Không thể làm theo kiểu “xóa mù”
Như cách nói vui của người trong nghề, đề án này chính là lời đáp mà ngành văn hóa đưa ra sau những kêu nài thống thiết của các đoàn nghệ thuật về cảnh “diễn viên không có nhà để hát”. Tình trạng ấy vốn dĩ kéo dài hàng chục năm qua ở tất cả những đô thị lớn, khi các đơn vị này hoặc không có rạp diễn, hoặc không thể bằng lòng với những gì mình đang có.
Sự thiếu hụt ấy thường được quy cho những khó khăn kinh tế đặc thù trong giai đoạn từ 1954 đến gần đây, khi việc xây dựng công trình biểu diễn nghệ thuật phần nào vẫn bị coi là nhu cầu hơi... xa xỉ. Và, nếu khắt khe, khá nhiều chuyên gia kiến trúc vẫn cho rằng: Ngoại trừ một số công trình từ thời Pháp, hầu hết các rạp diễn còn lại chỉ là hội trường đa năng, chứ chưa hề được thiết kế để phục vụ nghệ thuật biểu diễn một cách trọn vẹn và hoàn hảo.
Nhưng, đặt trong bối cảnh ấy, việc “tăng tốc” xây liền 51 nhà hát trong 15 năm tới lại khiến người trong nghề... băn khoăn nhiều hơn là phấn khởi. Bởi, bản thân con số gần 11 nghìn tỷ đồng của đề án (trong đó khoảng 40% dự kiến lấy từ nguồn xã hội hóa) xem ra không thể đủ cho việc xây dựng số nhà hát này. Chưa kể tới việc nâng cấp 20 nhà hát khác và đầu tư cho các rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm... như kế hoạch đưa ra.
Để so sánh, với trường hợp xây dựng Nhà hát Thăng Long tại khu vực phía tây hồ Tây (có sức chứa 3.000 - 3.300 ghế cho hai khán phòng, dự kiến khởi công năm 2015), thành phố Hà Nội đã tạm ước tính số kinh phí đầu tư là 4.500 tỷ đồng. Tương tự, vào năm 2008, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng lên tiếng đề xuất xây dựng Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật Quốc gia có quy mô 2.000 ghế, với kinh phí dự kiến gần 1.500 tỷ. Có nghĩa, khoản kinh phí kể trên chỉ đủ xây được dăm nhà hát có quy mô lớn gấp... 4,5 lần Nhà hát Lớn như đề án đưa ra.
“Vẫn biết, đây chỉ là ước tính ban đầu. Nhưng, với sự chênh lệch quá lớn như vậy thì chuyện xây ngần đó nhà hát thật sự là viển vông” - một đạo diễn sân khấu lớn tuổi nhận xét. “Chưa kể, bản thân kế hoạch thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho việc xây dựng nhà hát cũng rất thiếu khả thi”. Như phân tích của vị đạo diễn này, các nhà hát hoặc trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn thường đòi hỏi kiến trúc đặc thù và chỉ phù hợp để đi kèm với các loại hình cà-phê, dịch vụ văn hóa. Điều này khá khác biệt so với trường hợp của các rạp chiếu phim, có thể tích hợp trong các không gian cao ốc đa năng và dễ thu hút nguồn vốn đầu tư.
Thậm chí, theo KTS Hoàng Đạo Kính (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam), bản thân mỗi công trình nhà hát hoặc trung tâm biểu diễn nghệ thuật đều đòi hỏi những thiết kế đặc thù để phù hợp nhu cầu biểu diễn, cũng như với chức năng trở thành một không gian văn hóa điển hình trong các đô thị. “Thực tế là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thiết kế và cũng chưa xây dựng được nhiều công trình có giá trị ở lĩnh vực này. Nếu xây ồ ạt theo kiểu “xóa mù”, tôi lo rằng sẽ lại xuất hiện hàng loạt những nhà hát nhợt nhạt khô cứng và giống hệt nhau trên toàn quốc - điều đã từng xảy ra với những hệ thống công trình khác”, ông Kính chia sẻ.
“Đón đầu” không hợp lý?
Chỉ tính riêng phía bắc, có thể thấy rõ: dù xuống cấp hoặc có nhiều hạn chế, hầu hết các cơ sở biểu diễn hiện tại vẫn đang khai thác một cách cầm chừng và khá lãng phí. Đơn cử, trong lĩnh vực sân khấu, Hà Nội - nơi được coi là trung tâm văn hóa của cả nước vẫn có tới 15 rạp diễn khác nhau. Thậm chí, một số nhà hát còn may mắn sở hữu tới hai “sân chơi” như trường hợp Nhà hát chèo Việt Nam với hai địa điểm tại Nguyễn Đình Chiểu và rạp Đại Nam, hoặc từng thuê thêm cơ sở biểu diễn thứ hai như Nhà hát Tuổi Trẻ với rạp đảo Thanh Niên. Nhưng, trong số này, chỉ Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát múa rối Thăng Long là hai trường hợp có thể “đỏ đèn” đều đặn vào mỗi cuối tuần. Còn lại, đều rơi vào cảnh “năm thì mười họa”.
“Trong tình cảnh sân khấu hiện tại, đòi hỏi mỗi nhà hát phải được khai thác đủ 365 ngày trong năm là điều quá sức. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng không thể bằng lòng với việc cứ để các nhà hát đóng cửa tắt đèn, hoặc sử dụng làm nơi bán gốm sứ, tổ chức đám cưới vào quãng thời gian trống trong tuần” - một đạo diễn sân khấu cho biết thêm. “Giải quyết được sự lãng phí ấy, chúng ta sẽ tự điều chỉnh được nhu cầu về nhà hát trong một thời gian dài, để có thể đầu tư một cách hợp lý và khoa học hơn”.
Sự thực, vào năm 2013, ngành văn hóa cũng đã đưa ra kế hoạch tạm thời hỗ trợ các đoàn nghệ thuật chưa có rạp diễn một khoản kinh phí hằng năm để thuê địa điểm tổ chức biểu diễn của các đơn vị bạn trong thời kỳ “quá độ”. Tuy nhiên, vấn đề này lại gặp khá nhiều khó khăn trên thực tế, bởi hầu hết các nhà hát này đều “đụng nhau” ở nhu cầu chỉ tổ chức biểu diễn vào hai ngày cuối tuần. Có nghĩa, vấn đề khai thác các cơ sở biểu diễn cho hợp lý lại phụ thuộc vào rào cản quá lớn là sự không mấy mặn mà của thị trường khán giả.
Đặc biệt, với diện tích và quy mô quá lớn như dự kiến, có thể thấy trước các trung tâm biểu diễn dự kiến xây dựng sẽ bắt buộc phải đặt ở những khu dân cư mới và vẫn còn quỹ đất dự trữ tại mỗi đô thị. Trong khi đó, theo kinh nghiệm tổ chức biểu diễn của các lãnh đạo nhà hát, địa điểm biểu diễn nằm giữa trung tâm thành phố vẫn luôn là nơi được khán giả lựa chọn để xem biểu diễn nghệ thuật. Điển hình, dù được sở hữu những trung tâm biểu diễn mới trong tương lai, hai Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát kịch Tuổi trẻ vẫn muốn duy trì và nâng cấp rạp diễn vài trăm ghế hiện có - vốn đã tồn tại trong khu trung tâm thành phố từ vài chục năm nay. Bởi thế, vấn đề “phủ đầy” các nhà hát sắp xây dựng trong tương lai cũng là điều không mấy dễ dàng.
Có nghĩa, việc “đón đầu” cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong tương lai không thể phụ thuộc vào ý muốn chủ quan từ những Nhà hát “nghìn ghế”. Ngược lại, sự phát triển ấy lại phụ thuộc vào quy luật cung cầu, vào sự đổi mới mô hình hoạt động, vào khuynh hướng xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật công - những vấn đề xem ra phức tạp và khó dự đoán hơn rất nhiều.
![]() |
Nhà hát Lớn Hà Nội hiện vẫn là thánh đường biểu diễn nghệ thuật, với không gian và kiến trúc chuẩn mực.