Đột phá vì mục tiêu "thành phố công nghiệp hiện đại"

Cùng với quá trình phát triển đô thị, đô thị thông minh, Hà Nội cần có chiến lược trong lựa chọn, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp. Theo đó, không nên chạy theo tư duy "lấp đầy", mà phải tạo dựng những khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái.
0:00 / 0:00
0:00
Để tương xứng với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội cần tái cấu trúc các khu công nghiệp.
Để tương xứng với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội cần tái cấu trúc các khu công nghiệp.

Nhiều nhưng chưa tinh

Ngày 7/1/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Thành lập hai đến năm khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025", cụ thể: Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha; Khu công nghiệp Đông Anh, diện tích 300ha; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, diện tích 112ha; khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng, diện tích 389ha; Khu công nghiệp Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha.

Hiện tại thành phố có 10 khu công nghiệp, hơn 70 cụm công nghiệp và đạt được không ít thành tựu, song theo ông Lê Quang Long, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, bên cạnh những kết quả tích cực thì hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp Hà Nội chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò là nền tảng phát triển công nghiệp của Thủ đô. "Trong hơn 10 năm thành phố chưa phát triển thêm được khu công nghiệp nào; vẫn còn nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đất đai, xây dựng; công tác rà soát quy hoạch xây dựng và phát triển còn chậm; tính liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các khu công nghiệp còn yếu, chưa hình thành được chuỗi sản xuất hàng hóa", ông Long nhấn mạnh.

Trong mục tiêu phát triển của Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thành phố cần phát triển công nghiệp theo hướng có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghiệp hiện đại, kỹ thuật tiên tiến. "Để tương xứng với vị thế là Thủ đô của cả nước, cần tái cấu trúc các khu công nghiệp, xác định loại hình chuyển đổi cho từng khu hiện hữu sang những mô hình như khu công nghiệp hỗ trợ, khu sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp-đô thị-dịch vụ… nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút các dự án đầu tư lớn trước xu thế phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội có Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhưng hoạt động chưa hiệu quả", KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Một vấn đề khác mà các cơ quan chức năng còn đang vướng, là việc di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô. Nhìn vào thực tế, việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, đơn vị hành chính đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng cho khu vực nội đô. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế… ra khỏi khu vực nội đô là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng thời gian qua nhiều cơ sở trong danh sách buộc phải di dời vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện.

"Một cửa, tại chỗ" và cơ chế xanh hóa

Ngày 10/9/2020, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 204-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Theo mục tiêu, đến năm 2030, Hà Nội hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Với tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội có thể trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước; tăng tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp tốt của các cấp, ngành. Thêm nữa, theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết để trở thành quận, cần những tính toán hợp lý để không tạo áp lực lên những huyện sẽ thành quận và đặt ra các tiêu chí cao hơn cho việc phát triển đô thị xanh, công nghiệp sạch. Thành phố phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành công nghiệp sao cho đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung. Theo KTS Trần Huy Ánh, nếu các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng tại những huyện sẽ lên quận, cần xây dựng các mô hình công nghiệp hỗ trợ, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp. Hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô cũng cần cải thiện hơn.

Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội phải được xác định là nơi nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, sản xuất vật liệu... để áp dụng, cung cấp cho tất cả các ngành kinh tế trong cả nước, bao gồm công nghệ sinh học, điện tử tin học, góp phần vào công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, chủ trì phối hợp các sở, ngành thực hiện quy trình rà soát tổng thể quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn, trong đó có Khu công nghiệp Quang Minh II. Ông Lê Quang Long, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội kiến nghị: "Thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trong công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, thống nhất thực hiện theo cơ chế "một cửa, tại chỗ", tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.