Gian nan tìm đồng đội trên đỉnh Chư Tan Kra

Với những người trở về thì Chư Tan Kra là vết thương chưa bao giờ lành, bởi nơi ấy hơn 200 đồng đội của họ đã ngã xuống. Hơn một thập kỷ qua, những người lính già của Trung đoàn 209 năm xưa cùng nhau lặn lội nơi núi cao, rừng thẳm để tìm hài cốt đồng đội mình. 

CCB Hồ Đại Đồng làm việc với Bộ CHQS tỉnh Kon Tum.
CCB Hồ Đại Đồng làm việc với Bộ CHQS tỉnh Kon Tum.

Chư Tan Kra

Tháng 3-1968, tại đỉnh Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã đánh một trận tập kích, tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ binh của địch, gây chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ. 

“Sau hơn 52 năm tôi đến đây, tay rớm máu vì gai cào, mắt cay xè vì gió lạnh và bụi hoa cỏ, vì dày đặc những di vật đời lính: Thuốc chống muỗi, đế giày bộ đội ta và quân Mỹ, cục pin, vỏ và đầu đạn... Trên mặt đồi chi chít hố bom pháo, hầm hào... Đào xuống đất là di vật bộ đội ta và lính Mỹ... Đỉnh Chư Tan Kra xưa cao 1.198 m nay chỉ còn 1.185 m”. Đó là những lời cảm thán của cựu chiến binh (CCB) Hồ Đại Đồng sau chuyến đi tìm đồng đội gần một tháng trên đỉnh Chư Tan Kra. 

Năm 1965, khi không quân đế quốc Mỹ liên tục đánh phá miền bắc thì bộ binh Mỹ đổ bộ vào miền nam. Lúc bấy giờ, rất nhiều thanh niên Hà Nội xung phong ra trận và được tuyển vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Những người lính Trung đoàn Bộ binh 209 được trang bị nhiều loại vũ khí tốt nhất thời đó như B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K63, trung liên RBD, AK47. Bên cạnh đó còn có mặt nạ phòng hóa, tăng võng, trang phục Tô Châu và đặc biệt là mũ sắt Liên Xô, chính vì vậy Trung đoàn Bộ binh 209 còn được gọi là Trung đoàn Mũ sắt và các chàng trai Hà Nội năm ấy được mọi người gọi là lính Mũ sắt Hà Nội. Họ được huấn luyện kỹ suốt một năm để đánh công kiên, đánh tập kích và chống đổ bộ đường không.

Đầu năm 1968, trung đoàn hành quân vào chiến trường. Ngày 21-3-1968, khi vừa tập kết quân ở khu vực Chư Tan Kra (cách Kleng khoảng 10 km) thì quân Mỹ đã đổ Tiểu đoàn bộ binh 3/8, lực lượng công binh, trinh sát và một đại đội pháo 105 mm xuống tọa độ YA 939913, lập căn cứ hỏa lực FSB14 ngay giữa đội hình tập kết của trung đoàn. Lực lượng quân Mỹ là một tiểu đoàn tăng cường gồm một đại đội pháo 105 mm, ba đại đội bộ binh, lực lượng trinh sát, công binh tương đương một đại đội và chỉ huy sở tiểu đoàn. Ngoài các lực lượng trên thì phía địch còn có hai đại đội bộ binh luồn rừng lên từ Kleng, thường xuyên tuần tra trong rừng, đêm ngủ rừng quanh căn cứ. Và còn bốn đại đội pháo ở sân bay Kleng và lân cận với các cỡ nòng 203, 175, 155, 105 mm cùng không quân yểm trợ. So sánh lực lượng giữa ta và địch ở khu vực phía tây Kon Tum đã nhanh chóng thay đổi. Trung đoàn phải bỏ mục tiêu đánh Kleng, đồng thời buộc phải đánh FSB14 bởi địch chặn đường từ Kon Tum về vùng ba biên giới và nằm giữa đội hình tập kết của trung đoàn. 

Nhật ký chiến trường của trung tá D.M Malone, chỉ huy căn cứ hỏa lực FSB 14 (M2) trong tất cả các đêm từ 27-3 đến 2-4-1968 đều có câu: “Quân Bắc Việt chuyển quân quanh căn cứ suốt đêm”. Thực ra, không phải Trung đoàn 209 chuyển quân mà suốt bảy đêm ấy, đêm nào những người lính còn lại của Tiểu đoàn 7 cũng bất chấp bom đạn, trở lại M2, đi quanh căn cứ để tìm cứu thương binh và an táng đồng đội mình. Hơn 200 chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại trên đỉnh Chư Tan Kra, nhiều người trong đó bị quân xâm lược Mỹ chôn vùi vào những hố tập thể…”.

Với các CCB trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209, họ đều muốn quên đi chiến tranh bởi trận đánh năm xưa trên đỉnh núi huyền thoại của Kon Tum vẫn còn ám ảnh họ rất nhiều. Thế nhưng, một ngày đầu năm 2008, những người lính may mắn sống sót năm xưa gặp nhau mới biết, đồng đội của mình hy sinh trên núi vẫn chưa được cất bốc bởi không ai biết vị trí cụ thể ở đâu. Cũng trong câu chuyện đầu xuân ấy, nhiều CCB đã không cầm được nước mắt khi nghe tin, nhiều gia đình liệt sĩ bị một số nhà ngoại cảm giả hiệu lừa mang hài cốt từ những nơi khác về. Đau nỗi đau mất đồng đội, giờ lại nhận tin thân nhân họ bị lừa lấy hài cốt của người khác, các CCB trong Ban liên lạc Trung đoàn 209 bàn nhau quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm đưa đồng đội trở về. 

Trở lại chiến trường xưa

Dù rất nóng lòng đi tìm đồng đội nhưng các CCB của Trung đoàn 209 không vội vàng mà liên hệ nhiều đơn vị để tìm kiếm các nguồn tin. Ngoài ra, các ông cũng nhờ các bạn trẻ am hiểu ngoại ngữ, tìm thông tin từ những người lính bên kia chiến tuyến để hỗ trợ mình. 

Tháng 3-2009, cựu binh Steve Edmunds, Chủ tịch Hội Cựu binh Sư đoàn 4 đã gửi cho CCB Hồ Đại Đồng hình ảnh, sơ đồ, vị trí ba hố chôn tập thể các chiến sĩ trên đỉnh Chư Tan Kra. Sau khi tiến hành đối chiếu thông tin từ Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Ban liên lạc Trung đoàn 209 tổ chức vào Sa Thầy tìm kiếm các ngôi mộ. Ngày 22-3-2009, CCB Hồ Đại Đồng cùng CCB Nguyễn Văn Vĩnh và anh Trương Đức Bình - thân nhân liệt sĩ vào Sa Thầy. Họ là những người đầu tiên tìm lại nơi này. Sau gần hai tháng tìm kiếm, 14 liệt sĩ đầu tiên đã được tìm thấy. 

Sau kết quả của năm 2009, Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 có thêm động lực để trở lại Chư Tan Kra. CCB Hồ Đại Đồng kể lại: “Ngày 19-12-2010, ở Đồi Tranh thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi tìm thấy dấu vết ngôi mộ lớn. Khi những người lính già phát cây, nhổ những bụi cỏ thì bật lên theo rễ những mảnh nylon, đế giày cháy dở, lẫn trong đất đỏ bazan là những vệt đất đen và những vụn xương trắng đục… Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy, đó là ngôi mộ tập thể thứ hai của đồng đội chúng tôi. Nhiều người thân liệt sĩ ở Hà Nội được tin đã bay vào Kon Tum. Từ trong hố bom dùng làm mộ, cán bộ, chiến sĩ huyện đội Sa Thầy đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ, 77 người trong số đó được an táng chung trong một ngôi mộ lớn ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, bốn hài cốt liệt sĩ có thông tin được người thân đưa về Hà Nội”. Đó cũng là ngôi mộ có số lượng hài cốt lớn nhất được tìm thấy tính đến thời điểm này. 

Đặc biệt, trong chuyến tìm kiếm tháng 12-2017, các CCB tìm được 15 liệt sĩ với rất nhiều hiện vật, trong đó có chiếc bút kim tinh mang tên Phạm Bá Thi - người lính của đại đội 1, Tiểu đoàn 7 và cũng là Dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên của Trung đoàn 209. Khi cầm trên tay di vật này, những người lính già không nén được cảm xúc. 

Hơn 10 năm đi tìm đồng đội, các CCB Trung đoàn 209 hiểu rằng, để tìm liệt sĩ hiệu quả, các CCB đã mày mò nghiên cứu tư liệu trên mạng internet, đặc biệt là những tư liệu do Mỹ giải mật. Có một điều đặc biệt là trong những chuyến đi ấy, có rất nhiều cựu binh từ bên kia chiến tuyến, họ cũng chính là những người lính được may mắn trở về sau cuộc chiến. CCB Phạm Văn Chúc nhớ lại: “Có những người trước đây được giao nhiệm vụ thu dung thi hài bộ đội Việt Nam, khi trở lại nơi đây, đứng giữa đỉnh Chư Tan Kra, nhìn những di vật còn lại của người đã khuất cũng rưng rưng cảm xúc. Nhìn hình ảnh ấy, chẳng ai nghĩ được rằng, hơn 50 năm trước, chúng tôi từng là những người ở hai bên chiến tuyến và tìm mọi cách để hạ đối phương”.

Cuối tháng 12-2020, các CCB tiếp tục trở lại Sa Thầy, mang theo thông tin về danh sách các liệt sĩ hy sinh những ngày cuối cùng trong tháng 3-1968 ở tọa độ YA 937.926 và tọa độ YA 937.928 trên đỉnh Chư Tan Kra. Sau rất nhiều nỗ lực, hai hầm mộ đã được tìm thấy với rất nhiều di vật như: cúc áo, vỏ đạn, dép cao-su, bình tông, thắt lưng, kem đánh răng và đặc biệt có rất nhiều đồ do lính Mỹ để lại.

Rời Sa Thầy để trở lại Thủ đô những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, những người lính già trong Ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209 và các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 187 - Ban CHQS huyện Sa Thầy cùng hướng về đỉnh Chư Tan Kra huyền thoại với lời hứa, sẽ tiếp tục trở lại để tìm đưa các anh trở về...

Bằng kinh nghiệm tìm liệt sĩ nhiều năm, các CCB Ban Liên lạc Trung đoàn 209 đã tìm được phương pháp tìm liệt sĩ mới: Kết hợp nguồn tin từ Trích lục liệt sĩ của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng và báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, đồng thời sử dụng phương pháp chọn vật chuẩn theo thời gian và không gian để khử dung sai giữa tọa độ bản đồ quân sự và tọa độ thiết bị định vị GPS để tìm kiếm đúng vị trí có liệt sĩ theo tài liệu của quân đội Mỹ. Với cách tìm kiếm mới, bốn chuyến đi gần đây đã mang lại hiệu quả lớn, trong đó có một khu mộ ở chân cao điểm M2 thuộc đỉnh núi Chư Tan Kra.

Có thể bạn quan tâm