Gió đã đổi chiều

Ngày 7/5, Liên đoàn Arab (AL) công bố quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria. Ngày 9/5, Syria và Saudi Arabia-quốc gia lãnh đạo AL- nhất trí nối lại hoạt động của các phái bộ ngoại giao giữa hai bên. Nhưng, trước đó một ngày, theo Hãng thông tấn TASS (Nga), Nhà trắng thông báo: Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Syria…
0:00 / 0:00
0:00

Mười hai năm đã trôi qua, kể từ khi xung đột bùng lên trong nội bộ đất nước Syria theo đà cháy lan của đám cháy mang tên "Mùa xuân Arab" khắp một dải Bắc Phi-Trung Đông. Đó cũng là thời điểm AL tạm đình chỉ tư cách thành viên của Chính phủ đương kim Tổng thống Syria, ông Bashar Al-Assad.

Gần như trong cả một thập niên, Washington công khai nhắc đi nhắc lại một mục tiêu: Tổng thống Syria Al Assad-người bị Mỹ cáo buộc rất nhiều "tội danh"- cần phải bị truất phế. Tiêu biểu, ngày 4/8/2011, người phát ngôn Nhà trắng khi ấy là Jay Carney cho biết: "Đây là lúc có thể nói thẳng rằng Syria sẽ tốt đẹp hơn nếu không có ông Al-Assad" (theo AFP).

Sau đó, lần lượt tiếp nối là cấm vận và các lệnh trừng phạt, là sự cô lập của chính AL (vốn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ áp lực của Washington), là những hậu thuẫn của Mỹ cùng phương Tây cho các phe nhóm vũ trang đối lập, là cả sự trỗi dậy khủng khiếp của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là tình cảnh thiếu thốn vật tư y tế cũng như nguy cơ đối diện thảm họa nhân đạo xuyên qua đại dịch Covid-19, và còn là việc không ít quân đội nước ngoài sẵn sàng vượt qua biên giới vào lãnh thổ Syria, tiến hành các hoạt động quân sự, bất chấp phản đối từ Damascus.

Cho đến tận tháng 12/2018, cho dù tuyên bố "không còn muốn thay đổi chế độ ở Syria", Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn giữ quan điểm: Chính quyền Mỹ và các nước phương Tây sẽ không viện trợ một đồng nào (trong dự tính Syria sẽ cần khoảng 300-400 tỷ USD để tái thiết đất nước), nếu Damascus không chịu thỏa hiệp.

Cho đến tận ngày 16/3/2023, với một tuyên bố chung, các chính phủ của Anh, Mỹ, Pháp và Đức vẫn khẳng định: "Chúng tôi không bình thường hóa quan hệ với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, cũng như không tài trợ cho việc tái thiết những thiệt hại do chế độ này gây ra trong cuộc xung đột hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cho đến khi có tiến triển thực thụ và lâu dài hướng tới một giải pháp chính trị".

Tuy nhiên, hiện tại, cục diện địa chính trị Trung Đông đã mang những đường nét khác.

Có lẽ, một nhà quan sát quốc tế vào thời điểm năm 2018 sẽ không thể hình dung được chuyện Saudi Arabia có thể kiên quyết "lắc đầu" với đề nghị tăng sản lượng khai thác dầu mỏ từ Washington, trên tư cách là quốc gia chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác mở rộng (OPEC+), hết lần này đến lần khác, trong vòng 12 tháng qua.

Giới phân tích 5 năm trước có lẽ cũng sẽ khó tin được rằng tiến trình bình thường hóa mối quan hệ vốn đầy "hiềm khích" trong quá khứ giữa Saudi Arabia với Iran lại có thể tiến triển suôn sẻ và nhanh chóng như những ngày này, với vai trò trung gian của Trung Quốc (chứ không phải Mỹ hay các cường quốc phương Tây có ảnh hưởng truyền thống ở Trung Đông như Anh và Pháp).

Một cách ngắn gọn, xu thế đa phương hóa-đa cực hóa mới chỉ manh nha hiện hữu vào đầu thập niên trước, nay đã trở nên rõ rệt và tất yếu. Và do đó, các tiến trình hòa giải, hợp tác cũng được đẩy mạnh hơn, nhanh hơn, đặc biệt là tại khu vực nằm giữa ba châu lục được mệnh danh "rốn dầu của thế giới", vì lợi ích cũng như vị thế của chính khối Arab Hồi giáo.

Trước cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao AL ngày 7/5, từ ngày 5/5, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi đã hé lộ: Syria đã có được đủ phiếu ủng hộ trong AL, gồm 22 quốc gia thành viên, để có thể trở lại tổ chức này.

Song, thật ra, từ cuối năm ngoái, những vận động hàn gắn quan hệ với Syria, được Saudi Arabia tán đồng, đã bắt đầu sôi động. Đến tháng 2/2023, khi Syria cùng Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá bởi thảm họa động đất, quyết tâm ấy lại càng trở nên mạnh mẽ, với sự tiên phong của các nhà lãnh đạo Ai Cập. Trong khi đó, tương lai của Syria đã và đang được định hình bởi những kết nối bốn bên (Syria, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ), cộng hưởng với vòng tay giang rộng từ AL.

Phương Tây chứng kiến tất cả những diễn tiến ấy. Và vẫn tiếp tục áp đặt các quy chuẩn của mình…