Giải pháp mạnh cho doanh nghiệp và người lao động

Thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, người thất nghiệp gia tăng trong những tháng đầu năm 2023 đã làm nóng nghị trường Quốc hội, tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. Đâu là giải pháp căn cơ, vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức vượt qua khó khăn, đồng thời giúp nhiều người lao động có việc làm?
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao hiệu quả các phiên giới thiệu việc làm giúp người lao động.
Nâng cao hiệu quả các phiên giới thiệu việc làm giúp người lao động.

Gia tăng số người mất việc, thất nghiệp

Các doanh nghiệp ngừng hoạt động, cắt giảm lao động chủ yếu thuộc các ngành da giày, dệt may, với đặc thù lao động nữ chiếm tỷ lệ rất cao, phần lớn là lao động có trình độ phổ thông, độ tuổi hơn 40, nên cơ hội tìm việc làm mới rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Thực tế thời gian qua tỷ lệ thất nghiệp, rút bảo hiểm xã hội một lần cao hơn so báo cáo. Hiện tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm từ 40 tuổi trở lên ở khu công nghiệp có nguy cơ lớn khi doanh nghiệp cần giãn việc, sa thải lao động thì đây là nhóm dễ bị tác động nhất; trong khi đó, nhóm này rất khó tìm việc vì doanh nghiệp ưu tiên người trẻ.

Không phải bây giờ, chuyện doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm mới được nhắc đến. Thời gian qua, Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động mất việc như kết nối, giới thiệu việc làm, có nơi đã dành cho lao động nữ những quan tâm riêng như không chấm dứt hợp đồng đối với phụ nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong quý IV/2022, cả nước có gần 118 nghìn người bị mất việc làm tại các doanh nghiệp, sang đầu năm 2023 con số này tăng lên, với gần 149 nghìn lao động bị mất việc.

Thời gian tới, đơn hàng của các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu tích cực, cơ hội việc làm đối với lao động nữ hơn 40 tuổi sau khi bị mất việc hết sức khó khăn và họ là nhóm có nguy cơ phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Hà Thị Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát để có đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường ở các loại hình doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào là chủ yếu, từ đó có giải pháp hỗ trợ thiết thực để giúp doanh nghiệp vực dậy, giảm tình trạng doanh nghiệp không còn sức chống chịu, phải rời khỏi thị trường khiến nhiều người lao động mất việc.

Cả doanh nghiệp và người lao động đều cần được "tiếp sức"

Để khắc phục khó khăn, không ít chuyên gia đề nghị, trước mắt nên thực hiện tốt các gói hỗ trợ người lao động; có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Khi doanh nghiệp dồi dào đơn hàng thì người lao động mới có việc để làm, tức là cả doanh nghiệp và người lao động đều cần phải "tiếp sức".

Kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), đề xuất: Cần tìm kiếm, khai thác thị trường mới, tăng đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiêu thụ sản phẩm, giúp họ ổn định sản xuất, có như vậy họ mới có khả năng giữ chân người lao động.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023.

Rốt ráo thực hiện nhiệm vụ, các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ và kịp thời giới thiệu việc làm cho người lao động. Qua rà soát, đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho hơn 11 nghìn lao động với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, có 5,4 nghìn lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc và 5,8 nghìn người bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, đang tiếp tục thẩm định hồ sơ để đoàn viên, người lao động sớm nhận được hỗ trợ.

Còn tại tỉnh Bình Dương, tháng 5 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động như: "Đối thoại tháng 5"; Diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân". Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng tiếp nhận hơn 16.700 hồ sơ của người lao động thiếu việc, mất việc đề nghị hưởng chính sách. Đơn vị đã khẩn trương thẩm định phê duyệt chi hỗ trợ với số tiền 24,6 tỷ đồng. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức đối thoại với công nhân để ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, từ đó đề xuất chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động.