Đừng làm lễ mừng thọ phiền phức

Sau Tết Nguyên đán cũng là dịp các địa phương tổ chức mừng thọ tập trung cho các cụ trong xóm thôn, khu phố. Tuổi cao, vui vì được xóm phố tổ chức mừng thọ nhưng cũng mệt vì thời gian kéo dài, âm thanh kích hoạt quá lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi lễ mừng thọ tập trung đầu năm 2023.
Một buổi lễ mừng thọ tập trung đầu năm 2023.

1/Khu phố 3, thị trấn Bắc Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa có 15 cụ được tổ chức tại nhà văn hóa mừng thọ tuổi 75, 80, 85, 90... nhưng chỉ có 12 cụ đăng ký đi dự, ba cụ còn lại cáo mệt. Cũng có trong danh sách mừng thọ cho cha mình, tối hôm trước, anh Trần Văn Quảng sang nhắc cụ Trần Văn Quyền, 90 tuổi là bố của anh, rằng sáng mai cụ muốn điểm tâm bằng gì để kêu con cháu lo rồi mặc quần áo tươm tất, đến nhà văn hóa dự lễ mừng thọ.

Nhưng sáng hôm sau, cụ Quyền kêu mệt, không đi, lý do cụ đưa ra là có ba cụ không đi nên thêm một người không đi dự nữa cũng không phải là cá biệt. Anh Quảng khẽ nặng lời: “Bố đã hứa rồi thì bố phải đi chứ. Con cháu đã chuẩn bị xe cộ, áo quần đẹp đẽ. Bố là người chính của buổi mừng thọ, bố đi dự con cháu mới có lý do chính đáng để đi cùng”.

Thực tế, sau Tết, thời tiết lạnh, vài địa phương có mưa phùn nên nhiều người cao tuổi ngại ra khỏi giường, bước ra khỏi nhà. Mừng thọ đầu năm cũng là dịp con cháu chắt hẹn về chúc mừng ông bà bố mẹ. Lịch chúc thọ được thôn xóm khu phố định ra, con cháu cũng theo ra, thứ nhất là nâng đỡ các cụ, thứ nhì là vì muốn hòa chung không khí nghĩa tình, ấm áp làng quê. Bà Nguyễn Thị Hường, 62 tuổi, sống ở Hà Nội và về quê Thọ Xuân, Thanh Hóa để chúc mừng bố của bà tròn tuổi 85. Bà Hường cho biết: “Mồng 5 Tết vẫn đang là ngày nghỉ của các cháu. Năm nay lại là năm mừng chẵn tuổi 85 nên đại gia đình tôi cũng có gần 40 người đến nhà văn hóa thôn”.

“Đây là dịp mừng thọ nhưng cũng là dịp tề tựu của các tầng lớp con cháu mà hiếm dịp được gặp đông vui. Nhà văn hóa thôn thì nhỏ, mỗi gia đình chỉ cử một hoặc hai người ngồi bên trong để đỡ nâng ông bà, còn lại đứng ngồi ngoài sân không có bàn ghế, nước uống hoặc đĩa bánh kẹo đầu xuân”, bà Hường phàn nàn.

“Các khoản đóng góp, nhất là đóng góp cho ngày vui đầu xuân, ngày mừng thọ các cụ không ai tiếc nhưng chỉ tiếc mỗi điều là năm nào cũng tổ chức mà vẫn luộm thuộm từ khâu bàn ghế đến cả loa đài. Tôi cứ nghe “ọc ọe” bên trong hội trường, các cháu ngoài sân bình luận “được hình mất tiếng, được míc mất loa... Ấy nhưng lúc kêu thu tiền thì dõng dạc loa đài”. Nghe mà cười, mà nghĩ, hội trường bé tí thì nói vo cũng được, việc gì phải căn chỉnh mất thì giờ, làm mệt các cụ cao tuổi”, chị Hường buông lời.

2/Mừng thọ là dịp để các cụ tề tựu về thôn vui xuân họp mặt, đây là nghĩa cử đối với những người con, cháu đối với bậc cây cao bóng cả của thôn làng. Cụ Nguyễn Đình Thanh, 87 tuổi, ngụ thôn 19/5 (Quảng Trạch, Quảng Bình), nhận xét: “Tuổi cao nên chúng tôi không có dịp thăm nhà, hỏi han nhau được. Con cháu thì bận bịu đủ bề, không có thời gian đưa chúng tôi đi. Mừng thọ tập trung là dịp vui để những người cao tuổi nhìn thấy nhau, cũng vui rồi”.

“Nhưng ngồi trong hội trường dự lễ, tiếng loa, tiếng nhạc khiến tui cảm thấy chóng mặt, váng đầu. Bà nhà tôi 85 tuổi ngồi trên hàng ghế đại biểu được mừng thọ mà tui lo cho bà ấy ngồi có vững vàng không? Ghế thì ghế đơn, không có tay vịn nhìn lâng châng dễ té lắm”, cụ Thanh cho hay.

Nói đến chuyện loa đài tậm tịt ngày đầu xuân năm mới, chỉnh chọt không có kinh nghiệm, tiếng loa bật lên chói lói khiến các cụ giật mình... anh Phan Hà Công cư trú tại Đà Nẵng, về quê Quảng Xương (Thanh Hóa) mừng thọ cho bố và không hài lòng: “Lịch trình là 8 giờ sáng mừng thọ, chúng tôi đưa các cụ xuống trước 15 phút, ổn định chỗ ngồi nhưng 8 giờ 15 mới bắt đầu buổi mừng thọ”.

“Sau một vài câu nói ngắn gọn chào mừng, tôi cứ tưởng chỉ một vài bài hát hoặc một bài ngâm thơ là đủ. Nhưng không, họ đã làm mới, các thím tuổi 60 múa một bài, thay váy, thay guốc cao bằng giày thể thao nhảy hai bài rình rang nhạc trẻ, mà toàn là bài nhảy thể dục của các thím học mót trên mạng, tập cho khỏe đẹp chứ “nghệ gừng” chi”, anh Công buông lời.

“Rồi đến anh giáo viên vừa về hưu hát hai bài buồn bã. Tiếp tục đến điệu nhảy của mấy cháu tiểu học bung beng bụp bùng. Tôi nhìn bố tôi, hai cùi tay chống bàn, hai tay úp mặt với thần thái mệt mỏi mà không biết cách nào để ngăn cản hoặc cắt bớt mấy tiết mục “cây nhà lá vườn” xàm hết sức trên kia”, anh Công bức xúc.

Ngoài chuyện văn nghệ không đúng chỗ, quá dài, anh Quảng (Nông Cống, Thanh Hóa) than thở về các bài phát biểu có tính lồng ghép mặt trận, đoàn kết, xây dựng, thành tích... “Buổi mừng thọ kéo dài đến gần hai tiếng đồng hồ, quá dài. Chúng tôi ở thôn, chúng tôi nắm hết thông tin, nhưng đây hình như là dịp tốt để họ tuyên truyền triệt để. Tôi bực lắm vì tôi có bố đi dự buổi đó. Gia đình khác cũng vậy, không đưa bố đi thì mẹ đi dự, họ đều nóng lòng, muốn kết thúc để đưa các cụ về nhà nghỉ ngơi ấm áp”, anh Quảng cho hay.

Lễ mừng thọ tập trung tại nhà văn hóa là một việc làm nhân văn tôn vinh những nét đẹp truyền thống. Nhưng cũng cần gọn nhẹ nội dung để các cụ không cảm thấy mệt mỏi vì thời gian kéo dài, con cháu đi dự không cảm thấy ấm ức bên tổ chức, lo âu cho cha mẹ mình và như vậy mới là buổi lễ trọn vẹn ấm áp hơn khi mỗi năm Tết đến, xuân về.