Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục ghi nhận tăng so cùng kỳ, theo số liệu của cơ quan chức năng Trung Quốc là ước đạt 7,2%, và Việt Nam cũng nằm trong số ít các đối tác duy trì đà tăng trưởng dương trong xuất khẩu vào Trung Quốc.
Riêng với mặt hàng tôm, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2024, lượng tôm loại khác (tức là các loại tôm ngoài tôm sú và tôm thẻ chân trắng) ghi nhận tăng mạnh, tới 174%; tôm loại khác đã chế biến tăng 199%, tôm loại khác ở dạng sống/tươi/đông lạnh tăng 185%. Trong nhóm sản phẩm tôm loại khác này, chủ yếu là dòng tôm hùm, như tôm hùm đá sống. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 98-99%. Điều này có được là do nguồn cung tôm nội địa của Trung Quốc giảm bởi thời tiết bất lợi, nguồn cung từ ngoài giảm do Ecuador cũng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu tiêu dùng trong dân, góp phần hỗ trợ hoạt động nhập khẩu tôm vào thị trường này.
Với mặt hàng cá tra, các sản phẩm fillet cá tra đông lạnh từ Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Năm 2024, thị trường Trung Quốc đóng góp 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 1/2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 773,95 triệu USD, tăng 3,5% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất, tới 80,8% so cùng kỳ năm 2024.
Dự báo, năm 2025, nhu cầu với mặt hàng tôm của thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh hơn, nhưng giá sẽ giảm. Còn ngành cá tra Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự cạnh tranh từ các loài cá thịt trắng khác cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm từ các thị trường nhập khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu là yếu tố then chốt.
Bên cạnh sự gia tăng về kim ngạch và sự chuyển biến tích cực tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, còn có thể thấy hàng hóa của Việt Nam ngày càng đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc. Trong đó, đặc biệt là nhóm hàng nông sản với các sản phẩm chủ lực như trái cây, thủy sản. Kết quả này là nhờ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thường xuyên tại các hội chợ, triển lãm, như CAEXPO Nam Ninh (Hội chợ Trung Quốc-ASEAN, tháng 9 hằng năm, tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc); CIIE Thượng Hải 2024 (Hội chợ Quốc tế hàng nhập khẩu Trung Quốc 2024), bên cạnh các sự kiện chuyên sâu như Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng nhiều sự kiện có sự tham gia của các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang chuyển sang xu hướng tiêu dùng mới với các yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ và chất lượng hàng hóa, các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kịp thời đổi mới để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thị trường này.
Từ khâu sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ quy trình, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, tránh lạm dụng hóa chất để sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Các nhà sản xuất liên kết với doanh nghiệp để tiếp cận và đưa công nghệ vào quản lý sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ định hướng cho nhà sản xuất theo nhu cầu của thị trường, có như vậy sẽ tạo nền tảng tốt cho xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng chiến lược, phương án dự phòng đa chiều, linh hoạt, có phản ứng kịp thời với biến động thị trường thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ sở tại. Mặt khác, doanh nghiệp cần dự phòng, quản lý rủi ro thông qua công cụ tài chính như bảo hiểm xuất khẩu, dự trữ nguyên liệu then chốt phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Trước diễn biến mới của quan hệ thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ, chúng ta cần theo dõi sát các động thái chính sách mà hai quốc gia này có thể đưa ra, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Từ đó, có thể chủ động ứng biên, nhằm tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hạn chế những rủi ro, tác động từ chính sách của các nước sở tại đối với thương mại của Việt Nam.
Các cơ quan chức năng trong nước ta cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin thị trường, những thay đổi về chính sách của chính phủ Trung Quốc tới doanh nghiệp; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp khu vực, địa bàn tại Trung Quốc, nhất là khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa; đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kịp thời đăng ký với cơ quan chức năng Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; đầu tư phát triển hạ tầng tại khu vực cửa khẩu biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2024 đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại 2 chiều. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD. Năm 2025, thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương đã được ký kết.