Giải cơn "khát lũ" kéo dài nhiều năm

Mùa lũ hay mùa nước nổi hằng năm tại đồng bằng sông Cửu Long luôn được người dân miền tây ngóng đợi, bởi lũ về mang theo nhiều nguồn lợi cho đời sống. Những ngày qua, mực nước đầu nguồn sông Mê Công đang có xu thế tăng lên mang đến niềm hy vọng về "mùa lũ đẹp", bội thu tôm cá.
0:00 / 0:00
0:00
Mực nước tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu đang nhích lên nhưng lượng cá tôm chưa nhiều. Ảnh: Công Hân
Mực nước tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu đang nhích lên nhưng lượng cá tôm chưa nhiều. Ảnh: Công Hân

Tín hiệu vui

Mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long thường xuất hiện từ tháng 7 và kết thúc vào cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 hằng năm. Theo thống kê, trong 60 năm trước năm 2000, bình quân cứ hai năm thì châu thổ Cửu Long có một năm lũ vượt báo động 3 (mực nước ở Tân Châu-An Giang vượt 4,2m). Năm 2000-2002, vùng đồng bằng xuất hiện lũ lớn, có năm đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75m. Tuy nhiên, 12 năm gần đây, lũ lớn ít dần - chỉ xuất hiện năm 2011; tần suất lũ nhỏ và trung bình tăng lên, thậm chí là lũ cực nhỏ như năm 2015. Các nhà khoa học dự báo, trong tương lai, khả năng có lũ lớn sẽ ngày càng hiếm.

Năm nay, theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam, đến ngày 30/7, vùng đầu nguồn khu vực Đồng Tháp Mười mực nước có xu thế tăng với cường suất 3,1cm/ngày, vùng Tứ giác Long Xuyên tăng với cường suất 3,5cm/ngày và biến đổi theo triều. Vùng giữa và vùng ven biển tăng từ 4,6-4,8cm/ngày do chịu tác động của thủy triều mạnh hơn vùng đầu nguồn.

Lý giải về xu thế nói trên, các chuyên gia cho rằng, do thời gian qua trên lưu vực sông Mê Công gió mùa tây nam hoạt động mạnh, gây mưa khá cao với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm; một số nơi ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long lượng mưa hơn 100mm. Mưa nhiều cộng với việc các đập thủy điện thượng nguồn giảm tích nước nên lượng nước trên lưu vực sông Mê Công tăng. Đây là những tín hiệu tích cực không chỉ riêng với người dân châu thổ Cửu Long mà còn của người dân trên toàn lưu vực sông Mê Công.

"Thời tiết đang trong tình trạng La Nina từ tháng 10/2021 đến nay, có thể kéo dài tới tháng 8/2022. Sau tháng 8, thời tiết sẽ trở nên trung tính hoặc tiếp tục La Nina, lượng mưa ở lưu vực Mê Công trong mùa mưa này được dự báo dồi dào. Hồ chứa các đập thủy điện hiện còn nước khá nhiều, không bị cạn kiệt. Do đó, năm nay lũ về đồng bằng sông Cửu Long có thể cao hơn trung bình nhiều năm", thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long nhận định.

Chờ lũ, song cần theo dõi sát tình hình

Đối với mùa lũ miền Tây Nam Bộ, muốn đưa ra nhận định chắc chắn phải chờ đến tháng 8. Nhưng lúc này, người dân đều đang ngóng chờ "mùa lũ đẹp", nghĩa là mực nước về trong khoảng giữa báo động 2-3, vừa không tác động xấu đến cuộc sống người dân, vừa mang lại lượng nước vừa đủ kèm theo nguồn lợi thủy sản cùng với phù sa. "Nhưng liên tiếp ba năm từ 2019-2021, mực nước lũ chỉ vừa chạm báo động 1. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh đất thiếu phù sa làm giảm năng suất và chi phí tăng làm lợi nhuận của người nông dân giảm đến 20-30%. Với việc "đói" lũ 3-4 mùa liên tiếp, nghịch lý trên càng gia tăng", chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long nhìn nhận.

Chẳng hạn như với Đồng Tháp Mười ở tỉnh Long An, trung bình mỗi vụ đông xuân đạt 7-8 tấn/ha, hè thu 5-6 tấn/ha. Tuy nhiên, những năm qua vựa lúa này cũng đối mặt nỗi lo khi lũ không về hoặc lũ quá nhỏ làm ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Vậy nên, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng cho biết, người dân đang trông ngóng lũ khi mà thời gian gần đây, do mưa nhiều nên mực nước ở các tuyến kênh trên địa bàn cao hơn so cùng kỳ năm trước. Người làm lúa mong nguồn nước về giúp họ không phải đối mặt thực trạng đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm...

Theo ông Nguyễn Thanh Quân, một lão nông đang canh tác 2,4ha lúa trên cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang, lũ phải lớn thì nhà nông mới trúng mùa được. "Nước lũ rửa sạch ruộng đồng, cuốn trôi thuốc bảo vệ thực vật, tiêu diệt cỏ dại và hơn hết là bổ sung phù sa, nông dân mới nhẹ phân, nhẹ thuốc, ít tốn chi phí mà năng suất lúa lại cao. Ba năm gần đây, lũ về nhỏ, chỉ có nước tràn đồng nên ruộng lúa bị sâu rầy nhiều. Mong sao năm nay lũ tràn đồng, ngập đất 5-6 tháng", ông Quân chia sẻ.

Nhiều người dân háo hức chờ lũ để có thể giăng câu, đánh cá, thu hoạch các sản vật mùa nước nổi… Nhiều ngày qua tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang, có đông người dân đi thăm dớn dưới lòng rạch Lâm Vồ khi dòng nước đỏ đổ về. Cả rạch Lâm Vồ ai ai cũng đặt dớn như "ma trận". Anh Trần Văn Tùng - ngụ xã Nhơn Hưng cho hay, mấy ngày nay chủ yếu là cá lòng tong, cá rô đồng về nhưng số lượng không nhiều. "Hy vọng năm nay có cá nhiều hơn cho bà con đỡ vất vả. Vì năm rồi vào tháng này nước lũ thấp, lại bùng phát dịch Covid-19, bà con không làm ăn gì được", anh Tùng mong mỏi.

Trong trạng thái chờ lũ, song các chuyên gia cảnh báo, các địa phương cần phải theo dõi sát tình hình và thực hiện tốt công tác thủy lợi để bảo đảm mùa vụ của người dân an toàn. Các địa phương cần rà soát các phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch nhằm chủ động ứng phó các tình huống lũ lớn.