng viên và sinh viên các trường nghệ thuật đồng thời tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên đi thực tế tại các vùng văn hóa hiện còn lưu giữ âm nhạc dân gian dân tộc. Tôi biết các trường đều có làm việc này, nhưng nó là tự phát, tùy thời. Một khi có chính sách định hướng và thống nhất, tần suất mời các nghệ nhân hay đi thực tế như vậy sẽ cao hơn, chất lượng tốt hơn. Nghệ nhân dân gian không thể là giảng viên chính thức trong nhà trường chuyên nghiệp do các quy chuẩn về giảng viên hiện hành nhưng họ đã học từ cuộc sống, thế hệ này qua thế hệ khác, kỹ năng của họ được tích lũy và trở thành đặc trưng của văn hóa dân tộc. Nếu cứ cứng nhắc áp dụng các tiêu chí giảng dạy với họ thì chúng ta sẽ càng thêm mất mát trong tương lai...

- Trong đào tạo về âm nhạc dân gian dân tộc, Việt Nam đã và vẫn đang áp dụng phương pháp giảng dạy với bảng ký xướng âm châu Âu. Ý kiến của ông về thực tế này?

- Đó là một sự kế thừa tinh hoa từ thế giới. Bản ký xướng âm đó là khung cơ bản nhưng để thấm được tinh chất truyền thống, cái luyến láy tinh tế của âm nhạc dân tộc, chúng ta vẫn phải học các cụ. Nhiều giảng viên vì say mê với nghề, đã bỏ tiền túi tự đi vào các vùng văn hóa, tìm gặp nghệ nhân để học hỏi họ và tạo ra cái riêng cho mình, vừa thấm chất dân gian lại vẫn giữ được tính hàn lâm. Ta ngấm được truyền thống đến độ thì sẽ không bị phai, bị biến, và ta có thể truyền thụ lại các giá trị đó cho hậu thế.

- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!