Thực trạng lệch hướng chọn nghề
Ra trường làm công việc hoàn toàn không liên quan ngành học là thực tế không hiếm gặp. Kết quả nghiên cứu, sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm, đối tượng từ 25 đến 60 tuổi, trong ba năm 2018-2020 của Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Thậm chí, một số ngành có tỷ lệ này cao hơn 60%.
Còn theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội, không ít ứng viên sẵn sàng làm việc trái ngành khi có cơ hội. Đây được xem là nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng làm việc trái ngành.
Lý giải thực trạng "học nghề này - làm nghề khác" ở không ít lao động trẻ, các chuyên gia cho rằng, về chủ quan là do đăng ký ngành học không phù hợp, sở trường của bản thân. Còn khách quan là do khó khăn sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm phù hợp cho nên phải tìm kiếm công việc trái ngành. Dù nguyên nhân gì thì người lao động sẽ phải chấp nhận đánh đổi về thời gian cũng như sự cố gắng để tiếp cận một lĩnh vực mới. Chưa kể, mức thu nhập có thể thấp hơn với các ứng viên được đào tạo đúng ngành.
Theo nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội, khi tập trung đo lường ở nhóm ngành kinh doanh và quản lý, nhóm ngành có số lao động đại học được đào tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, cũng chỉ ra thực tế, những kỹ năng và kiến thức tích lũy theo năm tháng, có thể bù đắp cho sự thiếu hụt kiến thức với việc làm trái ngành.
Dù vậy, khi người lao động lựa chọn làm trái ngành, đảm nhận công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo, khó khăn sẽ là điều dễ thấy. Mất thời gian, công sức để tiếp cận một ngành nghề mới, phần lớn người lao động làm trái ngành được khảo sát cho rằng, họ phải nỗ lực gấp đôi thậm chí gấp ba người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng cho công việc mà họ đang thiếu.
Cũng theo các chuyên gia việc làm, nhóm lao động làm trái ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thăng tiến trong công việc - bởi nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm khi lựa chọn các vị trí cấp cao.
Tạo nên sự cộng hưởng đổi mới
Thị trường lao động ghi nhận có nhiều ngành nghề đào tạo không đáp ứng đủ về số lượng cho thị trường, một số ngành thực tế thiếu nhân lực trầm trọng như logistics, quản lý AI,... Đơn cử, theo khảo sát mới đây của Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 90% số sinh viên ra trường có việc làm, làm đúng ngành nghề được đào tạo là do nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này hiện rất lớn. PGS,TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhân sự trẻ cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thị trường cạnh tranh khắc nghiệt nhưng chính bản thân người sử dụng lao động cũng cần phải thích nghi với thị trường đổi mới. Nếu áp đặt các tiêu chí cứng nhắc, giữ cái nhìn thiên kiến, việc tuyển dụng sẽ rất khó khăn.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến chuyên gia nêu, không chỉ dừng lại ở khâu chọn nghề, hoạt động hướng nghiệp còn cần phải gắn với giai đoạn thích ứng nghề; kết nối chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường và đơn vị sử dụng lao động. Không chỉ định hướng tốt từ khối phổ thông, tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng, chương trình giảng dạy cũng cần thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế.
Ngoài ra, sinh viên cần được tạo cơ hội để tiếp cận với môi trường việc làm sớm như cách làm của Trường đại học Thương mại Hà Nội. PGS,TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trường kết hợp với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tế; không đào tạo quá xa vời. Đặc biệt, chúng tôi cũng tổ chức ngày hội việc làm, sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng như thế nào để các em chủ động chuẩn bị".
Theo các chuyên gia, để giải quyết tốt vấn đề khoảng cách giữa kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động, cần thông qua việc nâng cao hệ thống chất lượng giáo dục-đào tạo. Các nhà trường, thay vì tập trung vào sự xuất sắc trong học tập thì cần chuyển trọng tâm sang việc hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành để xác định lại sự sẵn sàng trong nghề nghiệp, truyền đạt các kỹ năng phù hợp cho sinh viên trong thị trường lao động. Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau cần hợp tác với nhà trường, với các tổ chức giáo dục để cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao khả năng phát triển năng lực cho học viên.
Cùng đó, từ phía cơ quan quản lý cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp và đơn vị trong nhiều ngành để hiểu rõ hơn về nhu cầu công việc trong tương lai và ban hành các chính sách để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Các chính sách định hướng này sẽ mang lại lợi ích cho các trường học và cơ sở đào tạo khi thiết kế các chương trình giảng dạy để giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu về năng lực của lực lượng lao động.
Và để thúc đẩy cơ hội việc làm cho lao động trẻ, để mỗi thanh niên trong độ tuổi lao động có được việc làm tốt thì mấu chốt vẫn nằm ở việc người lao động trẻ phải "tự thân vận động". Mỗi người nên tự xác định được các năng lực mình cần có, tập trung xây dựng chúng và hiểu được cách sử dụng chúng thế nào cùng với xu thế công nghệ đang phát triển và thay đổi liên tục như hiện nay. Chỉ khi giỏi nghề, đủ kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu thì họ mới không phải lo thất nghiệp.