Dự án “mái nhà mát mẻ” ở Indonesia

Đối mặt nhiều đợt nắng nóng gay gắt, một dự án tại Indonesia đã được triển khai nhằm sản xuất những mái nhà được phủ lớp vật liệu có khả năng cản nắng, giúp người dân trong nhà cảm thấy mát mẻ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Một mái nhà được phủ vật liệu đặc biệt giúp cản nắng nóng. Ảnh: COOL ROOFS INDONESIA
Một mái nhà được phủ vật liệu đặc biệt giúp cản nắng nóng. Ảnh: COOL ROOFS INDONESIA

Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á là khu vực thường xuyên đối mặt nhiều đợt nắng nóng kỷ lục. Trước tình hình đó, một nhóm nghiên cứu tại Trường đại học Pendidikan Indonesia (UPI) đã cùng nhau phát triển một dự án đặc biệt “Cool Roofs Indonesia” nhằm giảm các tác động của nắng nóng đối với người dân. Theo Channel News Asia, nhóm nghiên cứu đã phát minh ra vật liệu đặc biệt phủ lên các mái nhà, có khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời, giảm lượng nhiệt mà căn nhà hấp thụ.

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc thi Million Cool Roofs Challenge và nhận được khoản tài trợ trị giá 750.000 USD vào năm ngoái, Cool Roofs Indonesia đã triển khai công nghệ mới trên hơn 40 tòa nhà công cộng. Việc triển khai đã cho thấy một số kết quả ấn tượng. Cụ thể, trong một tòa nhà công nghiệp có diện tích 5.000m2, sau khi phủ lớp vật liệu này trên mái nhà, nhiệt độ trong nhà giảm từ 40oC xuống khoảng 29oC.

Giảng viên Beta Paramita tại Trường đại học UPI, đồng thời là Giám đốc dự án của Cool Roofs Indonesia cho biết, tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này, chủ yếu các tòa nhà thương mại và văn phòng được trang bị điều hòa không khí, trong khi các trường học hầu hết không có điều hòa và 80% số hộ gia đình cũng vậy. Do đó, những “mái nhà mát mẻ” sẽ là một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tác động của nắng nóng đến người dân. Không chỉ vậy, nhiệt độ bên trong các tòa nhà giảm cũng giảm việc sử dụng điều hòa, giúp tiết kiệm chi phí.

Hiện Tangerang, trung tâm công nghiệp gần Thủ đô Jakarta, là nơi đầu tiên tham gia dự án thí điểm nói trên. Tangerang đã được cung cấp 15.000m2 mái nhà phủ vật liệu chống nhiệt và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Chính quyền các thành phố khác tại Indonesia như Jambi, Palembang, Semarang và Pontianak cũng đang lên kế hoạch áp dụng sáng kiến này.