Đường đến mục tiêu đa dạng và bao trùm

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đang phải tìm kiếm lời giải cho việc ngăn ngừa xung đột xảy ra bởi sự va đập giữa kinh nghiệm, sự ổn định của lớp đi trước với cá tính, sự phá cách của lớp trẻ. Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và bao trùm (D&I) được coi là giải pháp thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Muốn giữ chân được nhân sự trẻ, bên cạnh việc đưa ra yêu cầu tuân thủ quy định, đại diện doanh nghiệp cần đối thoại, lắng nghe nhiều hơn.
Muốn giữ chân được nhân sự trẻ, bên cạnh việc đưa ra yêu cầu tuân thủ quy định, đại diện doanh nghiệp cần đối thoại, lắng nghe nhiều hơn.

Hiểu đúng về Gen Z

Theo các nghiên cứu, Gen Z hiện chiếm tới 26% dân số toàn cầu và sẽ chiếm tới 27% lực lượng lao động vào năm 2025. Công bố mới nhất của trang thống kê Truelist khẳng định: Có tới 88% số bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z đặt yếu tố đa dạng, phong phú lên hàng đầu trong công việc. Họ, thậm chí không ngại phá vỡ những quy chuẩn vốn có nơi công sở. Chẳng hạn như, thay vì làm việc trong khung từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, họ sẵn sàng lao động từ chập tối cho tới nửa đêm và thậm chí tới sáng nếu thật sự đam mê, yêu thích công việc.

Một khảo sát khác được đăng tải trên trang Truelist cho biết, có 58% Gen Z được hỏi sẽ chọn lựa sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thay vì chạy theo một công việc có mức lương cao. Riêng về điểm này, Gen Z đã cho thấy cách thức làm việc, lựa chọn nghề nghiệp khác hẳn với các thế hệ trước, từ đó cũng thể hiện những khác biệt trong cách làm việc của họ.

"Sự xung đột có thể xuất phát từ hiểu lầm văn hóa, kỳ vọng khác nhau về công việc và thiếu thông tin về nhau giữa các bên. Do đó, cần giải quyết bằng cách cởi mở đối thoại để thấu hiểu quan điểm đối tác, đồng thời tìm kiếm giải pháp linh hoạt, phù hợp" - Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway.

Gen Z ngày nay coi mạng xã hội không chỉ là phương tiện giao lưu hoặc giải trí, tiêu pha. Trái lại, 82% số bạn trẻ được khảo sát tin rằng, mạng xã hội còn là công cụ hữu ích, hiệu quả để làm việc, tăng thu nhập. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Thạc sĩ Phạm Công Nhật, chuyên gia giáo dục, dẫn một nghiên cứu cho hay: Tính trung bình, trong điện thoại thông minh mỗi người hiện nay có tới năm ứng dụng giao tiếp. Đối với Gen Z, việc nhận nhiều tin nhắn liên tục rất dễ gây mất tập trung. Cùng với đó, việc các mạng xã hội ngày càng cắt ngắn độ dài, thời lượng clip cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kiên nhẫn đối với người dùng. Hai yếu tố trên đang khiến người dùng mạng xã hội nói chung và Gen Z - thế hệ sử dụng mạng xã hội rất thường xuyên nói riêng "bị quen" với những thứ đơn giản, ngắn gọn.

"Trong khi đó, có không ít công ty, đơn vị không chịu cập nhật, thiếu sâu sát về văn hóa doanh nghiệp, hoặc đơn thuần chỉ copy văn hóa doanh nghiệp nước ngoài mà không thực hiện bất kỳ bước "nội địa hóa" nào, dẫn đến tình trạng "tốt nhưng chưa phù hợp". Một thế hệ đòi hỏi sự đáp ứng tốt hơn và môi trường làm việc lành mạnh, thoải mái như Gen Z tất nhiên sẽ lựa chọn gắn bó với những doanh nghiệp hiểu và sẵn sàng tạo điều kiện cho người lao động hơn", Thạc sĩ Phạm Công Nhật nhận định.

Nhìn từ góc độ của Gen Z, Bùi Thị Thu Thủy, danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương năm 2022, cho biết: Sự xung đột trong cách làm việc thường xuất phát từ khác biệt về văn hóa và môi trường giáo dục.

"Thế hệ Gen Z lớn lên trong thời đại 4.0, chú trọng vào sự năng động, linh hoạt và đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng. Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào công nghệ, mong muốn tham gia môi trường làm việc tự do phóng khoáng và đòi hỏi sự công bằng, đa dạng trong môi trường làm việc là những yếu tố tạo ra sự xung đột. Tính độc lập và sáng tạo cũng có thể tạo ra sự mâu thuẫn với phong cách quản lý truyền thống", nữ sinh Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

Thu hẹp khoảng cách

Việc xóa bỏ khoảng cách giữa Gen Z và lãnh đạo đòi hỏi sự giao tiếp cởi mở và tăng cường đối thoại từ hai phía. Chú trọng đến giáo dục và phát triển sự nghiệp cũng là chìa khóa để kích thích niềm đam mê và sự cam kết từ nhân sự trẻ, đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì sự năng động và sáng tạo trong môi trường làm việc của mình.

Về giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa Gen Z và doanh nghiệp, Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway, thành viên Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khu vực phía nam (VCCI) nêu rõ năm giải pháp trọng tâm gồm: môi trường làm việc linh hoạt, thúc đẩy sự đa dạng, giao tiếp hiệu quả, đào tạo và phát triển, chia sẻ giá trị và mục tiêu.

Trong đó, môi trường làm việc linh hoạt là tạo chính sách làm việc đa dạng, nhất là làm việc từ xa, phù hợp với nhu cầu cá nhân của Gen Z, thúc đẩy sự cân bằng giữa cuộc sống công việc và cá nhân. Thúc đẩy sự đa dạng là tạo ra những chương trình khuyến khích sự phong phú về văn hóa, giới tính, trở thành nền tảng để mọi nhân viên cảm thấy được đánh giá, ghi nhận.

Ngoài ra, giao tiếp hiệu quả là việc tương tác thường xuyên giữa lãnh đạo với Gen Z, nhất là lắng nghe ý kiến và thiết lập các kênh giao tiếp hiệu quả như hội thảo trực tuyến, diễn đàn nội bộ… Đào tạo và phát triển là đặt trọng tâm ở cung cấp cơ hội học tập liên tục, khuyến khích sự sáng tạo, đào tạo kỹ năng mới để các bạn trẻ phát triển sự nghiệp. Chia sẻ giá trị và mục tiêu là kết nối công việc với mục tiêu lớn hơn của doanh nghiệp, giúp tạo động lực và ý thức tự giác trong công việc hằng ngày.