Giải bài toán tích tụ đất phục vụ nông nghiệp

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định về ngân hàng đất nông nghiệp. Mô hình mới mẻ này sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tích tụ để tạo lập quỹ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất lớn, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp?
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng nông thôn còn lạc hậu, nhỏ lẻ.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng nông thôn còn lạc hậu, nhỏ lẻ.

Người dân và doanh nghiệp được lợi

Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai bổ sung Điều 106 quy định về ngân hàng đất nông nghiệp. Theo đó, ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp; hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước…

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Chinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình chia sẻ: Chúng tôi nhất trí với quy định ngân hàng quỹ đất nông nghiệp sẽ là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập. Bên cạnh đó, cũng thống nhất về việc ngân hàng quỹ đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Chinh còn băn khoăn với nội dung "Ngân hàng có chức năng cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp".

"Việc cho nhà đầu tư thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp, phải là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra thỏa thuận các bên về đơn giá thuê quyền, nhận chuyển quyền phù hợp khả năng thu hút đầu tư. Kinh phí thuê đất, thuê lại đất chuyển lại ngân hàng đất nông nghiệp để hoàn ứng hoặc thanh toán các khoản vay theo quy định. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về việc sử dụng đất trong quá trình thu gom, tránh để đất hoang hóa, lãng phí", ông Chinh đề xuất.

Thực tế, việc xây dựng ngân hàng quỹ đất đã được đề xuất từ năm 2017 và tỉnh Hà Nam đã triển khai mô hình này. TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhìn nhận, nông nghiệp phải phát triển theo hướng tăng giá trị và giảm chi phí đầu vào. Muốn làm được như vậy, bên cạnh các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…, còn cần phải có cơ chế, chính sách đất đai hợp lý để nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất; bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Trong đó, việc thúc đẩy hình thành ngân hàng đất đai là một trong các giải pháp.

Cũng theo ông Kiên, khi lập được ngân hàng đất nông nghiệp, người dân có điều kiện trở thành công nhân ngay trên mảnh đất của mình với thu nhập cao hơn. Đối với các doanh nghiệp, họ sẽ không phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều đó đồng nghĩa, cơ chế này giúp hình thành phương thức tái hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Còn theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, khi chính quyền đứng ra thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất… dễ tạo đồng thuận trong dân, các giao dịch sẽ thuận tiện hơn.

Thiếu cơ chế, không thể tích tụ được đất đai cho nông nghiệp

Cách đây mấy năm, tỉnh Hà Nam đã thu hút một số doanh nghiệp lớn thuê lại đất nông nghiệp, như Công ty VinEco-Tập đoàn Vingroup thuê 180,7ha tại xã Nhân Bình, Xuân Khê (huyện Lý Nhân); Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam thuê 21,6ha tại xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân); có 593 hộ dân xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm đã đồng thuận cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thuê 150ha đất để đầu tư trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao. Trong quá trình thực hiện cũng đã gặp một số vướng mắc:

Khó tập trung được một diện tích đất đai đủ lớn theo mong muốn phù hợp với quy mô doanh nghiệp để thực hiện dự án nông nghiệp vì phải đàm phán với nhiều hộ sử dụng đất (do quỹ đất nông nghiệp của các hộ ít) với nhiều mức giá khác nhau, trong khi lại có hộ không đồng ý cho thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì muốn giữ đất để sản xuất. Thêm nữa, pháp luật đất đai chưa quy định cụ thể, rõ ràng việc chính quyền (ủy ban nhân dân các cấp) được thuê đất của các hộ dân, sau đó cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Chiểu theo Luật Ngân sách, cũng chưa quy định về việc, Nhà nước ứng trước kinh phí từ ngân sách để trả tiền thuê đất một lần cho người dân, trong khi thu lại tiền thuê đất của doanh nghiệp từ một đến hai lần. Nhà nước đang phải bỏ ngân sách hỗ trợ tiền thuê đất trong khoảng thời gian trễ giữa thời gian thuê đất của các hộ dân với thời gian cho doanh nghiệp thuê lại đất…

Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc dồn điền đổi thửa, bởi thực tế ở nhiều địa phương chưa làm tốt điều này. Tiếp đó, cần tính đến kinh phí hoạt động cho bộ máy của ngân hàng này thế nào để tránh rơi vào tình trạng "bao cấp", lãng phí. Ngoài ra, các vấn đề như bảo đảm an toàn cho quỹ đất của người gửi, cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa ngân hàng đất với người gửi như thế nào cũng cần được quy định rõ, nếu không sẽ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nhiều khi còn phức tạp hơn so với trước khi có ngân hàng đất.

Để giải quyết những vấn đề mà địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện cho thuê, cho thuê lại đất, ông Đỗ Văn Vẻ kiến nghị: "Trung ương cần xem xét đưa ra quy định hỗ trợ về vốn cho các địa phương để chi trả tiền thuê đất của các hộ dân nhằm hỗ trợ quá trình tích tụ đất đai và tiền đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào dự án. Về quy định điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vay vốn, chỉ cần điều kiện có tài sản đã đầu tư trên đất mà không cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, như vậy mới giúp đơn vị, cá nhân có nhu cầu tiếp cận được vốn vay dễ hơn".