Giải "cơn khát" việc làm

Số lao động bị mất việc làm trong quý I/2023 tiếp tục tăng, tỷ lệ thuận với số đơn hàng mà doanh nghiệp bị giảm. Bài toán việc làm đòi hỏi những biện pháp căn cơ, toàn diện, xét từ cả góc độ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng như cơ chế tiền lương, đào tạo nghề...
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều bạn trẻ đến các sàn giao dịch tìm kiếm việc làm.
Nhiều bạn trẻ đến các sàn giao dịch tìm kiếm việc làm.

Số lượng người mất việc ở mức cao

Từ cuối năm 2022, tình trạng mất việc làm đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Đến đầu năm 2023, số người mất việc làm là khoảng 149 nghìn người.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ hoặc bị giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý I/2023 là gần 294 nghìn người, trong đó phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%); đứng đầu là ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%. Lao động nghỉ, giãn việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, như: Bắc Giang (16 nghìn người), Hải Dương (9,8 nghìn người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62,4 nghìn người), Nghệ An (12,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng 36,4 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), TP Hồ Chí Minh (khoảng 19,8 nghìn người)…

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so quý trước và giảm 65,1 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay vốn để giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học, Lao động và Xã hội, nhìn vào thực tế, chúng ta có thể thấy, tình hình lao động thất nghiệp, mất việc như vậy là còn phức tạp, đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Đồng quan điểm, ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh: "Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày, dệt may, điện-điện tử. Đây là nhóm doanh nghiệp hiện bị thiếu vốn, chịu cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm khó khăn do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm".

Tính toán các giải pháp trước mắt và lâu dài

Để góp phần giải quyết việc làm, theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), song song với công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, nhanh chóng cho người lao động, các trung tâm dịch vụ việc làm cần tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm một cách sâu rộng, vận động người có nhu cầu tìm việc, học nghề tham gia tư vấn và giao dịch việc làm tại địa phương.

Tại Hà Nội, trong năm 2023, các cơ quan chức năng đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162 nghìn lao động. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, đơn vị sẽ tích cực tổ chức các sàn giao dịch việc làm ở nhiều địa bàn quận, huyện, kể cả các phiên lưu động, đến tận cấp xã, phường, những nơi có doanh nghiệp, khu công nghiệp. Đây là cách hữu hiệu kết nối trực tiếp người tìm việc làm với nơi cung cấp việc làm.

Trong tầm nhìn dài hạn, Hà Nội đặt mục đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội là khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 7%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%. Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố sẽ quy hoạch, đầu tư phát triển Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, đóng vai trò là đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương cũng đang thực hiện nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động và việc làm, thu thập thông tin từ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, nhất là các vị trí việc làm có tính thời vụ, để tuyên truyền đến người lao động; đẩy mạnh công tác kết nối cung-cầu, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Ngoài ra, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến, qua các nền tảng truyền thông xã hội Zalo, Facebook cũng được triển khai để người lao động có thể tiếp cận thông tin chuẩn xác, nhanh chóng, thuận lợi.

Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong vấn đề việc làm, mặc dù khó khăn, nhưng cần phải tính toán đến mức tiền lương. Tiền lương phải đủ kích thích để thu hút người lao động tham gia thị trường lao động, tiếp tục cống hiến trong công việc đang gắn bó, tiền lương phải bảo đảm phần tích lũy để người lao động "cầm cự" khi bị giãn việc, mất việc.

Nhiều chuyên gia cho biết, cần sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm xanh; bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án và đang nghiên cứu đầu tư.